Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Cảnh báo nguy cơ dị vật đường thở ở trẻ


Ngày 13-1 vừa qua, Phòng Cấp cứu của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận trường hợp bé Nguyễn Thị Minh Thư, 5 tuổi ở phường Bắc Sơn (TP Uông Bí) nhập viện trong tình trạng khó thở dữ dội, có tiếng thở rít, nói không ra tiếng.

Chẩn đoán ban đầu trẻ bị dị vật đường thở, bởi vậy y, bác sĩ trong khoa đã nhanh chóng tiến hành nội soi, gắp dị vật là một hạt hướng dương có kích thước 18.8.4mm đang mắc trong khí quản. Thì ra, trong lúc ăn hạt hướng dương cháu Thư bị bố mắng, bắt đi ăn cơm. Thấy thế, Thư vơ vội mấy hạt cho vào miệng thì bị sặc, ho rũ rượi, thở rít, tím mặt, có dấu hiệu khó thở. Gia đình đã tìm mọi cách móc họng, kích thích cho cháu nôn hoặc ho, khạc hạt hướng dương ra song cháu lại càng bị khó thở. Vì vậy, gia đình đã cấp tốc đưa cháu đi cấp cứu. Nhờ được chẩn đoán đúng nguyên nhân bệnh và cấp cứu kịp thời nên ngay sau khi soi gắp dị vật, cháu Thư đã hết khó thở, trở lại bình thường. Sau một ngày, cháu được xuất viện. Bác sĩ Uông Hồng Hợp, Khoa Tai – Mũi – Họng, người trực tiếp gắp dị vật cho bệnh nhi Thư cho biết, đây là trường hợp dị vật đường thở được xác định chính xác nguyên nhân, người bệnh được phát hiện và soi gắp dị vật kịp thời nên hậu quả không lớn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ bị dị vật đường thở nhưng gia đình không nắm được hoàn cảnh gây bệnh, dẫn đến khó phát hiện, khó soi gắp thì có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Bé Nguyễn Thị Minh Thư, 5 tuổi, phường Bắc Sơn (TP Uông Bí) đã khoẻ mạnh ngay sau khi được gắp dị vật ở đường thở.
Bé Nguyễn Thị Minh Thư, 5 tuổi, phường Bắc Sơn (TP Uông Bí) đã khoẻ mạnh ngay sau khi được gắp dị vật ở đường thở.

Dị vật đường thở là hiện tượng có vật lạ lọt vào trong đường thở, khiến cho cơ thể có những phản ứng tự vệ như ho sặc sụa, dữ dội để tống dị vật ra khỏi đường thở. Nếu dị vật nhỏ, lỏng, ít như mảnh vụn thức ăn, nước bọt, nước uống chúng sẽ tự bắn ra ngoài. Nếu dị vật to hơn đường kính thanh quản, khi ho không bắn ra được mà ngược lại sẽ nằm trong khí phế quản gây khó thở và gây viêm. Trong trường hợp này, khi nói, cười, thở mạnh dị vật có thể di chuyển cọ vào niêm mạc kích thích gây ho, thở rít từng cơn. Dị vật cũng có thể mắc kẹt vào một nhánh phế quản gây bít tắc, viêm một vùng phổi, nếu không được phát hiện và soi gắp thì tình trạng viêm ở đây sẽ tái đi tái lại nhiều lần. Còn đối với trường hợp dị vật rất to, bít tắc đường thở sẽ gây tử vong nhanh chóng. Đáng chú ý là các trường hợp bị dị vật đường thở chủ yếu đều là trẻ nhỏ, do trẻ hay ngậm thức ăn, đồ chơi, các vật nhỏ trong miệng, khi cười đùa hay la khóc dễ sặc vào đường thở. Đặc biệt vào những dịp lễ, Tết, các gia đình thường mua nhiều bánh kẹo, các loại hạt dưa, bí, hướng dương… Đây là những tác nhân tiềm ẩn nguy cơ gây dị vật đường thở ở trẻ. Do đó các gia đình tuyệt đối không để trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ tự cắn những loại hạt này.

Bác sĩ Uông Hồng Hợp cũng cho biết: "Trong trường hợp đã và đang thấy trẻ đang ăn hoặc ngậm những vật có nguy cơ gây hóc, sặc thì các bậc phụ huynh nên bình tĩnh nhẹ nhàng dỗ trẻ, hướng dẫn trẻ nhè những vật nguy hại ra khỏi miệng. Đặc biệt không nên la lối, quát tháo bắt trẻ nhè ra, càng không nên thô bạo bóp má hay cho tay móc miệng làm trẻ hoảng sợ, kêu khóc. Bởi khi đó trẻ sẽ hít vào rất mạnh và sâu, thanh quản mở rộng tối đa, luồng khí hít vào mạnh sẽ cuốn những vật này vào sâu trong đường thở, gây nguy hiểm cho trẻ. Đặc biệt nếu thấy những dấu hiệu ho, sặc, khó thở dữ dội, có tiếng thở rít, nói không ra tiếng… như trường hợp trẻ 5 tuổi ở phường Bắc Sơn kể trên thì gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay".

Tết Quý Tỵ đang đến gần, để niềm vui Tết của mỗi gia đình được trọn vẹn, các bậc cha mẹ, ông bà cần phải chú ý phòng tránh nguy cơ bị dị vật đường thở cho trẻ.

Phạm Quang Thiện (CTV)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét