Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

“Là phụ nữ, ai chẳng khao khát một tổ ấm hạnh phúc, nhưng không phải người phụ nữ làm nghệ thuật nào cũng có được cái may mắn ấy...”


Nghệ sĩ Bùi Thị Mai Phương hiện là Phó trưởng đoàn Kịch Quảng Ninh. Trong nghiệp diễn của mình, chị đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả Vùng mỏ. Ngoài ra, chị còn tham gia đóng phim, vai diễn gần đây nhất của chị là vai một nữ điệp viên phòng nhì trong bộ phim "Tướng Nguyễn Bình".

Gặp chị sau chuyến lưu diễn dài ngày tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, chị có vẻ rất hào hứng:

+ Có thể nói đây là một chuyến lưu diễn thành công. Khán giả miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là các đơn vị bộ đội, đón nhận rất hồ hởi. Đồng bào vốn rất yêu thích kịch, nội dung tư tưởng mà các vở kịch của chúng tôi tác động đến họ cũng tích cực. Thêm nữa, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt đầu đêm diễn bằng việc quảng bá những hình ảnh về Vịnh Hạ Long như một niềm tự hào cũng như một đặc trưng riêng của đoàn kịch Quảng Ninh. Tuy nhiên, để có được chuyến lưu diễn ấy, đoàn chúng tôi, mà cụ thể là cá nhân tôi, đã phải đi tiền trạm làm công tác "thị trường" cho đoàn trước 2 tháng. Những chuyến lưu diễn ấy giúp chúng tôi có thêm nguồn lực tài chính để cân đối thu chi nhằm đảm bảo đời sống cho anh em nghệ sĩ. Tất cả anh em nghệ sĩ sân khấu chúng tôi chứ không riêng gì đoàn kịch đều đang phải tìm đến với nhiều đối tượng khán giả…

Nghệ sĩ Mai Phương.
Nghệ sĩ Mai Phương.

- Trong những chuyến lưu diễn ấy, có kỷ niệm nào làm chị nhớ nhất?

+ Kỷ niệm trong đời diễn viên thì nhiều lắm anh ạ. Tôi nhớ năm 2002, chúng tôi đã có một đêm diễn dưới trời mưa tầm tã ở Côn Đảo. Vậy mà khán giả vẫn xem, không hề bỏ về. Điều đó làm anh em nghệ sĩ chúng tôi ai cũng xúc động. Có lẽ, nghề diễn nó vậy, dường như những vất vả đã thành "duyên nghiệp" rồi.

- Vậy điều gì đưa chị đến với cái "duyên nghiệp" ấy?

+ Quê nội tôi ở Hải Dương, quê ngoại ở Hải Phòng, nhưng tôi lại sinh ra và gắn bó với mảnh đất Vùng mỏ này. Tôi rất mê xem các đêm diễn của đoàn văn công. Năm 1982, sau khi xem đoàn diễn vở "Hà My của tôi", tôi quyết định đăng ký thi và trúng tuyển rồi về đoàn từ đó đến nay. Tôi nghĩ, ngoài hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra, Quảng Ninh là mảnh đất tốt cho các văn nghệ sĩ hoạt động và thành danh. Nơi đây có được cơ sở hạ tầng khá tốt, có sự quan tâm rất lớn đến đời sống văn nghệ sĩ của các cấp lãnh đạo tỉnh và có được cả sự giao lưu cọ xát thường xuyên với các đoàn nghệ thuật khác trong các kỳ hội diễn. Ở Đoàn Kịch Quảng Ninh, tôi gắn bó với anh em nghệ sĩ qua biết bao kỷ niệm vui, buồn.

- Hoá thân vào nhiều nhân vật như vậy, vai diễn nào để lại ấn tượng nhất trong nghiệp diễn của chị?

+ Tôi thường thể hiện những vai có tính cách. Vai diễn mà tôi tâm đắc nhất là vai bà Hoa trong vở kịch "Người không thể chết". Đây cũng là vở diễn đỉnh cao của đoàn kịch Quảng Ninh đã đoạt giải nhất trong Hội diễn toàn quốc năm 1995 và diễn suốt 10 năm sau đó…

- Với chị, những xung đột trong kịch và những xung đột trong đời thực có gì liên hệ với nhau không?

+ Tất nhiên là có liên hệ chứ anh. Diễn viên chúng tôi thường phải quan sát, suy ngẫm về những con người, với những xung đột để làm vốn sống đưa vào các vai diễn. Với lại, diễn viên chúng tôi cũng thường phải đối mặt với những xung đột giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần; giữa gia đình và công việc; giữa công danh và hạnh phúc… Và dù ở sân khấu hay ở ngoài đời thì chúng tôi cũng phải giải quyết những xung đột ấy.

- Có sự xung đột nào giữa thiên chức "xây tổ ấm" với việc xây dựng thương hiệu nghệ sĩ không, thưa chị?

+ Công việc của một diễn viên quả thực là rất bận rộn, đặc biệt còn vất vả hơn với phụ nữ chúng tôi. Đã thế, cả hai người lãnh đạo của đoàn chúng tôi đều là phụ nữ nên khá vất vả. Thêm nữa, NSƯT Diệu Hương mới làm Trưởng đoàn đã có những dấu ấn riêng nhưng cũng phải gánh vác bộn bề công việc vất vả nên tôi cũng làm công tác tham mưu với chị ấy. Anh biết đấy, để có được một vai diễn ưng ý, chúng tôi phải đau đáu luyện tập nhiều tháng trời. Khi vở diễn hoàn thành chúng tôi còn phải thường xuyên lưu diễn cả tháng xa nhà. Nhiều khi muốn chăm lo cho gia đình thật nhiều nhưng không thể. Ngày trước, tôi còn có được bờ vai vững chắc của một người đàn ông để dựa, người ấy có lúc phải thay tôi vừa làm cha vừa làm mẹ của cô con gái bé bỏng. Là phụ nữ ai chẳng khao khát một tổ ấm hạnh phúc, nhưng không phải những người phụ nữ làm nghệ thuật nào cũng có được cái may mắn ấy. Bây giờ, sau những buổi diễn, tôi lại trở về "ta với ta" thôi. Khi dấn thân vào nghề này, tôi đã xác định tính chất nghề nghiệp nó thế nên phải chấp nhận hy sinh. Nói thực với anh, là một nghệ sĩ tôi phải chấp nhận dành 2/3 thời gian cho công việc và 1/3 thời gian cho gia đình…  

- Nghe nói, chị đã hy sinh nhiều thứ cho nghệ thuật để có được những vai diễn thành công. Thế nhưng, có vẻ như chị lại không "có duyên" lắm với các danh hiệu. Điều đó có làm chị băn khoăn không?

+ Tôi chỉ muốn nói, đời nghệ sĩ nó vậy đấy. Anh cũng biết rồi, ca sĩ biểu diễn một show thì rất đơn giản, chỉ có một chuyến bay và một hai người thôi còn diễn viên như chúng tôi đi diễn cũng phải cả đoàn. Thù lao của ca sĩ gấp nhiều lần chúng tôi và các danh hiệu đến với họ cũng rất sớm. Với diễn viên thì con đường ấy có vẻ xa hơn. Diễn viên Hoàng Yến cả đời đóng phim đến vừa rồi cũng mới được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đấy thôi. Ở Quảng Ninh chúng ta có danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ, nhưng có vẻ như danh hiệu này tập trung nhiều vào đối tượng nghệ sĩ không chuyên, còn nghệ sĩ chuyên nghiệp thì ít được quan tâm. Nhưng thôi, tôi nghĩ rằng, cái quan trọng nhất của một diễn viên như tôi là được cống hiến cho nghệ thuật tỉnh nhà và được khán giả nhớ đến. Sự ghi nhận từ phía khán giả là nguồn động viên, là điểm tựa lớn nhất cho tôi…

- Còn điểm tựa quan trọng nào nữa không, thưa chị?

+ Điểm tựa khác đó chính là con gái tôi. Cháu đang học năm thứ hai đại học. Con gái tôi đã cho tôi niềm tin, sự an ủi động viên trong cuộc sống này…

- Xin cảm ơn chị! Chúc chị thành công hơn nữa trong sự nghiệp của mình!

Phạm Học



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét