Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Phòng tránh ngộ độc rượu


Ngày xuân, đến chúc Tết mọi nhà, đâu đâu cũng mời thưởng thức chén rượu.


 

Không cần bày mâm, chỉ cần chai rượu, bia và một hai món đơn giản cũng có thể nhâm nhi cả buổi. Tuy nhiên, do quá “chén” và tình trạng rượu giả, rượu chất lượng kém khiến nhiều người phải nhập viện. Không chỉ mất cái Tết mà nhiều người còn thiệt mạng vì bia, rượu.

Cấp cứu vì rượu dỏm

Đến chúc Tết nhà người thứ 11 ở công ty thì anh Tuấn gục. Mọi người tưởng anh chỉ say nên cứ để nằm trên ghế sofa. Nửa tiếng sau, một đồng nghiệp gọi dậy thì phát hiện mặt anh tái ngắt, hơi thở ngắt quãng, chân tay lạnh. Cũng may là nhập viện kịp thời, bác sĩ nói chỉ cần thêm nửa tiếng nữa chắc chắn anh Tuấn không qua khỏi.

Cánh mày râu thường lướt khướt vào dịp Tết, đến nhà nào cũng chúc rượu. Vì thế, quá chén là chuyện thường ngày nhưng nhiều người đã phải cấp cứu, thậm chí bỏ mạng vì ngộ độc rượu. Nói về chất lượng rượu, bia thì thực sự đáng lo ngại bởi lẽ rất nhiều loại rượu có nhãn mác nhập từ ngoài vào rất khó kiểm soát để biết rượu thật – giả. Đó là chưa kế các loại rượu do dân tự nấu không đảm bảo an toàn, vệ sinh và rất dễ bị ngộ độc.

GS.TS Nguyễn Thị Dụ – Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, những rượu pha từ cồn công nghiệp có lượng methanol cao không chỉ gây hại cho sức khoẻ mà đôi khi có thể gây tử vong. Những người bị ngộ độc rượu nhẹ thì nôn mửa có thể hết, nặng thì hôn mê sâu, hạ đường huyết, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim. Ngộ độc rượu có methanol cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng và nếu có cứu sống được thì người bệnh có thể bị biến chứng mù mắt suốt đời.

Theo thống kê của các bệnh viện, dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu gia tăng. Nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu đến nhập viện đã ở trong tình trạng hôn mê, với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết.

Ngộ độc rượu xảy ra ở cả hai dạng: cấp tính và mãn tính. Theo các bác sĩ, ngộ độc rượu cấp tính khiến người uống bị mất thăng bằng, nôn, rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tử vong. Với người bị bệnh xơ gan chỉ cần đưa vào cơ thể một lượng rượu nhỏ (từ 300 – 500ml) cũng có thể dẫn tới ngộ độc cấp tính, đe dọa tính mạng. Trong trường hợp ngộ độc rượu mãn tính, hệ luỵ sẽ lớn hơn: Người mắc bệnh này sẽ bị hoảng loạn tinh thần do rượu, sẽ có những thay đổi lệch lạc trong nhân cách, hành vi, lời nói, cử chỉ, thậm chí bị hoang tưởng ảo giác, có hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Phòng tránh và xử trí

Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, trong năm 2012 cả nước đã có gần 170 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 5.400 người mắc, trong đó có 33 người tử vong số người tử do ngộ độc rượu chiếm tới 26%.

Hệ luỵ lâu dài nhất của người thường xuyên uống nhiều rượu là sẽ phải đối mặt với các nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh xơ gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ… Lời khuyên của các chuyên gia là để uống rượu có ích, an toàn, không nên uống quá 30ml/ngày (một chén nhỏ) đối với rượu mạnh và 700ml/ngày (2 cốc nhỏ) đối với bia…

Ðể phòng, tránh ngộ độc rượu, đặc biệt trong những ngày Tết, chỉ nên mua và sử dụng các loại rượu đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng rượu bia trong những ngày lễ Tết, nhất là đối với người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp…

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia chống độc, khi xuất hiện những dấu hiệu của việc say rượu, người nhà cần: Tìm cách để người uống nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má; Cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc; Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay. Triệu chứng ngộ độc thường là ngủ say li bì, không biết gì.

TS. Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai khuyến cáo, một số gia đình đã quen với cảnh người thân say rượu rồi đi ngủ, hôm sau vẫn dậy đi làm bình thường. Tuy nhiên, đây là điều nên tránh bởi vì một số trường hợp bệnh nhân đã bị hôn mê, nếu hôm sau mới phát hiện và đưa đi viện thì không thể cứu được. Do vậy, người nhà cần chú ý chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu, tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm. Sau vài tiếng, người nhà nên gọi bệnh nhân dậy, cho ăn sữa hoặc cháo. Trường hợp bệnh nhân không thể dậy và ăn được thì nên đưa tới bệnh viện ngay để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc.

Theo Gia Đình



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét