Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Thực hiện chính sách đối với người cao tuổi ở Quảng Ninh: Từ những kết quả đạt được


Có một thực tế là tỷ lệ người cao tuổi hiện nay trên thế giới cũng như ở nước ta đang ngày một gia tăng. Điều đó đặt ra những vấn đề rất đáng quan tâm trong việc thực hiện chính sách đối với người cao tuổi; đặc biệt là với một tỉnh có tỷ lệ người cao tuổi được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội khá cao như Quảng Ninh…

Theo số liệu thống kê của ngành LĐ-TBXH, số người cao tuổi sống trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng ngày một gia tăng; năm 2010, số người cao tuổi ở Quảng Ninh là 103.982 người, sang năm 2011 con số này là 108.433 người và tính đến thời điểm hiện nay, đã tăng lên tới 126.011 người, chiếm tỷ lệ 11% so với dân số toàn tỉnh. (Dân số của tỉnh theo số liệu thống kê đầu năm 2012 là 1.144.381 người).

Trong tổng số người cao tuổi hiện đang sống ở Quảng Ninh, số người thuộc đối tượng hưởng lương hưu là 42.786 người, số người được hưởng chế độ trợ cấp BHXH là 11.619 người, số người thuộc đối tượng hưởng trợ cấp người có công là 6.258 người và người đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội là 14.744 người; ngoài ra còn có gần một trăm người cao tuổi đang sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh…

Ở các địa phương, cơ sở, người cao tuổi vẫn luôn được quan tâm chăm lo cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất. Trong ảnh: Các hội viên Câu lạc bộ hưu trí Bái Tử Long (TP Cẩm Phả) múa hát chào mừng ngày Quốc tế Người cao tuổi, 1-10. Ảnh: Công Thành
Ở các địa phương, cơ sở, người cao tuổi vẫn luôn được quan tâm chăm lo cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất. Trong ảnh: Các hội viên Câu lạc bộ hưu trí Bái Tử Long (TP Cẩm Phả) múa hát chào mừng ngày Quốc tế Người cao tuổi, 1-10. Ảnh: Công Thành

Những con số thống kê trên cho thấy chỉ riêng việc thực hiện một cách đầy đủ chế độ chính sách trợ cấp cho các nhóm đối tượng người cao tuổi ở Quảng Ninh thôi (chưa tính các mặt công tác khác) cũng đã là một công việc đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của các cấp uỷ, chính quyền, cũng như cơ quan, ban, ngành chức năng, từ tỉnh đến cơ sở. Thế nhưng, nhìn lại thực tế những năm vừa qua, nhất là trong hai năm, 2011 và 2012, có thể thấy công tác này đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Ngay sau khi Luật Người cao tuổi có hiệu lực, tháng 5-2011 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về người cao tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015; tiếp sau đó, tháng 9-2011, UBND tỉnh có quyết định quy định cụ thể về chế độ tặng quà, mức quà tặng mừng thọ người cao tuổi. Và đặc biệt, tháng 2-2012, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo v.v.. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách liên quan đến trợ giúp người cao tuổi, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động toàn dân chăm sóc người cao tuổi; trong đó tích cực vận động xây dựng các quỹ từ thiện xã hội để trợ giúp các đối tượng người cao tuổi khó khăn v.v.. Có thể nói, chính sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể và kịp thời của tỉnh đã giúp cho các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể v.v.. thực hiện công tác chăm lo đời sống người cao tuổi ngày một tốt hơn. Theo đó, đối với nhóm đối tượng người cao tuổi là người có công, toàn tỉnh đã tập trung hoàn thiện hồ sơ xét hưởng và chi trả trợ cấp hằng tháng cho 14.281 người, với tổng kinh phí chi trả hơn 20 tỷ; vận động xã hội hoá Quỹ "Đền ơn Đáp nghĩa" ở cả 3 cấp (từ năm 2006 đến 2011) với tổng kinh phí hơn 48,4 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh là 24,5 tỷ đồng) để xây dựng mới 647 ngôi nhà, sửa chữa nâng cấp 672 ngôi nhà khác, với tổng kinh phí 21,9 tỷ đồng từ nguồn Quỹ này. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn đối tượng người có công (chủ yếu là người cao tuổi) phải sống trong nhà tạm, không còn gia đình nào thuộc nhóm đối tượng này phải chịu cảnh nghèo, đói…

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, các cụ già thường xuyên được khám sức khoẻ định kỳ. Ảnh: Quốc Huấn
Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, các cụ già thường xuyên được khám sức khoẻ định kỳ. Ảnh: Quốc Huấn

Với các nhóm người cao tuổi được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội khác cũng tượng tự. Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, mức trợ cấp xã hội cho người từ 80 tuổi trở lên tại cộng đồng ở Quảng Ninh hiện nay là 300.000 đồng/người/ tháng, gấp 1,7 lần mức quy định của Chính phủ; chế độ mai táng phí cho đối tượng bảo trợ xã hội cũng tới 5 triệu đồng, cao hơn mức quy định của Chính phủ 2 triệu đồng. Cũng như vậy, những người cao tuổi không có nguồn thu nhập đang sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội được hưởng sinh hoạt phí 800.000 đồng/ tháng, cao hơn mức quy định của Chính phủ 440.000 đồng/ người/tháng… Đồng thời, như đã nói ở trên, từ tháng 2-2012, theo Quyết định số 427/2012/QĐ-UBND, tỉnh đã thực hiện chế độ bảo trợ xã hội đều đặn hằng tháng cho hơn 1.600 người trong độ tuổi 75-80 tuổi thuộc diện nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, còn trợ cấp khó khăn đột xuất từ nguồn ngân sách nhà nước và từ vận động xã hội hoá cho người cao tuổi khi gặp rủi ro, thiên tai, bão lũ v.v.. với số tiến không nhỏ…

Từ việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của nhà nước và của tỉnh, cộng với việc đẩy mạnh các hoạt động trong phong trào Toàn dân chăm sóc người cao tuổi v.v.. đã tạo động lực để người cao tuổi phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều tấm gương người cao tuổi tiên tiến, xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, cộng đồng dân cư xuất hiện ngày càng đông đảo, góp phần làm cho đời sống xã hội tươi đẹp hơn.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, hiện nay công tác chăm sóc người cao tuổi vẫn còn những mặt hạn chế, cần khắc phục. Trước hết, đó là về nhận thức, một số cán bộ trong các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể v.v.. ở cơ sở vẫn còn tình trạng coi nhẹ, chưa thực sự quan tâm, từ đó việc phối hợp giữa các ban, ngành và các địa phương chưa thường xuyên, chủ yếu vẫn mới chỉ chú trọng các hoạt động chăm sóc, thăm nom, tặng quà v.v.. cho người cao tuổi vào các dịp lễ, tết. Mặt khác, ngân sách các cấp bố trí cho hoạt động người cao tuổi vẫn còn hạn chế, nhất là kinh phí thực hiện chế độ theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động liên quan đến người cao tuổi và kinh phí cho hoạt động của các ban đại diện người cao tuổi ở cơ sở. Đặc biệt, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn hơn 7.000 người cao tuổi chưa có một khoản trợ cấp ổn định thường xuyên nào, trong đó đáng chú ý là những người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn. Đấy là chưa kể theo khảo sát của ngành LĐ-TBXH, hiện vẫn còn hơn 900 người cao tuổi có nhu cầu được sống tại các cơ sở nuôi dưỡng tập trung, trong khi đó cả tỉnh mới chỉ có 1 Trung tâm bảo trợ xã hội dành cho người già cô đơn, người tàn tật không nơi nương tựa với quy mô chưa tới 100 người. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở dưỡng lão cấp huyện, bệnh viện hoặc khoa, phòng, giường bệnh chuyên lão khoa lại chưa có… Tất cả những điều đó thực sự là những khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người cao tuổi trong xu thế hội nhập và phát triển của xã hội hiện nay.

Hoàng Long



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét