Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Thu phí ATM nội mạng, khách hàng chưa đồng thuận


Trước đây nhiều khách hàng có thói quen để tiền trong thẻ ATM vừa an toàn, tiện lợi thì nay, nhiều chủ thẻ sẽ tới quầy giao dịch để “né” việc thu phí ATM nội mạng.

Phí chồng phí

Theo dự thảo số 35 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, từ 1-3-2013, các Ngân hàng thương mại sẽ triển khai thu phí khách hàng rút tiền ở thẻ ATM nội mạng. Ngoài ra, khách hàng phải trả phí từ 1.000 đồng đến 15.000 đồng mỗi lần giao dịch (rút tiền, chuyển khoản). Cũng tại quy định mới này, từ 2014 mức phí này sẽ tăng gấp 2 và tăng lên gấp 3 vào 2015, các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch. Đây là thông tin khiến nhiều khách hàng bức xúc và cảm thấy chưa đồng tình về vấn đề này.

ATM lại tắc dịp Tết
Nhiều điểm ATM vẫn xảy ra ùn tắc.

Vừa bước ra khỏi điểm rút tiền tự động tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển, anh Bùi Đức Tuấn, công nhân phân xưởng khai thác, Công ty than Hà Lầm chia sẻ:  Nếu thời gian tới việc rút tiền ATM nội mạng phải mất phí thì tôi sẽ tới quầy giao dịch để rút. Tôi thấy chất lượng các điểm ATM không thay đổi nhiều mà ngân hàng đã thu phí của khách hàng thế này thì cần phải nên xem xét lại. Thêm nữa tài khoản trong thẻ lúc nào cũng phải để tối thiếu 100 nghìn mà không được rút nay lại mất thêm phí thu tiền. Tiện ích chưa thấy đâu vừa đi xa để rút tiền giờ lại mất thêm phí.

Cùng suy nghĩ như vậy, Chị Vũ Thị Kim Anh, nhân viên Công ty Cổ phần TMDV Yến Linh chia sẻ: Mỗi tháng tôi thường rút tiền mặt 3-4 lần. Với quy định về mức thu phí nội mạng mới thì mỗi tháng tôi phải bỏ ra gần 30 nghìn đồng tiền phí sử dụng chưa kể tiền dịch vụ thông báo số dư tài khoản qua tin nhắn. Tiền của mình rút mà mất phí thì tôi đến quầy giao dịch rút cho tiết kiệm, hoặc rút ngay 1 lần.

Ngoài ra, một số ngân hàng chỉ cho rút tiền với hạn mức thấp (2-3 triệu/ lần) mỗi lần rút thì khách hàng sẽ thiệt hơn với khách hàng của các ngân hàng được rút hạn mức cao (5 triệu/ lần). Ví du, để rút 10 triệu đồng có ngân hàng chỉ phải rút 2 lần trong khi có ngân hàng phải rút đến 3-4 lần. Như vậy, phí rút tiền nội mạng có sự chênh lệch giữa các ngân hàng sẽ khiến cho nhiều chủ thẻ không hài lòng.

Ngân hàng kêu lỗ

Theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 500 nghìn thể rút tiền tự động. Trung bình, mỗi tháng, mỗi khách hàng thường giao dịch từ 2 – 3 lần, khi đăng ký làm thủ tục, khách hàng còn chịu 100 nghìn đồng phí phát hành thẻ mới và phí duy trì thường niên có thể lên tới 60 nghìn đồng/năm. Như vậy, số tiền thu được từ khoản phí giao dịch này là rất lớn. Và sẽ càng lớn hơn nếu thời gian tới các ngân hàng tiếp tục hạ hạn mức rút tiền một lần, khi đó chủ thẻ lại phải rút nhiều lần hơn.

Không những vậy, thông qua dịch vụ ATM, các ngân hàng đang được hưởng nhiều lợi ích. Chỉ tính đơn giản, mỗi chủ thẻ khi mở tài khoản ATM, đã buộc phải để số dư tối thiểu 50.000 đồng trong tài khoản (tài khoản còn dưới 100.000 đồng, khách hàng sẽ không thể rút tiền). Khi sử dụng thẻ ATM, khách hàng đều bị giới hạn số tiền rút/lần, số tiền rút tối đa/ngày, hạn mức chuyển khoản… Và như vậy, từ 1-3, Ngân hàng Nhà nước triển khai thu phí, khách hàng giao dịch càng nhiều lần sẽ càng tốn phí.

Giao dịch ATM nội mạng bắt đầu được tính phí từ 1-3.
Giao dịch ATM nội mạng bắt đầu được tính phí từ 1-3.

Tuy nhiên, một số ngân hàng lại cho rằng việc thu phí nội mạng ATM là cần thiết để bù đắp các chi phí bấy lâu nay bỏ ra để duy trì hoạt động của các điểm rút tiền tự động. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Phòng dịch vụ, Agribank Quảng Ninh cho biết: Hiện ngân hàng chúng tôi có 24 máy ATM trên toàn tỉnh, với trên 111 nghìn thẻ. Để duy trì hoạt động của các máy ATM mỗi tháng ngân hàng phải phí thuê đường truyền, phí thuê đội ngũ kiểm đếm, tiếp tiền, công an bảo vệ, thuê địa điểm đặt ATM, điều hòa nhiệt độ… cộng lại chi phí cho mỗi máy ATM hằng thàng từ 5 đến 6 triệu đồng. Chưa kể đến việc lượng tiền mặt “nằm chết” trong nhiều máy ATM. Hiện nay ngân hàng đang chịu khoản lỗ tự dịch vụ này.

Tương tư như vậy, tại Vietcombank, ông Hoàng Quốc Chiến, Phó Giám đốc Vietcombank Quảng Ninh cho biết: Vietcombank Quảng Ninh hiện có 27 máy ATM, hằng tháng ngân hàng này cũng phải bỏ ra gần 200 triệu tiền bảo trì, bảo dưỡng, cũng như các chi phí khác để duy trì hoạt động.

Có thể thấy để hài hòa giữa lợi ích của khách hàng và ngân hàng, cũng như việc tuyên truyền cho người dân chủ trương thu phí nội mạng ATM là cần thiết thì chính các ngân hàng cần phải tăng cường hơn nữa chất lương dịch vụ tại các điểm ATM, khẳng định thương hiệu bằng việc chăm sóc khách hàng, phát triển phương thức thanh toán chi tiêu không dùng tiền mặt tại nhiều địa điểm công cộng trong thời gian tới. Như vậy mới tạo ra sự đồng thuận của khách hàng đối với việc thu phí nội mạng trong thời gian tới đây

Nghĩa Hiếu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét