Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Các tao nhân mặc khách xưa chơi ở Hạ Long như thế nào?


Hàng trăm năm qua, Vịnh Hạ Long đã và luôn thu hút các văn nghệ sĩ đến tham quan, ngắm cảnh, hoặc tìm cảm hứng sáng tác, hoặc cùng bầu bạn giao lưu. Những chuyến thăm của họ được người đời biết đến là qua các ghi chép, tác phẩm họ đã sáng tác trong dịp đến Hạ Long. Không có bài vịnh Vân Đồn, Trỗi tiếng ca chèo, Qua vũng Hoa Phong thì khó ai biết Nguyễn Trãi và Hồ Xuân Hương đã từng đến Hạ Long. Cho đến đầu thế kỷ 20, phần do du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được người Pháp từng bước đưa vào khai thác, phần do sự phát triển của chữ quốc ngữ, báo chí mà những chuyến thăm thú Hạ Long của các tao nhân mặc khách được chúng ta ngày nay biết đến nhiều hơn.

Theo bài viết của Nguyễn Học, đăng trên diễn đàn http://www.talawas.org thì trên tạp chí Nam Phong số 82 do Phạm Quỳnh làm chủ bút, xuất bản năm 1924 có bài "Chơi Vịnh Hạ Long" của tác giả Nguyễn Hữu Tiến, kể về chuyến đi và cảm nhận của ông và bạn bè trong lần đầu đến Hạ Long. Nguyễn Hữu Tiến (1875-1941) hiệu là Đông Châu, quê ở Từ Liêm (Hà Nội), là một nhà nghiên cứu về các lĩnh vực lịch sử, địa lý, tôn giáo, văn chương Việt Nam và Trung Quốc. Ông cộng tác đắc lực với tạp chí Nam Phong và là một trong các thành viên của Ban biên tập tạp chí này.

Chuyến tham quan của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, ngoài ông còn có các bạn văn, bạn thơ là Ngô Vi Liễn, Ngô Vi Lan, Đỗ Đình Đắc. Trong số này Ngô Vi Liễn (1894-1945) là viên chức, học giả, nhà khảo cứu văn học, quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông từng là tri huyện của các huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), Quỳnh Côi (Thái Bình), Bình Lục (Hà Nam), Võ Giàng (Bắc Ninh).

Một bến cá ở Vịnh Hạ Long năm 1954. (Ảnh do một người Pháp tên là Raymond Cauchetier chụp). Nguồn: artnet.com
Một bến cá ở Vịnh Hạ Long năm 1954. (Ảnh do một người Pháp tên là Raymond Cauchetier chụp). Nguồn: artnet.com

Trong bài viết trên tạp chí Nam Phong, Nguyễn Hữu Tiến đã viết rằng: "Ngày 20 tháng 4 năm 1924, tôi (tức Nguyễn Hữu Tiến) cùng với mấy ông bạn là: ông Ngô Vi Liễn, Ngô Vi Lan, Đỗ Đình Đắc cùng ra chơi Vịnh Hạ Long. Trong khi đêm khuya, bóng trăng khi mờ khi tỏ, mấy anh em bảo nhau đem rượu ra để thưởng ngoạn cái cảnh đêm ở trên mặt bể, trông ra dưới bóng trăng suông thấy các ngọn núi đá chập chồng vòng quanh, nước thuỷ trào (triều) khi lên khi xuống, không biết rằng thuyền đã đi được bao nhiêu đường đất, mà ta đã vượt qua được mấy vạn trùng non nước rồi! Chỉ thấy tên lái đò trỏ bảo rằng: Kia là đò Lá, cống Mương, kia là bãi cát Trương Mò, kia là Hòn Một, kia là Bẩy Giếng, về phía trước kia là cặp Bìm Bìm, ông Lã Vọng. Lại quá ra nữa là ông Thầy Tiêu, bà Thanh Lảnh. Đó đều là những tên kênh, tên núi, mà người mình trông thấy cái hình trạng nó như thế nào thì đặt ngay tên nôm nó như thế, kể ra thiên hình vạn trạng sao cho xiết được… Chừng hồi 7h sáng ngày 21, tàu đến hang Đầu Gỗ. Tới nơi mới biết đây chính là Cửa Lục…".

Liên quan tới Cửa Lục, cũng theo tác giả Nguyễn Học, trong bài "Động Hương Tích" đăng trên Việt văn độc bản (Bộ Giáo dục Trung tâm học liệu, Xuân Thiều, Trần Trọng San, 1971, trang 191), nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã ca ngợi cảnh đẹp của Vịnh Hạ Long. Ông chủ bút của các tuần báo Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn lấy làm tiếc rằng giá như vua Minh Mạng – người ca ngợi động Hương Tích là Nam thiên đệ nhất động (đúng ra là của chúa Trịnh Sâm đề năm 1770) chưa đến Hạ Long nên mới cho Hương Tích là đệ nhất thắng cảnh. Không rõ Nguyễn Văn Vĩnh đã đến Vịnh Hạ Long vào thời gian nào, nhưng qua nhận định trên có thể khẳng định ông chắc chắn đã đến Hạ Long.

Cùng là đến Hạ Long nhưng với Hương Khuê Nguyễn Cẩn đã để lại dấu ấn của mình bằng bài thơ trên núi Bài Thơ. Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971), Nguyễn Cẩn quê ở Tiên Sơn (nay thuộc Bắc Ninh), đỗ cử nhân năm 1879 đời Tự Đức, làm quan đến chức Tuần phủ Quảng Yên. Chuyến đi Hạ Long và để lại bài thơ Trùng đề Truyền Đăng sơn khắc trên vách đá của Nguyễn Cẩn diễn ra sớm hơn các chuyến đi của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Văn Vĩnh. Đó là ngày mùng 3 tháng chạp năm Canh Tuất (1910).

Năm 1925, một nhóm tao nhân mặc khách khác gồm anh em quan án sát Vũ Tuân, Vũ Đại, thái thú Dương Tự Nhụ cũng đã tổ chức mang theo rượu ngon, đào hát, súng săn thả thuyền ngao du Vịnh Hạ Long. Tức cảnh sinh tình, các thi sĩ cũng nổi hứng mài đá đề thơ, nay còn dấu tích trên núi Bài Thơ…
Thế mới biết, Vịnh Hạ Long tự xa xưa đã là "điểm đến hấp dẫn", là niềm cảm hứng cho các tao nhân mặc khách…

Đại Dương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét