Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Sáng tác cho thiếu nhi ở Quảng Ninh: Thiếu vắng các cây bút trẻ


Nếu nhìn vào đội ngũ các tác giả viết cho thiếu nhi ở Quảng Ninh hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng của các cây bút trẻ, đội ngũ sáng tác chủ yếu của Quảng Ninh trong tương lai…

Nói đến lực lượng tác giả trẻ ở độ tuổi dưới 35 của Quảng Ninh hôm nay, những người quan tâm đến văn học tỉnh nhà có thể đếm được trên đầu ngón tay. Đó là, với thế hệ "cuối 7X" có Uông Triều, Ngô Thượng Tùng, Nguyễn Thanh Nga, Đặng Thị Thuý, Lý Thanh Nguyện, Nguyễn Thu Hiền v.v.. Thế hệ "đầu 8X" có Huệ Ninh, Vũ Thị Hạnh v.v.. Và đặc biệt là các bạn trẻ "cuối 8X, đầu 9X" mới xuất hiện gần đây có Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên, Hàn Băng Vũ, Quỳnh Giao… (Nhiều tác giả trong số này tuy đang không làm việc tại Quảng Ninh nhưng vẫn dành nhiều trang viết và tình cảm cho Quảng Ninh, vùng đất họ đã sinh ra, lớn lên và tôi cho rằng khi liệt kê đến tác giả Quảng Ninh không thể không nhắc đến họ).

Có thể nói, đội ngũ tác giả trẻ này hiện đang có sức sáng tạo khá dồi dào, tươi mới; nhất là các cây bút thuộc thế hệ "cuối 8X" mới xuất hiện gần đây càng khiến chúng ta hi vọng vào một thế hệ sáng tác mới đầy nội lực của Quảng Ninh trong tương lai. Tuy nhiên, điều đáng nói là dường như các cây bút trẻ ở Quảng Ninh thời gian qua chưa chú tâm nhiều tới mảng văn chương cho thiếu nhi, có một đôi người cũng đã thử sức ở mảng đề tài này nhưng rồi vì lý do nào đó lại thôi… Đây là điều hơi khác với những tác giả viết cho thiếu nhi Quảng Ninh thuộc thế hệ đi trước như Trần Ngọc Tảo, Nguyễn Châu, Lương Vĩnh Phúc, Trần Tâm v.v.. Ở độ tuổi của các cây bút trẻ hôm nay, họ đã dành rất nhiều tâm sức cho mảng đề tài này…

Nhà thơ Nguyễn Châu, một tác giả có nhiều thành công về đề tài thơ thiếu nhi, từng tâm sự với tôi, tuổi thơ thường có nhiều mơ ước, ước mơ thường được xuất phát từ những cuốn sách hay, những trang văn đẹp và sau này khi tập sáng tác văn học, những bài thơ, truyện ngắn đầu tiên ông viết là về lứa tuổi thiếu nhi. Cũng có thể do Nguyễn Châu hay một số tác giả viết cho thiếu nhi cùng thời với ông làm nghề giáo, môi trường công việc thường xuyên được tiếp xúc với các em nhỏ nên dễ dàng thấu hiểu về lứa tuổi này? Ngoài 20 tuổi, ông đã có một số bài thơ in trên báo Văn Nghệ, Người vùng mỏ (tiền thân của báo Hạ Long hiện nay), và quan trọng là, khi những bài thơ ấy đến tay các em học sinh đã được các em hồ hởi đón nhận, đây chính là động lực thôi thúc ông theo đuổi đề tài này. Với nhà văn Lê Toán, một người bắt đầu với những trang viết cho thiếu nhi muộn hơn, nhưng lại có "công lực" khá "thâm hậu", chỉ trong vòng chưa tới mười năm trở lại đây đã liên tục ra mắt 5 tập truyện giả tưởng dành cho thiếu nhi, ông cho rằng: Người cầm bút có thể đi sâu khai thác bất cứ đề tài nào mà mình yêu thích, nhưng phải say mê với nó. Viết cho các em thiếu nhi tưởng là dễ nhưng không hề đơn giản, bởi người viết phải viết bằng suy nghĩ, sự cảm nhận và bằng ngôn ngữ của các em, chỉ có thế mới tạo nên sức hấp dẫn với lứa tuổi này…

Vậy phải chăng có thể các bạn trẻ đang có quá nhiều mối quan tâm nên chưa thực sự tìm thấy cảm hứng và sự say mê ở mảng đề tài viết cho thiếu nhi nên chưa viết? Lý giải về việc chưa thử sức ở mảng sáng tác này, tác giả trẻ Đinh Phương cho biết, bản thân cũng rất quan tâm đến sáng tác cho thiếu nhi, đặc biệt thích các sáng tác của nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng. Tuy nhiên ở cương vị một người sáng tác, bạn chưa thử sức với đề tài này. Bởi bạn hiểu sáng tác cho thiếu nhi không dễ, nó đòi hỏi vốn sống, khả năng khái quát cuộc sống bằng cái nhìn nhân văn, trong trẻo rồi tái hiện lại trong những ngôn từ, hình ảnh giản dị nhất…

Có thể nói, tất cả những người cầm bút viết cho thiếu nhi đã thành công ở Quảng Ninh và những bạn viết trẻ hôm nay đều hiểu rằng sáng tác văn học cho thiếu nhi không dễ. Như lời nhà thơ Nguyễn Châu, ngoài rất nhiều cái cần của người cầm bút như vốn sống, nghị lực, kiến thức v.v.. điều quan trọng hơn là năng khiếu (chưa dám nói tới tài năng). Viết cho thiếu nhi có năng khiếu văn chương rồi lại phải có thêm cái duyên là sự hóm hỉnh, tươi vui và tác phẩm cho các em, dù khuôn khổ rất khiêm tốn, thơ chỉ vài câu, văn chỉ cỡ trang giấy, cũng phải thật nhân văn, thật sâu sắc.

Có một thực tế là các em học sinh hiện nay sau khoảng thời gian học tập với gánh nặng bài vở, có rất nhiều phương tiện giải trí, ngay như sách truyện cũng có rất nhiều để lựa chọn. Vì thế, một tác phẩm viết ra đã đòi hỏi rất nhiều tâm sức của người viết nhưng nó có thể đến được với các bạn đọc nhỏ tuổi hay không vẫn là câu hỏi không chỉ của những người cầm bút lâu năm trong nghề mà cũng là mối quan tâm của các tác giả trẻ. Như nhà thơ Nguyễn Châu tâm sự: "Chỉ nghĩ tới việc in sách ra thì ai bán sách cho mình. In xong mình lại phải tự bán sách của mình. Mà với tôi cái năng khiếu "kinh doanh" sách thật sự yếu kém. Nên cứ nghĩ tới điều đó là không còn chút can đảm nào để viết cả".

Và ước muốn có một cơ chế nào đó mà những cuốn sách viết cho trẻ em đến được tay trẻ em yêu sách mà tác giả của nó không phải trở thành "Nhà kinh doanh bất đắc dĩ" là mong mỏi của tất cả những người cầm bút hôm nay. Nếu ước muốn này thành hiện thực thì rất có thể các bạn trẻ sẽ thấy hào hứng hơn với mảng đề tài này!

Hiếu Ninh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét