Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Nhiều nỗi lo mới


4 năm trở lại đây, dịch bệnh HIV/AIDS ở Quảng Ninh không còn tăng nhanh như những năm 2005 trở về trước và cơ bản Quảng Ninh đã khống chế được tình hình dịch. Tuy nhiên, năm 2013 này, công tác phòng chống HIV/AIDS lại đứng trước những nỗi lo mới khi mà kinh phí bị thu hẹp, đối tượng nhiễm HIV mở rộng…

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện từ năm 1994 đến ngày 30-11-2012, toàn tỉnh có 8.893 người nhiễm HIV; trong đó, 4.370 trường hợp tử vong do AIDS và 4.523 người nhiễm HIV hiện còn sống (số liệu Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm cung cấp). Để khống chế đại dịch này, Quảng Ninh đã triển khai rất nhiều biện pháp từ công tác tham mưu, chỉ đạo đến phối hợp liên ngành nhằm tăng cường truyền thông về phòng chống HIV/AIDS đến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.  Nhờ đó, đã từng bước nâng cao được nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS, góp phần đưa Quảng Ninh ra khỏi tốp 10 tỉnh, thành có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất toàn quốc.       

Màn trình diễn thời trang của học sinh Trường THCS Mạo Khê II (Đông Triều) tại hội thi kiến thức về SKSS vị thành niên và phòng chống HIV/AIDS do nhà trường tổ chức.
Màn trình diễn thời trang của học sinh Trường THCS Mạo Khê II (Đông Triều) tại hội thi kiến thức về SKSS vị thành niên và phòng chống HIV/AIDS do nhà trường tổ chức.

Tuy nhiên, trong hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013, đồng chí Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế đã nhận định: "Mặc dù Quảng Ninh đã ra khỏi tốp 10 nhưng vẫn ở mức ngấp nghé tốp 10. Nếu công tác phòng chống HIV/AIDS không làm tốt thì Quảng Ninh vẫn có thể quay trở lại tốp 10. Điều này cho thấy, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn chưa thực sự bền vững". Phân tích những kết quả, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân và khó khăn, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các cấp đều cho rằng, bên cạnh sự thiếu bền vững công tác phòng chống HIV/AIDS của Quảng Ninh còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Đó là tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS mới có xu hướng chuyển từ nhóm đối tượng nghiện tiêm chích ma tuý sang nhóm đối tượng mại dâm. Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh, số người nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm là 239 người, tăng 15 trường hợp so với năm 2011. Nếu như tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý giảm từ 33,2% năm 2008 xuống còn 23,2% năm 2012, thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm mại dâm từ 1% năm 2008 đã tăng lên 2% năm 2012. Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh nhấn mạnh: "Việc kiểm soát lây truyền HIV trong nhóm mại dâm khó khăn hơn nhiều và tốc độ lây truyền cũng nhanh hơn rất nhiều so với nhóm đối tượng nghiện chích ma tuý. Điều này sẽ càng khiến cho công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh thời gian tới khó khăn hơn".

Không chỉ vậy, trong năm 2012, qua điều tra, phát hiện số người nhiễm HIV/AIDS còn cho thấy xuất hiện thêm 4 xã miền núi và hải đảo có người nhiễm HIV/AIDS được xác định địa chỉ là: Minh Châu (Vân Đồn), Thanh Lâm, Thanh Sơn và Đạp Thanh (Ba Chẽ). Theo đó, toàn tỉnh hiện có 163/186 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS.

Trong khi diễn biến dịch HIV/AIDS càng ngày càng phức tạp thì nguồn kinh phí cho công tác này lại đang bị thu hẹp. Bên cạnh nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS; nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh, công tác phòng chống HIV/AIDS còn được nhận sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ này đang trong lộ trình cắt giảm để chuyển giao hoạt động cho địa phương. Chính sự eo hẹp về kinh phí sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều chương trình, mô hình, dự án không thể duy trì; định mức chi cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS giảm…

Mặc dù vậy, năm 2013 này Quảng Ninh vẫn đề ra một số chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS cao hơn so với năm 2012. Chẳng hạn như: Tỷ lệ cơ quan thông tin đại chúng địa phương thực hiện tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS theo hướng dẫn của Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Y tế; tỷ lệ người bán dâm có sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục; số bệnh nhân người lớn điều trị ARV; số bệnh nhân trẻ em điều trị ARV… Đây là thể hiện sự quyết tâm của tỉnh nhưng cũng đòi hỏi sự chủ động, tích cực và nỗ lực hơn của các cấp, các ngành trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Cẩm Nang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét