Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Múa Lân Sư Rồng và những người “giữ lửa”...


Thật khó hình dung nếu Tết Trung thu mà lại thiếu múa Lân Sư Rồng? Mà không chỉ vào dịp Trung thu, bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống này đã và đang khẳng định tính hấp dẫn của nó trong các lễ hội… Thế nhưng, hầu hết các đội Lân Sư Rồng ở Quảng Ninh đều đang phát triển tự phát, chưa được quan tâm đầu tư thích đáng. Một đội Lân Sư Rồng được xem là chuyên nghiệp, lớn nhất tỉnh như Hồng Long Đường mà bộ thanh la thì được "chế tạo" từ vung nồi áp suất, một "nhạc cụ" khác lại được tận dụng từ đoạn ống nước đã hỏng…

Giữ nghề bằng đam mê…

Đến nhà ông Trần Ngọc Thứ (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) trong những ngày cận kề Tết Trung thu mới cảm nhận hết cái tất bật của những người làm nghề biểu diễn Lân Sư Rồng trong đợt cao điểm. Điện thoại của ông chốc chốc lại reo lên bởi những "hợp đồng" biểu diễn kín mít từ ngày 12 đến 14-8 (Âm lịch). Các thành viên trong đội Lân Sư Rồng Hồng Long Đường của ông lại có dịp được tập hợp đông đủ để tranh thủ tập luyện vào lúc tảng sáng và chiều muộn…

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông Trần Ngọc Thứ vẫn luôn sát cánh cùng đội Lân Sư Rồng Hồng Long Đường trong tất cả các buổi biểu diễn.
Dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông Trần Ngọc Thứ vẫn luôn sát cánh cùng đội Lân Sư Rồng Hồng Long Đường trong tất cả các buổi biểu diễn.

Theo đuổi nghề biểu diễn Lân Sư Rồng gần 20 năm nay, ông Thứ là người  "giữ lửa" và "truyền lửa" để phát triển nghệ thuật múa Lân Sư Rồng của TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung theo hướng chuyên nghiệp. Câu lạc bộ Lân Sư Rồng phường Hồng Hà do ông thành lập từ năm 1999 đến nay đã phát triển thành Đoàn nghệ thuật Lân Sư Rồng Hồng Long Đường danh tiếng cả miền Bắc. Năm nay 83 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm, tai phải đeo máy trợ thính, nhưng niềm đam mê nghề "múa may mua vui cho thiên hạ" (như ông nói) trong tâm hồn người nghệ nhân này vẫn không hề giảm. Đối với ông, cái gì có thể mất nhưng không thể để mai một nghệ thuật múa Lân Sư Rồng truyền thống. Ông bảo: "Tôi sẽ theo đuổi nghề này đến tận lúc chết mới thôi!". Ngoài biểu diễn, ông Thứ còn trực tiếp sản xuất đầu Lân, Sư, Rồng và các dụng cụ biểu diễn khác. Ông làm một cách say mê, có những hôm tận 1 giờ sáng mới đi ngủ. Căn gác xép chật chội trên tầng 2 đã trở thành xưởng sản xuất thủ công của ông suốt từ năm 2004 đến nay. Để có những con Lân, con Rồng đẹp, không biết bao nhiêu lần ông phải khăn gói lặn lội vào tận TP Hồ Chí Minh, Huế, Hội An, ra Hà Nội, sang Hải Phòng… để học hỏi kinh nghiệm làm nghề và mua mẫu về để tự mày mò làm bằng được. Trong khi đó, giá trị của những con giống ấy đâu phải ít, có những con Lân, con Rồng có giá lên tới vài chục triệu đồng. Nhưng đã đam mê thì dường như mọi thứ không cần đong đếm bằng tiền. Trời nắng chang chang, mái tôn toả nhiệt khiến "xưởng" của ông nóng hầm hập. Nhiều vị khách tò mò đã lên đây xem ông làm nghề, nhưng chỉ được chốc lát đã… cáo lui! Vì không chịu nổi cái nóng. Thế mà ông, một cụ già hơn 80 tuổi, vẫn ngày ngày cởi trần, miệt mài công việc dựng khung, dán, khâu, vẽ, trang trí… Đặc biệt, từ dạo vợ ông phải nằm viện vì căn bệnh ung thư quái ác, nỗi buồn lo đã khiến ông già đi nhiều. Mỗi sáng ông đều tranh thủ lên bệnh viện thăm vợ, sau đó mới quay về căn gác xép quen thuộc, nơi mà gần 20 năm nay ông đã gửi trọn niềm say mê, niềm vui sống…
Cũng giống như ông Thứ, ông Hoàng Văn Bình (đội Lân Sư Rồng phường Hà Trung, TP Hạ Long) bày tỏ: "Múa Lân Sư Rồng là để mua vui cho xã hội và qua đó tạo niềm vui cho bản thân mình, giúp những người như chúng tôi sống vui sống khoẻ. Đội Lân Sư Rồng ở các xã, phường hội tụ đầy đủ từ những người đã về hưu, thanh niên và cả thiếu niên nhi đồng nữa, tất cả đều cùng có một điểm chung là niềm say mê, nhiệt huyết. Đó là yếu tố quyết định có gắn bó được với công việc này hay không"…

Ông Thứ miệt mài công việc sản xuất Lân Sư Rồng trên căn gác xép chật chội của gia đình.
Ông Thứ miệt mài công việc sản xuất Lân Sư Rồng trên căn gác xép chật chội của gia đình.

Tre già măng mọc…

Truyền niềm yêu thích môn nghệ thuật Lân Sư Rồng đến thế hệ trẻ là tâm nguyện của những người như ông Thứ, ông Bình. Ông Thứ tâm sự: "Ngoài việc tự mày mò, học hỏi để cải tiến đạo cụ, mẫu mã từng con Lân, Rồng, con Phượng cũng như cách biểu diễn, tôi còn chú ý việc hướng dẫn cho các cháu cách làm, cách trình diễn sao cho sinh động. Mục đích là để sau này khi thế hệ chúng tôi ra đi, con cháu có thể nối nghiệp, giữ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta không bao giờ phai mờ".

Không phụ công dạy dỗ và nỗ lực truyền nghề của ông, hai cháu ngoại của ông Thứ, đặc biệt là em Vũ Hoàng Dương, rất có năng khiếu về môn nghệ thuật này. "Từ năm 3 tuổi em đã theo ông đi biểu diễn. Nghệ thuật múa Lân Sư Rồng đã ngấm vào máu trở thành một niềm đam mê với em rồi…" – Dương chia sẻ. Đội Lân Sư Rồng của Dương hiện có 35 thành viên chính, nếu cần huy động cho các đợt biểu diễn quy mô như ngày hội Carnaval Hạ Long hằng năm thì con số này có thể lên tới 60-70 người. Họ đều là những người rất trẻ, chủ yếu là học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hạ Long, trong đó có không ít bạn đã gắn bó với nghề hơn chục năm trời.

Ở các huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh, phong trào biểu diễn Lân Sư Rồng cũng ngày càng có sức lan toả mạnh mẽ, thu hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia. Đơn cử như CLB Lân Võ Hải Yến (thị xã Quảng Yên) từ 10 thành viên cốt cán ban đầu nay đã phát triển lên 35 thành viên. Tham gia đội múa Lân Sư Rồng, các bạn trẻ đều rất hào hứng vì nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tăng cường sức khoẻ, sự dẻo dai, linh hoạt trong chuyển động và khả năng phối hợp với đồng đội. Bên cạnh đó, họ còn có cơ hội được đi đây đi đó, giao lưu học hỏi và có thêm thu nhập. Anh Tùng, Chủ nhiệm CLB Lân Võ Hải Yến (thị xã Quảng Yên) cho biết: "CLB Lân Võ Hải Yến xuất phát từ lớp võ Vovinam của tôi. Sau đó các sư thầy, sư cô ở Trà Linh Tự đã động viên, đầu tư kinh phí ban đầu để thành lập đội Lân. Hầu hết các em trong đội Lân đều được học những tấn pháp cơ bản sau đó học các kỹ năng bật nhảy và cuối cùng là các động tác múa lân để sao cho người xem thấy con lân sinh động như thật". Anh cho biết thêm, CLB mở ra với mục đích khuấy động phong trào, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho lực lượng thanh thiếu niên thị xã.

Nhờ có những người trẻ, múa Lân Sư Rồng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo. Mặc dù chưa phải là đội chuyên nghiệp nhưng các thành viên trẻ đều chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm các động tác kỹ thuật khó qua truyền hình, internet rồi bảo ban nhau tập luyện. Nếu như trước đây rồng chỉ chao lượn ở mức độ bình thường thì nay đầu rồng được điều khiển chao tròn rất mềm mại, sinh động và sự phối hợp giữa các thành viên cũng nhuần nhuyễn, ăn ý hơn.

Nhưng vẫn còn đó những trăn trở…

Múa Lân Sư Rồng thực sự là môn nghệ thuật dân gian phát triển mạnh từ cơ sở. Hiện nay, hầu hết nhà văn hoá ở các thôn, khu phố, đặc biệt văn hoá thôn khu ở vùng đồng bằng, đều có đội Lân Sư Rồng. Biểu diễn Lân Sư Rồng thậm chí đã trở thành một môn thi đấu chính thức của Đại hội thể thao châu Á trong nhà – Asian Indoor Games. Thế nhưng, điều đáng buồn là những hoạt động này hiện nay vẫn chỉ mới mang tính tự phát, chưa thực sự được quan tâm đầu tư một cách bài bản để duy trì và phát triển. Tính đến nay, ngành Văn hoá tỉnh vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào về số lượng các đội Lân Sư Rồng đang tồn tại; chưa có cán bộ chuyên trách; chưa thường xuyên tổ chức được các cuộc thi một cách chính thức; chưa có những cuộc giao lưu thường xuyên giữa các đội Lân Sư Rồng toàn tỉnh. Chính vì vậy, phong trào Lân Sư Rồng phát triển thiếu đồng bộ, mỗi nơi biểu diễn một kiểu, đặc biệt là thiếu kinh phí để mua sắm, cải tiến đạo cụ, con giống… Một đội lân được xem là chuyên nghiệp, lớn nhất tỉnh như Hồng Long Đường mà bộ thanh la được "chế tạo" từ vung nồi áp suất, một "nhạc cụ" khác lại được tận dụng từ đoạn ống nước đã hỏng… Còn những bạn trẻ như Vũ Hoàng Dương thì chỉ ao ước có một dàn mai hoa thung để tập luyện và biểu diễn tốt hơn… Nếu so với Bắc Lân Đường – đội lân mạnh nhất TP Hải Phòng và nhiều đội khác trong khu vực miền Bắc thì Quảng Ninh không hề thua kém họ về kỹ thuật, thậm chí còn nổi trội hơn, nhưng do thiếu đạo cụ nên bị mất điểm trong các cuộc thi đấu. Hồng Long Đường đã nhiều lần đại diện cho tỉnh "mang chuông đi đánh xứ người" và mang về nhiều giải thưởng cao nhưng lúc đi thi, vận động mãi cũng chỉ được hỗ trợ mấy triệu đồng, không có xe pháo đưa đón, không có người đi cổ vũ… "Mình cũng là một tỉnh công nghiệp, lại là tỉnh du lịch trọng điểm của cả nước mà lại không đầu tư một số đội Lân Sư Rồng quy mô để rồi khi cần lại phải đi thuê của tỉnh ngoài thì quả là đáng tiếc. Cái mình cũng làm được và thừa sức làm được, sao lại phải đi thuê của tỉnh ngoài?" – Thiết nghĩ, câu trả lời thoả đáng cho những trăn trở ấy của ông Trần Ngọc Thứ và những người đã "trót" mê nghệ thuật múa Lân Sư Rồng cũng đáng để những người có trách nhiệm ở các cơ quan chức năng suy nghĩ!

Một Tết Trung thu nữa lại đến. Tiếng thùng thình, chập chả của những đội Lân Sư Rồng đầy sắc màu hoà cùng ánh sáng lấp lánh của đèn ông sao, của trăng rằm Tháng Tám… đã và đang tạo nên cái hồn riêng của Trung thu người Việt. Nhưng dường như trong điệu cười ngặt nghẽo rất đỗi hồn nhiên của ông Địa, của nàng Thị Nở, của anh Chí Phèo lúc rượu say mà các nghệ nhân Lân Sư Rồng nhập vai vẫn còn phảng phất một nỗi buồn…

Phương Thuý



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét