Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Cải thiện môi trường trong khai thác khoáng sản: Những kết quả tích cực


Quảng Ninh là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, trong đó than và vật liệu xây dựng là những khoáng sản quan trọng nhất. Trong những năm gần đây hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã phát triển nhanh cả về quy mô và sản lượng, vì vậy mà việc cải thiện môi trường trong khai thác khoáng sản luôn được đặc biệt chú trọng.

Từ thực trạng ô nhiễm

Hiện nay toàn tỉnh có 150 khu vực, mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác. Trong đó chủ yếu là khai thác than, sét gạch ngói, sét xi măng, đá vôi xây dựng, đá vôi xi măng, cát xây dựng, cát thuỷ tinh, quặng pyrophilit, nước khoáng, quặng sắt và silic làm phụ gia xi măng… Theo đánh giá chung, ngành khai thác khoáng sản là ngành có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm bụi, tiếng ồn, nước thải mỏ, chất thải rắn và đất đai bị phá huỷ.

Trạm xử lý nước thải hầm lò Công ty Than Vàng Danh. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)
Trạm xử lý nước thải hầm lò Công ty Than Vàng Danh. Ảnh: Dương Phượng Đại (CTV)

Trong quá trình khai thác, môi trường không khí các khu vực khai thác khoáng sản và lân cận thường xuyên bị ô nhiễm do bụi, khí độc, khí nổ và tiếng ồn phát sinh ở hầu hết các khâu sản xuất. Hiện nay do ảnh hưởng của ngành khai thác than nên các khu vực Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê và một số phường của Hạ Long đang phải sống chung với bụi. Nguồn phát sinh bụi lớn nhất là từ các khâu sàng, chế biến, vận chuyển than. Ngoài ra bụi còn sinh ra từ các bãi thải chưa dừng đổ thải hoặc những bãi thải đã dừng đổ thải nhưng chưa được cải tạo, phủ thảm thực vật. Theo thống kê sơ bộ, tại vùng than Quảng Ninh, tổng lượng nước thải mỏ khoảng 25-30 triệu m3/năm. Nước thải mỏ gây nhiều ảnh hưởng đến hệ thống sông, suối, hồ, vùng ven biển như gây bồi lấp, làm mất nguồn sinh thuỷ, suy giảm chất lượng nước… Do tác động lâu ngày, trong đó có tác động của khai thác than trái phép trong một thời gian dài, một số hồ thuỷ lợi vùng Đông Triều bị chua hoá, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn nảy sinh các vấn đề tiềm ẩn gây ô nhiễm đất. Việc sàng tuyển làm phát sinh lượng lớn đá, xít thải còn chứa lượng huyền phù, than cám cần được thu hồi triệt để nhằm tiết kiệm tài nguyên, đồng thời, nếu không quản lý tốt sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái đất tại khu vực đổ thải. Lượng chất thải rắn trong quá trình khai thác chế biến than theo con số của Vinacomin đưa ra là khoảng 150 triệu m3/năm.

Đến nỗ lực cải tạo môi trường

Như vậy, những vấn đề môi trường nổi cộm trong ngành công nghiệp khai thác của tỉnh hiện tại cần phải quan tâm giải quyết là đổi mới công nghệ khai thác, chống bụi trong chế biến, vận chuyển than. Xử lý nước thải mỏ, xử lý nước hồ phục vụ nông nghiệp huyện Đông Triều, cải tạo bãi thải và phủ thảm thực vật, chống trôi lấp đất đá thải, nạo vét sông, suối.

Các hoạt động khai thác khoáng sản đã được các doanh nghiệp tập trung đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ, cải tiến thiết bị. Các cơ sở khai thác chế biến đá xây dựng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc thiết bị để tăng sản lượng đá và hạn chế những tác động xấu đến môi trường. Các doanh nghiệp cũng đã quan tâm đầu tư hệ thống phun nước để khử bụi trong khâu chế biến để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khoẻ người lao động… Đặc biệt, nhằm giải quyết tốt các vấn đề môi trường và nâng cao năng suất lao động, ngành Than đã tiến hành đổi mới công nghệ khai thác than ở các mỏ lộ thiên theo hướng sử dụng các loại thiết bị có công suất lớn và phù hợp với quy mô, điều kiện của từng mỏ như máy khoan xoay đập thuỷ lực đường kính khoan đến 160mm, phương pháp xúc chọn lọc với máy xúc thuỷ lực gầu ngược, dung tích gầu đến 15m3, sử dụng xe ô tô tự đổ tải trọng cỡ lớn 55-60 tấn và 90-110 tấn, xe tải khung mềm, máy cày xới…; áp dụng rộng rãi hệ thống khai thác lớp đứng để nâng góc bờ công tác lên đến 25-27 độ với mục đích giảm hệ số bóc trong thời kỳ đầu để giảm chi phí sản xuất; tăng cường công tác đổ bãi thải trong, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sinh thái. Trong công nghệ khai thác hầm lò, ngành đã áp dụng công tác cơ giới hoá trong việc đào lò xây dựng cơ bản bằng các tổ hợp thiết bị khoan nhiều cần, sử dụng phương pháp chống giữ các đường lò XDCB bằng vì neo phun bê tông; cơ giới hoá việc chống giữ lò chợ bằng cột chống gỗ bằng cột thuỷ lực đơn – xà khớp và giá chống thuỷ lực thay cho việc chống bằng gỗ tại một số khoáng sàng cho phép; sử dụng máy liên hợp khấu than, liên hợp đào lò vào nhiều mỏ khác. Hàng loạt các công trình bảo vệ môi trường như các trạm xử lý nước thải mỏ, các công trình cải tạo bãi thải… đã được ngành Than chú trọng đầu tư.

Với thế mạnh đặc thù, Quảng Ninh đang phấn đấu vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại 2015. Việc đầu tư công nghệ chế biến sâu trong ngành khai thác đang được các doanh nghiệp chú trọng nhằm tận thu triệt để khoáng sản, các thành phần có ích đi kèm góp phần nỗ lực trong việc cải thiện môi trường chung của tỉnh.

Hiểu Trân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét