Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Thị trường hàng hoá chuẩn bị Tết Nguyên đán: Cần nhiều biện pháp quản lý


Kết thúc năm 2012, với những ảnh hưởng từ suy thoái hầu hết các ngành nghề kinh tế đều tăng trưởng chậm, dẫn đến thu nhập của đại bộ phận người dân không cao như mọi năm. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho thị trường hàng hoá chuẩn bị cho Tết Nguyên đán năm nay được đánh giá là kém sôi động so với mọi năm.

"Chặt hầu bao" đi sắm Tết

Theo thống kê trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân tăng từ 30-45% so với các thời điểm khác trong năm. Nắm bắt được điều này, ngay từ đầu quý IV, các cửa hàng kinh doanh đã nhanh chóng đặt hàng hoá của nhà sản xuất để kịp cung ứng cho thị trường. Dạo qua một số chợ trung tâm đầu mối lớn trên địa bàn tỉnh thời điểm này có thể thấy không khí mua bán khá sôi động. Tại nhiều quầy kinh doanh, lượng hàng hoá nhập về rất phong phú về chủng loại. Đáng chú ý, các loại hàng hoá sản xuất nội địa năm nay được nhập về khá nhiều; kiểu dáng mẫu mã không thua gì sản phẩm ngoại nhập; về mức giá cũng "mềm" hơn so với nhiều sản phẩm ngoại nhập cùng loại nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo ý kiến trao đổi của các hộ kinh doanh cho thấy, cơ bản năm nay không có tình trạng khan hàng, thiếu hàng. Hàng hoá đặt bao nhiêu có bấy nhiêu, không hạn chế số lượng. Tuy nhiên, về giá thì đã có rất nhiều loại ngay từ lúc nhập đã tăng từ 5-10% (chủ yếu là các loại hàng nhập khẩu như rượu, bia, thuốc lá, một số mặt hàng bánh, kẹo…). Chính vì vậy, các mặt hàng này khi bán ra thị trường cũng sẽ cao hơn mọi năm.

Các đơn vị cung ứng chuẩn bị nguồn hàng lớn phục vụ người dân đón Tết. Trong ảnh: Khách mua hàng tại Siêu thị Bài Thơ, TP Hạ Long.
Các đơn vị cung ứng chuẩn bị nguồn hàng lớn phục vụ người dân đón Tết. Trong ảnh: Khách mua hàng tại Siêu thị Bài Thơ, TP Hạ Long.

Hàng hoá cung ứng nhiều, tuy nhiên, sức mua của người dân đến thời điểm này lại được đánh giá là chậm hơn so với những năm trước. Cụ thể, tại chợ Hạ Long I (TP Hạ Long), qua khảo sát cho thấy đại đa phần các hộ kinh doanh đều nhận định: Sức mua của người dân không được như mọi năm. Vừa kiểm lại số hàng hoá mới nhập, chị Nguyễn Thu Hiền, ki-ốt kinh doanh đồ khô chợ Hạ Long I vừa than thở với chúng tôi: Để đảm bảo nguồn hàng, từ tháng 11 cửa hàng chúng tôi đã đặt nhà phân phối số lượng hàng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Nhưng có lẽ năm nay kinh tế khó khăn nên khách hàng mua hàng rất dè chừng. Nhiều khách hàng thân thiết của tôi như mọi năm có khi mua đến 5-7 triệu đồng tiền hàng, nhưng năm nay có thể giảm đi một nửa. Người mua chọn lọc sản phẩm nhiều hơn và kỹ càng hơn. Nhiều khách mua hàng thành mấy đợt, hết lại mua thêm chứ không mua cùng một lúc như mọi năm. Hy vọng càng cận đến Tết Nguyên đán sức mua của người dân sẽ tăng lên chứ không chắc chắn sẽ có khi nhiều quầy sẽ bị thừa khá nhiều hàng.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, do năm nay kinh tế khó khăn, các khoản chi thưởng cuối năm của nhiều cơ quan, doanh nghiệp không nhiều cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người tiêu dùng "thắt chặt hầu bao" chi tiêu dịp Tết Nguyên đán. Mặt khác, người dân cũng đã ý thức hơn về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên tình trạng mua sắm hàng hoá ồ ạt của mọi năm cũng đã giảm đi.

Cần kiểm soát chặt chẽ thị trường

Được biết, để góp phần hỗ trợ thị trường thời điểm cuối năm Nhâm Thìn, tỉnh đã dành 30 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các doanh nghiệp trong chương trình này sẽ được tỉnh hỗ trợ vay vốn không lãi suất để bán hàng bình ổn giá. Các mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá gồm: Thóc, gạo các loại; miến và nguyên liệu làm miến; thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt gia cầm, thuỷ hải sản sống và đã qua sơ chế); thực phẩm công nghệ phẩm (đồ hộp, bánh kẹo, thực phẩm ăn nhanh, ăn liền khác sản xuất trong nước); trứng gia cầm; sữa (sữa đặc có đường, sữa tươi do doanh nghiệp trong nước sản xuất); rau, củ, quả; dầu ăn; thức ăn gia súc, gia cầm… Song song với việc hỗ trợ vốn, nhiều biện pháp bình ổn giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn cũng đã được tỉnh ban hành và chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai quyết liệt. Cụ thể, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý giá. Quản lý và giám sát chặt chẽ việc cung ứng hàng hoá trên thị trường, cũng như sử dụng nguồn hỗ trợ của tỉnh cho các doanh nghiệp thực hiện bình ổn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập cho nhân dân… Không để tình trạng thiếu hàng hoá, gây tăng giá đột biến cuối năm 2012 và quý I-2013.

Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực của các chương trình bình ổn giá của tỉnh đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc bình ổn giá thị trường, đảm bảo mức giá nhiều loại hàng hoá không bị tăng đột biến. Tuy nhiên, trên thực tế, hàng hoá nằm trong diện bình ổn chủ yếu là lương thực, thực phẩm và một số hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống. Trong khi, nhu cầu mua sắm hàng hoá của nhân dân trong dịp Tết lại không chỉ dừng ở các mặt hàng này. Chính vì vậy, điều mà rất nhiều người dân quan tâm hiện nay chính là vấn đề kiểm soát giá thị trường ở nhiều loại hàng hoá khác. Tránh tình trạng nhu cầu tăng cao các hộ kinh doanh tự ý đẩy giá hàng hoá.

Về vấn đề này, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các lực lượng chức năng  tăng cường công tác thanh kiểm tra tại các khu vực chợ trung tâm, chợ đầu mối trên địa bàn. Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 110 chợ lớn – nhỏ. Trong đó, các chợ lớn, chợ đầu mối tại các địa phương đều đã thực hiện việc niêm yết giá hàng hoá theo đúng quy định của tỉnh. Qua kiểm tra sơ bộ cho thấy, giá cả hàng hoá trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua cơ bản ổn định, hàng hoá phong phú và chưa có hiện tượng thiếu hàng, găm hàng chờ tăng giá, nhất là những mặt hàng quyết định đến đầu vào của sản xuất như xăng dầu, vật liệu xây dựng…

Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, hy vọng, với sự vào cuộc tích cực của các đơn vị chức năng sẽ góp phần ổn định thị trường, hỗ trợ người dân trong việc chi tiêu cuối năm.

Hồng Nhung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét