Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Hỗ trợ giáo dục vùng khó


Theo thống kê, trong số 186 đơn vị hành chính cấp xã của toàn tỉnh thì có tới 113 xã miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo. Đồng thời, do tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 11% trong tổng số dân, kinh tế chủ yếu gắn với nghề nông, đời sống lại gặp nhiều khó khăn nên đã gây trở ngại không nhỏ đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục. Xác định khó khăn này, ngành Giáo dục đã chủ động triển khai và phối hợp với các ngành thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn.

Giờ học của học sinh Trường PTCS Nam Sơn (huyện Ba Chẽ).
Giờ học của học sinh Trường PTCS Nam Sơn (huyện Ba Chẽ).

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Quảng Đức hiện là một trong những trường thuộc vùng miền núi khó khăn của huyện Hải Hà với phần đông học sinh là người dân tộc Dao. Mặc dù học sinh bán trú của nhà trường đã được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước là 420.000 đồng/tháng/ cháu song để cải thiện bữa ăn, nhà trường đã chủ động xây dựng mô hình "Trồng rau xanh – chăn nuôi gia cầm" với mục tiêu đảm bảo "sạch – no – đủ". Tận dụng lợi thế diện tích vườn rộng, ngay từ đầu năm học 2011-2012, nhà trường đã vận động đơn vị thi công trên địa bàn để hỗ trợ 12 xe đất màu góp phần quy hoạch, tôn tạo khu vườn và khu chăn nuôi. Trong năm học 2011-2012, nhà trường đã cung cấp với số lượng 30kg rau/lớp và 120 con gà. Đến năm học 2012-2013, nhà trường đã nuôi thêm 25 con ngan. Riêng rau xanh, từ đầu năm học đến nay nhà trường đã thu được 3 đợt. Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường nói: "Mô hình này không những góp phần cải thiện bữa ăn mà còn đảm bảo nhu cầu được ăn rau tươi, rau không có hoá chất, từ đó tạo nề nếp sinh hoạt tích cực trong nhà trường". Cô Lan cũng cho biết thêm, thực hiện mô hình không chỉ học sinh mà các bậc phụ huynh cũng rất phấn khởi vì đời sống của con em được nâng lên.

Không riêng Trường PTDTBT THCS Quảng Đức, rất nhiều trường thuộc địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn khác cũng đã chủ động khắc phục khó khăn để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho học sinh được đến trường. Đồng thời, Sở GD-ĐT cũng đã triển khai nhiều chương trình hiệu quả như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cán bộ, giáo viên thuộc những vùng này; tham mưu UBND tỉnh đưa ra một số quyết định hỗ trợ cho học sinh vùng cao; chú trọng đầu tư, nâng cấp và củng cố trang thiết bị, hệ thống cơ sở vật chất trường học, đặc biệt là những điểm trường xa xôi… Bên cạnh các cơ chế, chính sách của Nhà nước thì trong 2 năm trở lại đây tỉnh đã ban hành rất nhiều quyết định hỗ trợ cho những học sinh vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn. Điển hình như chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh mầm non vùng khó khăn; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục trung học cơ sở vùng khó để các em có điều kiện ở lại trường để học tập trong tuần do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày…

Từ năm 2011, khi thực hiện chuyển đổi mô hình đưa các trường PTDTNT cấp huyện về trực thuộc Sở GD-ĐT thì khối giáo dục dân tộc đã được thành lập (bao gồm các trường PTDTNT, các trường PTDTBT và các phòng giáo dục có những trường này trú trên địa bàn). Nhờ được giao ban thường xuyên, các vấn đề khó khăn, vướng mắc tại các trường PTDTNT và PTDTBT đã được trao đổi, giải quyết kịp thời. Cùng với đó, trong 2 năm trở lại đây, Sở GD-ĐT tổ chức rất nhiều chương trình tập huấn với các nội dung khác nhau. Đơn cử như với việc bồi dưỡng tiếng Dao Thanh Phán cho cán bộ, giáo viên tại các trường PTDTNT và PTDTBT, đến nay Sở GD-ĐT đã tổ chức được 3 lớp tại huyện Hoành Bồ, Hải Hà, Ba Chẽ… Đồng chí Mạnh Hồng Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT cho biết: "Việc mở các lớp tập huấn về bồi dưỡng tiếng Dao Thanh Phán là cơ sở để cán bộ, giáo viên các trường PTDTNT và PTDTBT tại các vùng cao, vùng dân tộc thiểu số nắm bắt, hiểu sâu hơn về tiếng Dao Thanh Phán, phát huy hơn nữa có hiệu quả vai trò đào tạo nguồn cán bộ cho các xã vùng cao".

Giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn trong những năm gần đây đã có những khởi sắc, chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, để tiếp tục ổn định và phát triển, tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nói chung.

Lan Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét