Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

“Trái đất tò he”


Viết truyện giả tưởng cho thiếu nhi, Lê Toán là nhà văn đã tìm cho mình một lối đi riêng. Truyện của Lê Toán nhẹ nhàng, gửi gắm nhiều thông điệp phù hợp với tâm lý các em nhỏ. Nhân vật trong sáng tác của ông là những cô bé, cậu bé dễ thương hay những con vật, đồ vật và thiên nhiên trong thế giới tuổi thơ. Mới đây, nhà văn Lê Toán lại cho ra mắt tập truyện giả tưởng thứ 6 của mình, tập "Trái đất tò he" (NXB Văn học, 8-2012). Đây là tập truyện tập trung thể hiện chủ đề tư tưởng về ước mơ và trái tim của muôn loài.

Trong truyện ngắn viết cho thiếu nhi của Lê Toán, vạn vật cùng cất lời bằng ngôn ngữ rất riêng, ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Ở đó, mỗi loài vật cũng biết ước mơ, những ước mơ mà trẻ con thường có. Trong truyện ngắn được lấy làm tên cho cả tập, nhà văn đã miêu tả một trò chơi độc đáo của trẻ con, trò nặn tò he. Ở đây, nhà văn đã hoá thân vào các nhân vật để phát hiện ra ước mơ chinh phục ôm trọn tất cả vào trong tầm tay của các em. Những đứa trẻ nặn ra trái đất tò he, thứ mà cả đời cụ nghệ nhân già chưa nghĩ đến và cũng chưa nặn được. Thế rồi, "lũ trẻ sún răng đặt "Trái đất Tò he" lên trên mâm đồng. Chúng công kênh trái đất trên con đường làng…". Ước mơ vươn xa của trẻ thơ còn được thể hiện ở nhiều truyện khác, như: Quả bầu già trên gác bếp, Thuỷ thủ dế, Bước đi của núi đá v.v.. Ước mơ ấy không của riêng ai, ước mơ là của muôn loài. Đến nỗi, vỏ quả bom là di chứng của chiến tranh tàn ác kia cũng "muốn hoá thân thành viên gạch trong tháp cổ" để trường tồn cùng thời gian (Viên gạch trong tháp cổ). Trong truyện Hồ nước trong mây, con còng còng nhỏ bé vẫn có mơ ước về những điều lớn lao. Để rồi, tất cả những sinh vật nhỏ bé của đại dương cùng với cây sú đã "gộp chung" nhau lại thành một điều ước. Khi cá voi thực hiện được điều ước biến thành quả núi, lập tức cá voi đội tất cả lên lưng mình. Thế là tất cả đều thoả ước nguyện. Ước mơ của nhân vật trong tập truyện cũng chính là ước mơ của muôn loài trên trái đất này…

Trang bìa cuốn truyện ngắn của nhà văn Lê Toán.
Trang bìa cuốn truyện ngắn của nhà văn Lê Toán.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Toán hiện ra đa dạng, phong phú. Mỗi nhân vật đều mang gương mặt nhân hậu và trái tim yêu thương. Ví như, khi thấy đứa bé khát sữa, bà mẹ lại không có sữa cho con bú, sợi tóc mai đã hy sinh bản thân mình khi thực hiện một điều ước nguyện cho mỗi gáo nước mát lành kia là một ca sữa. Và rồi điều ước đã thành hiện thực, sợi tóc mai xinh đẹp phải trả giá, bị biến thành một sợi rơm vàng. Sợi rơm ấy vương trên mái tóc đứa bé, vương trong mùi thơm ngọt ngào của ca sữa đang toả khắp nhà. Và người đọc nhận ra cái ẩn ý của tác giả về sự lan toả của một mùi thơm khác, đó là sự thơm thảo của tình người trong nghèo khó (Sợi tóc mai). Tình người còn hiện lên đậm nét trong truyện Vòng quay cuối cùng, khi đàn sếu muốn bay về phương Nam tránh rét nhưng lại quá mệt mỏi đành đậu trên cánh cối xay gió và nếu đậu qua đêm thì sẽ bị biến thành băng. Tưởng như mọi chuyện sẽ kết thúc trong tuyệt vọng thì bỗng nhiên chiếc cối xay cũ kỹ kia cố gắng gượng dậy trong bão giông, quay được nửa vòng cuối cùng để nâng đàn sếu bay cao, còn mình thì đổ ập xuống bãi cỏ. Người đọc nhận ra sự gặp gỡ của truyện ngắn này với truyện ngắn nổi tiếng Chiếc lá cuối cùng của O.Henry trong việc xây dựng tình huống truyện, kết cấu, tạo mâu thuẫn và đẩy câu chuyện lên đỉnh điểm rồi giải quyết theo hướng có hậu…

Trái tim của vạn vật cũng là trái tim của trẻ thơ. Trái tim trẻ thơ luôn thánh thiện nhất. Khi người lớn thờ ơ với thiên nhiên, thì những đứa trẻ lại nhìn ra: "Em bé nghe được tiếng của cây Tơ – nưng. Người lớn thì chẳng bao giờ hiểu tiếng của cây, của chim hót. Họ vung rìu chém vào gốc cây chan chát…" (Cối Rơ – sung). Truyện cổ tích thường xuất hiện những ông bụt, bà tiên hiện lên giúp người lương thiện, còn trong truyện ngắn Lê Toán, đôi khi sự cứu rỗi lại nằm ở những nhân vật tưởng chừng nhỏ bé nhất. Có khi, sự nảy mầm của một hạt dẻ nhỏ nhoi lại cứu được đàn sóc khi phá vỡ lớp băng "không có trái tim nên không thấu hiểu được trái tim của loài sóc nhân hậu" (Hạt cổ tích). Nhà văn Lê Toán đã dùng tình người làm điểm quy chiếu để lý giải vạn vật. Ông nhìn quả bàng "thấu hiểu khát vọng của con người nên mang hình trái tim người". Quả bàng ấy cũng biết yêu ghét nên đã căm phẫn phóng trận mưa quả từ trên cây xuống đầu bọn cai tù tàn ác ở Côn Đảo (Quả bàng hình trái tim). Có lẽ, khi đọc những dòng như thế này, trẻ con sẽ thích thú và hướng thiện hơn: "Từ khi ăn mật hoa, ong đất lứa bé trở nên lành như ong mật trên cành bằng lăng. Mật hoa thấm vào cơ thể làm cho ong đất hiền hoà, bao dung. Đã mấy lần, chúng cứu sống một con châu chấu và một con chuồn chuồn bị ong đất lứa lớn bắt về tổ". Và trong một lúc khác, ong đất út đàn lại tháo đôi cánh của mình tặng cho ong mật út đàn với lý lẽ: "Ở mặt đất, em đi bằng chân cũng được. Anh là ong mật thì phải có đôi cánh để bay ra đồng hoa cải" (Ong út đàn).

Truyện ngắn Lê Toán có không khí cổ tích, hay nói khác đi, không gian nghệ thuật trong truyện của ông là không gian "giả cổ tích". Không gian ấy được Lê Toán dựng lên và đặt vào đó những nhân vật giả tưởng, những yếu tố kỳ diệu và những phép màu. Đó là không gian lung linh huyền thoại với "sông chào núi bằng những đợt nước trắng xoá, nước sông ngụp lặn cùng cây rừng băng băng trôi về hạ lưu"; "lá cây làm thuyền xuôi ra biển"; "cánh buồm được làm từ lá ổi" v.v.. Mỗi loài cây, mỗi con vật hiện lên trong truyện Lê Toán sinh động với những tính cách riêng. Con dê hoang tưởng, bê con lại hồ đồ, con cò nhút nhát rụt cổ chỉ biết xuýt xoa, chim sáo lại hồn nhiên yêu đời, những con cá lắm lời, hay ăn lúc nào cũng tóp ta tóp tép, cây thông thì hiên ngang lúc nào cũng xin phát biểu ý kiến, có lúc lại trầm ngâm suy tư, viên gạch rêu phong thì hấp tấp, quả bầu già buồn bã vì bị lãng quên v.v.. Có thể nói, mỗi truyện giả tưởng của Lê Toán đều gửi gắm một ý nghĩa ngụ ngôn nhất định. Và nếu như Nguyễn Trọng Tạo có "Khúc đồng dao cho người lớn" thì những truyện giả tưởng này của Lê Toán cũng có thể coi là "truyện cổ tích cho người lớn" vậy. Ra mắt tháng 8-2012, tập truyện gồm 24 truyện ngắn của nhà văn Lê Toán như một món quà dành tặng thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu này.

Phạm Học



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét