Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Bơm tiền và áp lực lạm phát đầu năm


Quyết định bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở là hoàn toàn bình thường trong bối cảnh nhu cầu tiền mặt của các ngân hàng tăng lên trong dịp tết. Song áp lực đối với chỉ số giá tiêu dùng đang ngày càng rõ rệt.

Tích cực bơm vốn

Cùng với cam kết đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu rút tiền của người dân trong dịp tết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngay từ giữa tháng 1.2013 bắt đầu thực hiện việc bơm ròng trên thị trường mở (OMO) nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của các ngân hàng (NH). Chỉ riêng trong tuần đến ngày 25.1, theo thống kê của các tổ chức đầu tư, NHNN sau 3 tuần liên tiếp hút ròng trên thị trường mở bắt đầu chuyển sang trạng thái bơm ròng với khối lượng đạt tới 926 tỉ đồng.

Từ giữa tháng 1.2013, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện việc bơm ròng trên thị trường mở. Ảnh: Giang Huy
Từ giữa tháng 1.2013, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện việc bơm ròng trên thị trường mở. Ảnh: Giang Huy

Việc bơm ròng được thực hiện trong suốt 4/5 phiên giao dịch trong tuần với tổng lượng tiền bơm ra trong cả tuần đạt 2.201 tỉ đồng và tổng lượng tiền đáo hạn là 1.275 tỉ đồng. Thanh khoản của hệ thống NH theo đánh giá của một số tổ chức đầu tư là khá ổn định.

Nhu cầu tiền mặt của đa số các NH sẽ tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán trong thời điểm trước tết âm lịch là diễn biến bình thường và động thái hỗ trợ của NHNN là dễ hiểu. Chính vì vậy, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, có khả năng lớn NHNN sẽ còn tiếp tục thực hiện bơm ròng trên thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống trong 2 tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ tết.

Xu hướng hút ròng của NHNN trên OMO vốn kéo dài suốt trong ba tuần đầu tháng 1.2013 (giảm dần từ mức 24.517 tỉ đồng trong tuần đầu, còn 1.762 tỉ đồng trong tuần thứ hai và xuống còn 919 tỉ đồng trong tuần thứ ba), theo đó sẽ được thay thế bằng trạng thái bơm ròng tích cực trong 3 tuần cuối. Song NHNN nhiều khả năng sẽ sớm thực hiện hút tiền trở lại thông qua các công cụ khác nhằm vừa điều hòa dòng vốn trên thị trường, vừa đảm bảo thanh khoản của hệ thống.

CPI sẽ leo thang

Khi mà khả năng cung tiền đang được tăng cường, diễn biến dễ nhận thấy nhất trên thị trường hiện nay chính là sự leo thang giá cả của một số mặt hàng chủ chốt, đặc biệt là nhóm hàng lương thực – thực phẩm và mua sắm khác. Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 vừa qua đạt tới 1,25% so với tháng trước và 7,07% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, đây là tháng có mức tăng CPI cao nhất tính từ tháng 10.2012 đến nay. Song, so với mức tăng mạnh 7,4% của nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế, mức tăng của nhóm hàng ăn – dịch vụ ăn uống và của nhóm may mặc, mũ nón, giày dép lần lượt chỉ là 1,34% và 1,3%, dù nhu cầu tiêu dùng trong tháng giáp tết ngày càng lớn dần.

Chính vì vậy, nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp tết tới đây và đặc biệt là nhóm lương thực – thực phẩm, bia rượu, thuốc lá, giày dép, mũ nón… sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2.2013.

Chuyên viên phân tích vĩ mô Hà Thị Thu Hằng của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra giả định, CPI tháng 2.2013 sẽ tăng khoảng 1,2-1,5% so với tháng trước. Tác động của CPI tăng trở lại, theo nhận định của BVSC, "sẽ khiến khả năng giảm trần lãi suất huy động trong ngắn hạn xuống mức thấp". Do đó, NHNN sẽ phải đợi đến cuối quý I khi chu kỳ tăng của lạm phát đã đi qua để có thể xem xét quyết định điều chỉnh trần lãi suất huy động.

Diễn biến tăng mạnh của chỉ số giá nhiều mặt hàng trong các tháng đầu năm sẽ khiến việc dự báo xu hướng tăng của CPI cả năm 2013 cần thêm nhiều thời gian quan sát. Nhóm chuyên viên phân tích của một đơn vị kinh doanh thuộc Vietcombank cho rằng, sau xu hướng tăng chu kỳ ở quý I, CPI thường có khả năng giảm trong quý II và chính vì vậy, cần quan sát thêm diễn biến của CPI trong những tháng tới để có thể dự báo chính xác được xu hướng tăng của CPI năm 2013.

Theo Lao động    
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét