Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

“Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Yên Tử xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt”


Vừa qua, Yên Tử đã chính thức được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Để chuẩn bị cho khai mạc hội xuân Yên Tử và đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí về định hướng phát triển của Yên Tử trong thời gian tới.

Biểu diễn văn nghệ tại lễ khai hội xuân Yên Tử năm 2012. Ảnh: Phan Hằng
Biểu diễn văn nghệ tại lễ khai hội xuân Yên Tử năm 2012. Ảnh: Phan Hằng

- Xin chúc mừng TP Uông Bí về sự kiện di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đồng chí có thể nói rõ hơn về công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, gìn giữ di tích để Yên Tử ngày càng được phát huy giá trị?

+ Vâng. Di tích Yên Tử được coi là Trung tâm Phật giáo của Việt Nam, địa danh gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bởi vậy, Yên Tử mang giá trị to lớn cả về văn hoá lịch sử, ý nghĩa tâm linh và cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, trải qua thời gian, hệ thống các chùa, am tháp, tượng, di vật cổ trong cụm di tích đã không tránh khỏi mai một, xuống cấp, thậm chí chỉ còn lại phế tích. Để khôi phục và giữ gìn những di sản mà cha ông chúng ta đã dày công tạo dựng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh nói chung và TP Uông Bí nói riêng đã không ngừng quan tâm đầu tư, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích và ngày càng khẳng định giá trị và vị thế cho Yên Tử. Thực tế, Hội xuân Yên Tử nằm trong tốp lễ hội lớn quy mô Quốc gia, được tổ chức và quản lý tốt, thu hút lượng khách đông nhất nhì toàn quốc. Việc Yên Tử được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, đối với chúng tôi thật sự cảm thấy rất vui mừng và tự hào vì những nỗ lực, cố gắng của mình đã được nhìn nhận, đánh giá xứng đáng. Trong gần 10 năm qua, Yên Tử đã được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ và toàn diện. Cụ thể, hầu hết các điểm di tích đã được trùng tu, tôn tạo. Rất nhiều các công trình hạ tầng, dịch vụ như điện chiếu sáng, đường giao thông, hệ thống cáp treo, bến bãi… đã được xây mới. Công tác quản lý nhà nước được thắt chặt và hiệu quả… Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư vào Yên Tử đã lên đến gần 800 tỷ đồng, trong đó trùng tu, tôn tạo di tích chiếm trên 270 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng gần 520 tỷ đồng. Điều đáng nói là nguồn kinh phí trên chủ yếu từ huy động xã hội hoá, phần ngân sách nhà nước cấp chiếm không lớn, đạt trên 18%. Hiện nay, rừng đặc dụng Yên Tử đã nâng cấp thành rừng quốc gia Yên Tử. Theo quyết định phê duyệt của tỉnh, rừng quốc gia Yên Tử sẽ được đầu tư, xây mới nhiều công trình hỗ trợ với tổng dự toán trên 217 tỷ đồng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên rừng nói riêng, cảnh quan thiên nhiên gắn với di tích Yên Tử nói chung.

- Được biết tới đây TP Uông Bí sẽ tổ chức đón bằng di tích quốc gia đặc biệt tại lễ khai hội xuân Yên Tử, hoạt động này sẽ được diễn ra như thế nào?

+ Với mong muốn tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử một cách long trọng, ý nghĩa, song đồng thời vẫn phải trên tinh thần tiết kiệm, phù hợp với nguồn lực của địa phương nên chúng tôi đã quyết định tổ chức lồng ghép vào lễ khai hội xuân Yên Tử. Đây cũng là lý do khiến Lễ khai mạc Hội xuân Yên Tử năm nay có khác hơn so với mọi năm là thời gian tổ chức sớm hơn, vào tối ngày mùng 9 tháng Giêng và tại chùa Trình – Yên Tử (thay cho vào sáng mùng 10 tháng Giêng và tại sân lễ trường Yên Tử). Đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Lễ đón nhận di tích quốc gia đặc biệt và khai hội xuân Yên Tử năm nay sẽ có quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động lễ, hội trang nghiêm, hấp dẫn. Riêng chương trình nghệ thuật chào mừng được xây dựng công phu với trên 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng tham gia. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam.

- Để di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử phát huy tốt giá trị của mình, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, TP Uông Bí có những định hướng phát triển như thế nào cho di tích này, thưa đồng chí?

+ Như đã nói ở trên, Yên Tử mang trong mình 3 giá trị đặc trưng, đó là giá trị văn hoá lịch sử, ý nghĩa tâm linh và cảnh quan thiên nhiên. Bởi vậy quan điểm của chúng tôi là sẽ phấn đấu để gìn giữ và phát huy được 3 giá trị trên. Trước mắt, TP Uông Bí sẽ tiếp tục cùng với tỉnh trong việc tăng cường trùng tu, tôn tạo và bảo vệ di tích; tổ chức tốt lễ hội hàng năm; đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch Yên Tử… Định hướng phát triển di tích Yên Tử đã được đề cập trong đề án mở rộng và phát triển di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử mà tỉnh đang trình và chờ Chính phủ phê duyệt. Trước mắt thành phố đang xây dựng đề án phát triển dịch vụ vùng đệm Yên Tử. Theo đó mục tiêu chủ yếu là đánh giá thực trạng sản phẩm du lịch và hệ thống dịch vụ hiện có; xác định các lợi thế, hạn chế, định hướng sản phẩm du lịch cần có; các loại hình dịch vụ phải có. Cùng với đó là việc huy động triển khai các dự án đã được phê duyệt như: Trùng tu tôn tạo chùa Bảo Sái, am Dược, am Hoa…; chăm sóc, bảo tồn một số cây thuốc quý, đường tùng, cây đại cổ thụ; làm mới, tu bổ các tuyến đường hành hương; xây dựng các hạng mục công trình như Trung tâm từ thiện, Tuệ tĩnh đường, khu Trung tâm lễ hội… Ngoài ra cũng tính tới việc tăng cường các giải pháp quy hoạch đào tạo và chuẩn hoá nguồn nhân lực… Tuy nhiên, về lâu về dài, Yên Tử cần có những định hướng dài hơi và mang tầm cấp tỉnh, quốc gia. Đơn cử như việc phê duyệt đề án mở rộng và phát triển khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; mở rộng không gian du lịch gồm Yên Tử – Uông Bí và cụm di tích nhà Trần ở huyện Đông Triều, TX Quảng Yên; đẩy mạnh tiến trình đầu tư xây dựng vào rừng quốc gia Yên Tử… 

- Vâng, xin cảm ơn đồng chí. Một lần nữa chúc TP Uông Bí tổ chức thành công lễ đón bằng di tích quốc gia đặc biệt và khai hội xuân Yên Tử, góp phần ngày càng bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa giá trị của di tích Yên Tử, xứng đáng là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Việt Hoa (Thực hiện)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét