Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng đều “không biết”


Ngày 20-1-2013, Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố chính thức có hiệu lực. Đây được coi là hành lang pháp lý cơ bản để quản lý hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng không biết đến Thông tư này…

Dạo một vòng quanh các chợ trung tâm của TP Hạ Long, như chợ Hạ Long I, chợ Hạ Long II, theo quan sát của chúng tôi, các cửa hàng có thức ăn được bày bán trong tủ kính số lượng khá hạn chế; đa phần những cửa hàng nhỏ, thức ăn không được che đậy. Đặc biệt, các gánh hàng rong bán bún đậu mắm tôm, bánh đa cua, trứng gà ngải cứu… người bán không có găng tay sử dụng một lần; các quán bún, phở… bán ngay trên vỉa hè. Khi phóng viên đề cập tới Thông tư 30, hầu hết chỉ nhận được những cái lắc đầu "không biết". Chị Hương, chủ một cửa hàng dịch vụ ăn uống tại chợ Hạ Long II cho biết: "Tôi chẳng thấy có ai thông báo gì cả. Ở đây mọi người vẫn bán hàng bình thường, không thấy ai nhắc nhở gì". Trước thông tin người bán hàng phải được tập huấn về vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận sức khoẻ, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hoá, chị Lý, chủ quán bán bánh bên cạnh quán chị Hương ngạc nhiên: "Biết tập huấn ở đâu? Ai chịu trách nhiệm? Mà hàng quán cũng đơn giản, mấy chục cân bột với nhân miến, mộc nhĩ, giờ bắt có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì biết xin xác nhận của ai…".

Một dãy
Một dãy "quán cóc" bán thức ăn đường phố ở chợ Hạ Long II. (Ảnh chụp hồi 15h30 ngày 27-1-2013).

Người bán không biết, không quan tâm tới Thông tư 30, người mua cũng vậy. Anh Hạnh, ở phường Hòn Gai, cho biết: "Gia đình tôi, hai vợ chồng trẻ không có thời gian, vợ làm xa về muộn, nên thường tiện đường đi làm về, tôi mua thức ăn sẵn ở chợ. Mà cũng có thấy vấn đề gì xảy ra đâu, thấy thức ăn cũng nóng sốt, sạch sẽ mà…".

Việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 30 nhằm bảo vệ sức khoẻ cho người dân là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để Thông tư đi vào cuộc sống là cả một vấn đề, mà theo nhiều người quan tâm còn nhiều điểm khó thực hiện, chưa sát thực tế, gây khó khăn cho người kinh doanh cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Chị Lê Thị Thịnh, ở phường Trần Hưng Đạo, nói: "Tôi cũng được nghe qua về Thông tư 30 này. Phải khẳng định, Thông tư được ban hành là rất cần thiết, tuy nhiên thực tế triển khai sẽ còn nhiều bất cập. Các cơ quan có trách nhiệm cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn để mọi người cùng nắm được và thực hiện…".

Hiện trên địa bàn thành phố nói riêng, tỉnh nói chung, việc thống kê có bao nhiêu cơ sở thức ăn đường phố là một việc gần như không thể. Vì vậy, việc quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi đây là loại hình buôn bán không cố định về địa điểm, thời gian, cơ động, nhỏ lẻ. Thường thì những người nghèo, ít vốn mới kinh doanh loại hình này. Như vậy những yêu cầu trong Thông tư 30 như: Đầu tư tủ kính, trang thiết bị, phải có địa điểm kinh doanh… rất khó để người bán có thể thực hiện. Mặt khác, yêu cầu người bán phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hoá của mình là điều cực kỳ khó, khi mỗi gánh hàng rong hay quán ăn vỉa hè đều có giá trị kinh tế không lớn, chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng; nguồn nguyên vật liệu lại ít về số lượng, được mua từ các chợ hoặc người kinh doanh tự chế biến… Thông tư yêu cầu người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, phải khám và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ để tham gia buôn bán thức ăn chín, dùng ngay…; nhưng không biết kinh phí ở đâu, ai chịu trách nhiệm lập danh sách, lên kế hoạch và yêu cầu, vận động đối tượng thuộc diện tham gia tập huấn…

UBND thành phố vừa thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, các lỗi vi phạm thường gặp: Chưa tiến hành xét nghiệm sản phẩm, chưa đăng ký lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… Đoàn đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng chí Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế) cho biết: Không phải bây giờ, mà nhiều năm qua, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh, nòng cốt là Chi cục VSATTP đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn sẵn. Tuy nhiên, hiện việc quản lý chặt chẽ, đúng và đủ các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố rất khó. Thời gian tới, Chi cục sẽ tích cực tuyên truyền về Thông tư 30 đến từng hộ kinh doanh; thanh kiểm tra đột xuất các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố; lên kế hoạch cụ thể các nhiệm vụ quy hoạch quản lý hàng quán thức ăn đường phố, tuyên truyền, phổ biến về các quy định, mở lớp tập huấn về VSATTP… đến từng địa phương, đơn vị.

Tháng cao điểm về an toàn thực phẩm Tết năm 2013 được triển khai từ ngày 15-1 đến 15-3-2013 trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Thông tư 30 của Bộ Y tế.

Song Hà



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét