Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Xã hội hoá đầu tư: Tạo diện mạo mới cho danh thắng


Khu danh thắng Yên Tử trải dài gần 20km với diện tích 2.686,5ha với núi rừng hùng vĩ, có hệ sinh thái đa dạng phong phú của rừng nhiệt đới tạo vùng non thiêng đại ngàn, vùng đất thiêng trong tâm thức người Việt Nam, chứa đựng nhiều truyền tích hơn 700 năm đất tổ nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Với những giá trị về văn hoá, lịch sử, tâm linh đó, những năm gần đây, không chỉ ngày hội, mà ngày thường lượng du khách đổ về Yên Tử ngày một nhiều. Riêng năm 2012, Yên Tử đã đón trên 27 triệu lượt khách. Chính vì vậy, công tác trùng tu, tôn tạo di tích được đặc biệt quan tâm đầu tư. Từ năm 1999 đến thời điểm hiện tại tổng số vốn đầu tư vào Yên Tử đạt gần 800 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng trên 100 tỷ đồng. Còn lại các hạng mục đầu tư được kêu gọi từ nguồn lực xã hội hoá đã và đang tạo nên một diện mạo mới cho danh thắng Yên Tử. Qua đó, nhiều công trình hạ tầng quan trọng được đầu tư, hàng năm, Yên Tử đều có những đổi mới như đường, điện, hệ thống chiếu sáng. Hiện nay, Yên Tử đang khẩn trương hoàn thiện tuyến đường du lịch Dốc Đỏ – Yên Tử; Nhà khách Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh; mở rộng khu bãi đỗ xe; chỉnh trang hệ thống dịch vụ… để tổ chức Lễ đón bằng di tích quốc gia đặc biệt và khai mạc hội xuân Yên Tử 2013.

Hệ thống cáp treo được Công ty CP Tùng Lâm đầu tư phục vụ du khách.
Hệ thống cáp treo được Công ty CP Tùng Lâm đầu tư phục vụ du khách.

Đại Đức Thích Đạo Hiển, Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết: Công tác bảo tồn và tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích danh thắng Yên Tử đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban tôn tạo di tích Yên Tử để tiến hành thực hiện các dự án, kêu gọi nguồn xã hội hoá. Qua đó trong 7 năm gần đây, nhiều nhà hảo tâm cũng như từ sự đóng góp của nhân dân các công trình lớn đã được xây dựng như: Chùa Đồng, Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông; tôn tạo chùa Bảo Sái; xây dựng nhà Tổ, sửa chữa Tam Bảo chùa Giải Oan; trùng tu tôn tạo cảnh quan chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm; lát đá đường từ chùa Giải Oan lên chùa Đồng…

Việc đầu tư tôn tạo ở nơi đây không thể không nói đến Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, trong gần 10 năm nay từ nguồn vốn của doanh nghiệp, Công ty mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ làm cho diện mạo khu di tích Yên Tử khang trang sạch đẹp và văn minh. Có thể nhận thấy từ khi Công ty đầu tư hệ thống cáp treo giai đoạn I năm 2001 từ chân chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên, đầu năm 2002 đưa vào hoạt động, lượng du khách tăng lên nhiều. Năm 2007, tiếp tục đầu tư 160 tỷ đồng giai đoạn II tuyến cáp treo từ chùa Một Mái lên An Kỳ Sinh với công suất 1.800 khách/giờ. Nhưng vài năm trở lại đây, tuyến cáp treo Giải Oan – Hoa Yên công suất 1.000 khách/giờ không đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là dịp lễ hội, chính vì vậy, năm 2009 Công ty đã đầu tư 150 tỷ đồng nâng công suất hệ thống cáp treo này lên gấp 3 lần (3.000 khách/giờ) giúp cho du khách không phải chờ đợi lâu. Từ khi có 2 tuyến cáp treo từ chân chùa Giải Oan lên đến chùa Hoa Yên và từ chùa Một Mái lên An Kỳ Sinh, du khách có nhiều sự lựa chọn phù hợp với sức khoẻ bản thân khi tâm nguyện luôn mong ước mỗi năm ít nhất một lần được về Trung tâm Phật giáo Việt Nam. Cùng với đó, góp vốn đầu tư lát đá tuyến đường đi bộ từ suối Giải Oan lên đến đỉnh Yên Tử nơi toạ lạc chùa Đồng. Qua đó, trong mùa lễ hội, khách hành hương lên chùa Đồng ngoài đi bộ qua hàng nghìn bậc đá được lát khang trang từ chân non thiêng, lên đến tận đỉnh còn có thêm lựa chọn đi bằng cáp treo.

Đến với khu di tích Yên Tử, du khách luôn yên tâm về giá cả các mặt hàng được bày bán tại đây. Khu dịch vụ phục vụ đã được quy hoạch, cũng như phương tiện đi lại trong khu di tích bởi tình hình an ninh, trật tự luôn đảm bảo ở mức cao nhất. Điều đáng chú ý, năm nay công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan được đảm bảo sạch đẹp. Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã bố trí công nhân cho việc đưa rác từ trong khu di tích ra khu vực bên ngoài. Trên toàn tuyến, mỗi người phụ trách một đoạn quét, thu gom rác, rồi tập trung lại, đưa ra xe chuyên dụng chở đến điểm xử lý của TP Uông Bí…

Có thể nhận thấy rằng, việc xã hội hoá trong đầu tư tôn tạo khu danh thắng di tích Yên Tử đang góp phần quan trọng vào cải thiện, nâng cao đời sống văn hoá xã hội; tăng cường chất lượng dịch vụ và giáo dục ý thức bảo vệ, gìn giữ di tích.  

Trung Thành

* Đại Đức Thích Đạo Hiển, Chánh thư ký Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh: "Chúng tôi sẽ còn cố gắng hơn nữa trong công tác huy động xã hội hoá dành cho Yên Tử"

Đối với di tích Yên Tử, từ năm 2007, chúng tôi mới chính thức tăng cường các hoạt động huy động xã hội hoá để trùng tu, tôn tạo các điểm di tích trong quần thể di tích này. Đáng mừng là nhờ cách huy động hợp lý, công tác quản lý tài chính chặt chẽ, hiệu quả đầu tư rõ rệt nên chúng tôi ngày càng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và trách nhiệm của đông đảo các cá nhân và tập thể. Có thể nói đến thời điểm này, hầu hết kinh phí đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích tại Yên Tử đều được triển khai từ nguồn xã hội hoá và do Ban Quản lý dự án tôn tạo Yên Tử, trực thuộc Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo huy động. Cụ thể, chúng tôi đã trùng tu tôn tạo hàng chục các chùa, am, tháp, tượng phật… với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng công trình dựng tượng Trần Nhân Tông đang được triển khai tại An Kỳ Sinh cũng đã có tổng dự toán phê duyệt trên 85 tỷ đồng, đó là chưa nói các chi phí phát sinh khác. Hiện nay, khi Yên Tử một lần nữa được nâng tầm, xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, rồi sau này còn có thể được nâng tầm cao hơn nữa, tầm khu vực, tầm thế giới thì việc kêu gọi các nguồn lực để đầu tư tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích còn phải lớn hơn, kịp thời hơn. Nhận thức rõ trách nhiệm này, chúng tôi chắc chắn sẽ cố gắng hơn trong việc huy động xã hội hoá dành cho Yên Tử.

* Bà Phạm Thị Mai Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Hà Nội: "Yên Tử là vùng đất linh thiêng và mang trong mình nhiều giá trị"

Do đặc thù công việc nên tôi từng được tham gia thực hiện trùng tu, xây dựng nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc ở nhiều di tích văn hoá trong cả nước. Với Yên Tử, tôi cũng đã đảm nhiệm xây dựng thành công ngôi chùa Đồng và hiện đang thi công dựng tượng Trần Nhân Tông. Trong quá trình làm việc, gắn bó với Yên Tử, tôi cảm nhận rõ nhất sự linh thiêng của vùng đất này, những giá trị tâm linh, văn hoá, lịch sử hiếm có mà quần thể các điểm di tích Yên Tử mang lại. Có lẽ từ lòng tin ấy, từ cái duyên ấy mà chúng tôi đã hoàn thành tốt công việc tưởng chừng như khó khăn không làm nổi. Đơn cử như chùa Đồng Yên Tử do chúng tôi thực hiện đã được xác lập kỷ lục châu Á là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất. Với tượng Trần Nhân Tông mà chúng tôi đang thực hiện cũng sẽ nhiều khả năng được xác lập kỷ lục. Bởi tượng có kích thước lớn, được dựng ở độ cao trên 1.000m và hoàn toàn làm thủ công, không hề có máy móc. Quan trọng hơn, công nghệ đúc tượng của chúng tôi từ trước đến nay hiếm có ai áp dụng, nhất là đối với các tượng có kích thước, khối lượng lớn, đó là công nghệ đúc liền khối và đổ trực tiếp.

* Ông Nhâm Quốc Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công: "Tầm vóc của Yên Tử càng cao, niềm vui của chúng tôi càng lớn, đồng thời trách nhiệm cũng nặng nề hơn"

Có lẽ mỗi người dân Thượng Yên Công chúng tôi đều tự hào vì trên địa bàn có Yên Tử. Thực tế cũng từ Yên Tử mà người ta biết đến vùng đất miền núi Thượng Yên Công nhiều hơn. Từ Yên Tử người dân trong xã được hưởng lợi trực tiếp về việc làm, cơ hội kinh doanh dịch vụ… góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng với tư cách là những chủ nhân gần nhất của Yên Tử, chúng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm của mình lớn hơn trong công tác bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di tích Yên Tử. Tóm lại tầm vóc của Yên Tử càng cao, niềm vui của chúng tôi càng lớn, đồng hành với đó thì trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Thực tế trong những năm qua, chính quyền và nhân dân Thượng Yên Công đã không ngừng đóng góp sức người, sức của trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích, bảo vệ và quản lý di tích, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn đối với các hoạt động thuộc thẩm quyền. Tất cả các mùa lễ hội, các đoàn thể của xã đều làm tốt các phần việc được ban tổ chức phân công; người dân địa phương cũng đồng lòng chăm lo, bảo vệ di tích. 

Thanh Bình (Thực hiện)

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét