Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

“Dưới lá cờ của Đảng, phong trào “Ba rèn luyện, ba sẵn sàng” đã “thổi” sức mạnh cho tuổi trẻ Quảng Ninh...”


(Ghi theo lời kể của ông Vũ Cẩm, nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh khoá I)

"Cho đến bây giờ, khi nhân loại đã bước sang thế kỉ XXI nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, tư duy của đội ngũ cán bộ Đoàn hồi đó quyết định phát động phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng" là hoàn toàn đúng đắn. Muốn "sẵn sàng" phải "rèn luyện". "Ba rèn luyện" là cơ sở để thực hiện "Ba sẵn sàng". Không thực sự phát động "Ba rèn luyện" thì khẩu hiệu "Ba sẵn sàng" chỉ là hình thức. Rèn luyện không chỉ đơn giản là việc tổ chức học tập, nâng cao trình độ mọi mặt của thanh niên mà quan trọng nhất là đưa thanh niên vào hành động cách mạng…".

Đó là lời tâm sự của ông Vũ Cẩm, nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh khoá I, người đã có hơn 20 năm gắn bó với công tác Đoàn và có công đầu trong việc phát động và phát triển phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng" từ năm 1964-1973. Cho đến nay, dấu ấn về kết quả, đặc biệt là cách làm của phong trào này vẫn còn nguyên giá trị với những bài học sâu sắc về công tác Thanh vận…

"Ba sẵn sàng" ngày ấy…

Nhớ về phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng", ông Vũ Cẩm không khỏi bồi hồi xúc động. Ông kể:

- Năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt. Lúc bấy giờ Quảng Ninh mới được hợp nhất từ khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Đồng thời, cũng là lúc trên chủ trương hình thành Đảng uỷ thống nhất của ngành Than từ Hòn Gai – Cẩm Phả – Vàng Danh – Mạo Khê thành một Tổng công ty. Tôi được chỉ định sang kiêm nhiệm Đảng uỷ viên và Bí thư Đoàn Tổng công ty. Qua sinh hoạt ở tỉnh và Trung ương, cùng với những bài học từ những năm đầu cách mạng và kháng chiến 1945-1946, tôi nghĩ phải sớm chuẩn bị cho ĐVTN khỏi bị bất ngờ trước sự tàn phá của chiến tranh. Tôi đã đưa ra tập thể bàn và quyết định phát động phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng", trước hết là trong thanh niên công nhân mỏ rồi lan ra toàn tỉnh".

Ông Vũ Cẩm (đứng giữa), chụp ảnh lưu niệm với các ĐVTN tiêu biểu trong lần về kiểm tra đường lò
Ông Vũ Cẩm (đứng giữa), chụp ảnh lưu niệm với các ĐVTN tiêu biểu trong lần về kiểm tra đường lò "Thanh niên quản lý" tại Mỏ than Mạo Khê năm 1971 khi ông đang là Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh. Ảnh: tư liệu

Ngày 19-5-1964, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, tại khu rừng thông và bãi biển Bãi Cháy, chúng tôi tổ chức cuộc cắm trại của các cơ sở Đoàn. Hàng ngàn thanh niên về tham dự, vừa học tập tình hình nhiệm vụ mới, vừa vui chơi, giải trí, thi đấu thể thao, thi bắn súng… Và cũng tại đây, Đoàn đã chính thức phát động phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng". "Ba rèn luyện" bao gồm: Rèn luyện tư tưởng và tác phong cách mạng; rèn luyện kỹ thuật; rèn luyện thân thể, tay súng. "Ba sẵn sàng" là: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu và sẵn sàng làm bất cứ việc gì theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước. Phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng" đã tạo ra một không khí thi đua sôi nổi của tuổi trẻ Quảng Ninh với 13 vạn ĐVTN tham gia phong trào.

Chưa đầy 3 tháng sau đó, ngày 5-8-1964, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất bắt đầu. Giặc Mỹ điên cuồng bắn phá Vùng mỏ nhưng vì được rèn luyện và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nên thanh niên Quảng Ninh không bị bất ngờ. Toàn tỉnh đã anh dũng đánh trả, bắn rơi 3 máy bay Mỹ và bắt sống An-vơ-rét, tên giặc lái Mỹ đầu tiên trên miền Bắc. Trong đó, nổi lên những tấm gương chiến đấu anh dũng của thanh niên, như: Đồng chí Lê Sỹ Hằng, dù bị thương gẫy chân nhưng anh đã buộc chân vào thành pháo để tiếp tục chiến đấu; đồng chí Đồng Quốc Bình, bị thương lòi ruột vẫn bình tĩnh nhét ruột vào, tiếp tục cầm chắc tay súng… Đặc biệt, từ phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng", cả một thế hệ thanh niên Vùng mỏ xung kích, tình nguyện ra trận. Thậm chí, có gia đình cả 5 anh em đều nộp đơn tình nguyện ra mặt trận; có những người không đủ tuổi đã bí mật khai tăng tuổi, không đủ cân nặng thì đeo đá vào người, lại có người dùng máu của mình để viết đơn tình nguyện tòng quân. Các đội thanh niên xung phong, thanh niên xung kích, thanh niên cờ đỏ lần lượt ra đời nhằm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh. Tuổi trẻ Quảng Ninh sôi sục khí thế với các khẩu hiệu: "Tay búa – Tay súng"; "Tay cày – Tay súng", "Tay bút – Tay súng"… Hàng trăm thanh niên tiêu biểu vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu tốt được Tỉnh Đoàn tuyên dương.

Trong sản xuất, bằng trí thông minh, sáng tạo của mình, kỹ thuật khoan của đồng chí Vũ Hữu Sơn đã chinh phục lòng đất ở cả những nơi đất đá rắn nhất. Hay tổ đào lò của anh Đào Xuân Ngọc, mỏ hầm lò Thống Nhất, tổ máng ngoài của Công ty sàng tuyển than Cửa Ông, nhờ có sáng kiến kỹ thuật đã không ngừng nâng cao năng suất, vừa tham gia trực chiến, bắn máy bay Mỹ. Đầu năm 1965, Bác Hồ về thăm Quảng Ninh và dự mít-tinh tại sân Trường Cấp III Hòn Gai, Bác đã biểu dương 2 tổ sản xuất lá cờ đầu của phong trào thanh niên là Vũ Hữu Sơn và Đào Xuân Ngọc. Sau này, Vũ Hữu Sơn được phong tặng Anh hùng Lao động. Bên cạnh đó, không thể không kể đến chiến dịch than "Điện Biên Phủ" với  mục tiêu 3,2 triệu tấn than; chiến dịch than "Vì miền Nam ruột thịt" với mục tiêu 4,3 triệu tấn than… Các chiến dịch này đều được hoàn thành xuất sắc trong điều kiện chiến tranh gian khổ. Ngoài ra, Đoàn còn phát động rộng rãi phong trào thanh niên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Từ phong trào này đã có hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm của thanh niên ở các hầm lò, nhà máy, công trường và cán bộ KHKT trẻ được đi báo cáo điển hình. Đặc biệt, một thành tích của tuổi trẻ Quảng Ninh mà tôi không thể quên, đó là "công trình thanh niên" phục hồi nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông. Hôm ấy là ngày 10-4-1966, giặc Mỹ ném bom, nhà máy sàng Cửa Ông bị hỏng nặng, sản xuất bị tê liệt. Trước tình hình đó, Đảng uỷ Tổng Công ty Than giao cho Đoàn thanh niên Tổng Công ty đảm nhận công trình. Ban chấp hành Đoàn Tổng Công ty bàn bạc thống nhất huy động những ĐVTN các nhà máy, phân xưởng cơ khí có tay nghề cao trong toàn ngành than, từ Mạo Khê, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả… về sửa chữa, coi đó là "Công trình thanh niên" phải hoàn thành trước ngày 19-5-1966 để chúc mừng sinh nhật Bác. Trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt ấy, anh em đã tích cực làm ngày làm đêm, vận dụng hết trí tuệ, sức lực, nhiệt huyết để hoàn thành công việc trước tiến độ…  

Ghi dấu ấn tuổi trẻ

Phong trào thanh niên ngày càng khởi sắc, ngày 19-9-1970, Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ nhất được tổ chức ở Bãi Cháy. Một trong những quyết định quan trọng và mới của Đại hội này là Đoàn phải tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác giáo dục thanh niên. Đoàn đã đề xuất và được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nhất trí dành mảnh đất đẹp nhất Bãi Cháy lúc bấy giờ làm CLB và trại hè cho thanh thiếu nhi Quảng Ninh. Đoàn đã xây dựng lại nhà 2 tầng bị đổ nát và hệ thống nhà tắm cũ thành "CLB tắm biển" cho thanh thiếu niên. Hàng năm, có hàng vạn thanh thiếu niên ở khắp các cơ sở Đoàn lần lượt về đây cắm trại, sinh hoạt chính trị, vui chơi giải trí. Cũng trong giai đoạn này, Tỉnh Đoàn đã phát động phong trào "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi" trong ĐVTN. Phong trào này được thực hiện rộng rãi cho đến tận hôm nay.  

Ngày 10-5-1972, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ bắt đầu ở Quảng Ninh. Chúng đánh huỷ diệt thị xã Hòn Gai và vùng công nghiệp Quảng Ninh, trong khi đó lực lượng của ta chủ yếu đều đã chi viện cho chiến trường miền Nam. Lực lượng còn lại ở Vùng mỏ rất mỏng. Sẵn có những cựu chiến binh đã từng chiến đấu thời kỳ chống Pháp làm chỉ huy, Đoàn đã vận động ĐVTN xung phong gia nhập các đơn vị pháo cao xạ của Vùng mỏ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị pháo cao xạ của Vùng mỏ mà có trên 80% là ĐVTN đã ra đời, đặc biệt như đơn vị của đồng chí Đặng Bá Hát – Xí nghiệp bến Hòn Gai, có tới gần 100% là ĐVTN. Các đơn vị tự vệ trực chiến, các đơn vị pháo cao xạ cùng các đơn vị TNXP, Thanh niên xung kích đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực, thậm chí có lúc thay thế đơn vị chủ lực góp phần tích cực cùng quân dân toàn tỉnh bắn rơi 200 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ vùng mỏ an toàn.

Sau 19 năm phát động và phát triển, phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng" đã đoàn kết tất cả mọi lực lượng ĐVTN, huy động được 26.559 ĐVTN tham gia tòng quân; có trên 10.000 người vào Nam chiến đấu, trong đó có "Binh đoàn Than" với nhiều chiến công lẫy lừng. Những anh hùng chiến đấu như Hà Quang Vóc, Đỗ Viết Cường, Đoàn Sinh Hưởng v.v.. Hay anh hùng lao động như Vũ Xuân Thuỷ, Vũ Hữu Sơn, Tống Thị Vít, Trịnh Văn Nghinh v.v.. đều trưởng thành từ tổ chức Đoàn. Truyền thống anh hùng của thanh niên quân đội, công an, công nhân nhà máy điện, nhà máy sàng, bến cảng… cũng đã nuôi dưỡng những anh hùng như Dương Hữu Độ, Trịnh Đình Tứ, Phạm Văn Tâm… Ngoài ra, cũng không thể không kể đến sự xung kích của các ĐVTN văn nghệ. Họ đã không quản ngại mưa bom bão đạn để mang tiếng hát, tiếng đàn của mình đến tận các đồi pháo, công trường. Đặc biệt, còn có cả 1 đội thanh niên văn nghệ tình nguyện đi phục vụ chiến trường miền Nam ở giai đoạn khốc liệt nhất, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, như: Quang Thọ, Doãn Tần, Biên Hoà, Thanh Việt, Thanh Vân, Kim Chung, Kim Khánh, Ngọc Ẩn…

Kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc, tháng 7-1973, tôi và các đồng chí Mai Văn Ngôn (Bí thư chi đoàn đơn vị pháo Đặng Bá Hát của Xí nghiệp bến Hòn Gai), Nguyễn Thị Nhạn (chiến sĩ ngành GTVT) được cử đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 10 tại Béc-Lin (CHDC Đức). Điều đáng ghi nhận hơn cả, đó là Tỉnh Đoàn và phong trào thanh niên Quảng Ninh được bầu là đơn vị xuất sắc nhất trong phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng". Năm 1973, Trung ương Đoàn chính thức trao tặng lá cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ cho Tỉnh Đoàn Quảng Ninh…

Cho đến bây giờ, khi nhân loại đã bước sang thế kỉ XXI nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, tư duy của đội ngũ cán bộ Đoàn hồi đó quyết định phát động phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng" là hoàn toàn đúng đắn. Muốn "sẵn sàng" phải "rèn luyện". "Ba rèn luyện" là cơ sở để thực hiện "Ba sẵn sàng". Không thực sự phát động "Ba rèn luyện" thì khẩu hiệu "Ba sẵn sàng" chỉ là hình thức. Rèn luyện không chỉ đơn giản là việc tổ chức học tập, nâng cao trình độ mọi mặt của thanh niên mà quan trọng nhất là đưa thanh niên vào hành động cách mạng… Tôi nghĩ đó chính là những bài học về công tác Thanh vận từ phong trào "Ba rèn luyện, Ba sẵn sàng" thời ấy của chúng tôi…

Phương Thuý



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét