Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

“Cần tuyệt đối coi trọng tính nguyên gốc trong bảo tồn hát nhà tơ


Dự án nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể hát nhà tơ – hát, múa cửa đình ở Quảng Ninh vừa kết thúc sau 2 năm triển khai. Để có cái nhìn toàn diện về di sản này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tống Khắc Hài, người trực tiếp tham gia dự án.

- Thưa ông, xuất phát điểm từ đâu mà có dự án này?

+ Từ những năm 1970, tôi đã có quá trình nghiên cứu điền dã về hát nhà tơ – hát, múa cửa đình. Hồi đó ở thôn Bắc, xã Vạn Ninh còn tới 4 cụ bà trên 80 tuổi vẫn có thể vừa hát vừa múa, ở Vân Đồn cũng vậy… Hơn 40 năm rồi, những tưởng không còn nghệ nhân nào nữa, vậy mà qua tìm kiếm cho thấy, một số cụ vẫn gìn giữ vốn quý của cha ông và lặng lẽ truyền dạy lại cho con cháu. Sức sống bền bỉ của di sản thật sự là may mắn hiếm có khi mà sau cách mạng, nhiều hoạt động tâm linh bị xem là mê tín, dị đoan, cổ hủ lạc hậu nên bị loại bỏ. Rồi kháng chiến, đình chùa, đền miếu bị phá huỷ hoặc tự đổ nát, hoang tàn trong gió bão. Các nghệ nhân cũng tự quên đi và không tránh khỏi mặc cảm như trót mắc tội lỗi; con cháu cũng giấu đi sự xấu hổ khi cha mẹ mình là "đào", là "kép"… Nhận thức ấu trĩ đó nay đã thay đổi là cơ hội cho di sản này được nghiên cứu, bảo tồn, phát huy.

Tuy vậy, di sản này ở Quảng Ninh được phát hiện chậm và việc hình thành đề án nghiên cứu, sưu tầm càng chậm hơn, trong khi thực tế đặt ra nhiều câu hỏi bức xúc. Nếu chúng ta không nghiên cứu gấp, mấy nghệ nhân cao tuổi về với tiên tổ thì chúng ta không chỉ luyến tiếc vì bất lực mà còn thực sự có tội với cha ông, với văn hoá dân tộc. Lại càng sốt ruột hơn khi biết, các làng người Việt ở Giang Bình (Trung Quốc) vẫn duy trì hát nhà tơ ở các lễ hội đình; thậm chí nước bạn đã đề xuất UNESCO công nhận đây là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Múa dâng đèn của CLB VNDG xã Quảng Minh (Hải Hà) trong Liên hoan hát nhà tơ - hát, múa cửa đình Quảng Ninh ngày 20-1-2013.
Múa dâng đèn của CLB VNDG xã Quảng Minh (Hải Hà) trong Liên hoan hát nhà tơ – hát, múa cửa đình Quảng Ninh ngày 20-1-2013.

- Vậy, thực trạng di sản này hiện ra sao, thưa ông?         

+ Di sản ở Quảng Ninh chỉ còn lại rất ít dấu vết. Nhiều nghệ nhân từng hát từ thời son trẻ nay không còn nhớ hoặc chỉ nhớ bập bõm, người chơi nhạc cụ cũng vậy. May mắn lớn nhất là cụ Đặng Thị Tự vẫn còn hát hay, múa dẻo, nhớ rành rọt từng bài, từng giọng (làn điệu) và đã nhiệt tình truyền dạy cho con cháu. Đến nay ở Đầm Hà đã có được hai đội hát nhà tơ – hát, múa cửa đình. Sau cụ Tự, ở Vạn Ninh có cụ Nguyễn Thị Từ, Hoàng Thị Trình và Hoàng Thị Thảo đều đã trên dưới 80 tuổi. Các cụ đã làm nòng cốt để thôn Nam thành lập được một CLB với 29 thành viên và thôn Trung cũng có một CLB. Rất tiếc là ở Vạn Ninh có cụ Phùng Thị Gái xưa hát nổi tiếng nay đã 90 tuổi, sức khoẻ yếu, cụ Phạm Văn Lận chơi đàn đáy, trên 100 tuổi cũng đã lẫn; Vân Đồn có cụ Trương Thị Phượng không nhớ nhiều. Ngoài ra, còn một đội hát, múa cửa đình ở xã Quảng Nghĩa mà các cụ kể rằng đã học hát, múa từ Tràng Y (xã Đại Bình, Đầm Hà)…

Từ các nghệ nhân và các CLB, các nhóm nghiên cứu sưu tầm đã ghi âm và chép được gần 100 bài hát. Ở Vạn Ninh chủ yếu là hát chào, hát chầu, hát chúc các vị thành hoàng, các vị thánh đế; phần lớn bài hát đi liền với các điệu múa mang tính nghi lễ. Nghệ nhân Đặng Thị Tự thì cung cấp 755 câu hát của 39 bài với 9 giọng (làn điệu) – đều nằm trong 167 tên gọi thể cách đã được liệt kê trong sách "Lịch sử và nghệ thuật ca trù" (NXB Thế giới – 2007). Lời các bài hát rất gần với các bài đã in trong sách "Việt Nam ca trù khảo biên" (NXB TP Hồ Chí Minh 1994); các bài hát đều theo bài bản đã trở thành ước lệ.

- Khởi nguồn của hát nhà tơ – hát, múa cửa đình ở Quảng Ninh bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

+ Một số nghệ nhân ở Hải Hà, Vân Đồn kể rằng các cụ học hát từ Đầm Hà nhưng các cụ ở Đầm Hà lại kể cha ông học hát từ Vạn Ninh (Móng Cái). Tuy nhiên, ở xã Đầm Hà còn có sự tích miếu Hai cô là hai ca nương từng được dân làng đón từ Nghệ An về dạy dân làng hát nhà tơ – hát, múa cửa đình. Cả ở Đầm Hà và Vạn Ninh đều có những dòng họ gốc Thanh Hoá di cư ra đây từ xưa, mang theo tập tục cúng lễ hát xướng từ Thanh Hoá, rất có thể trong đó có hát nhà tơ – hát cửa đình. Như vậy, di sản này nhiều khả năng là từ nơi khác truyền tới mà chủ yếu là từ Thanh – Nghệ. Trước đây, người Hoa chiếm đa số dân khu vực miền Đông của tỉnh. Cũng giống các làng người Việt bên Trung Quốc, các làng người Kinh bên này ra sức giữ gìn nét văn hoá riêng của mình. Di sản hát nhà tơ – hát, múa cửa đình còn lại ở các làng ven biển hôm nay là minh chứng rõ nét cho điều đó.

- Vậy hát nhà tơ – hát, múa cửa đình ở Quảng Ninh có nét khác biệt gì so với những địa phương khác không, thưa ông?

+ Khác biệt lớn nhất là về trình diễn, đó là hết sức coi trọng múa, gần như giọng hát nào khi trình diễn cũng có múa. Hơn thế, trong một cuộc hát còn có cả tiết mục múa tế; hay như múa đội đèn chỉ có múa, không có lời hát, rồi múa dâng hương, dâng hoa và múa bông. Trang phục, nhạc cụ thì có lẽ không khác lắm so với mọi nơi nhưng đặc biệt, hát cửa đình ở Quảng Ninh chủ yếu là đứng hát. Cùng với kiểu hát đứng, hát đi đông người và luôn có múa, vai trò của trống cái, của xênh kết hợp với trống con và phách tạo nên sự đa dạng, không khí tưng bừng của lễ hội có lẽ là những nét đặc trưng của hát nhà tơ – hát cửa đình ở Quảng Ninh. Ở đây, đáng chú ý là phụ nữ cũng tham gia vào cuộc tế; thậm chí khi múa tế, Bà Trò còn trở thành nhân vật chính của lễ hội.

Đáng nói là, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn xưa kia đều là vùng nông thôn ven biển xa xôi, hẻo lánh, đúng là nơi chân trời góc biển. Ở đây, người dân lao động cần cù, chất phác, sống nhờ nông -ngư nghiệp ở trình độ thấp, nghèo khó, mù chữ, không có lớp văn nhân, tài tử nên chỉ dừng lại ở hát chầu thần, hát múa đi liền với tế lễ thờ cúng thành hoàng, hát nhà tơ khó có điều kiện phát triển nối tiếp với hát nói rồi hát cô đầu ở thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

- Vậy, để việc bảo tồn hiệu quả di sản này theo ông cần làm gì?   

+ Bảo tồn là phải giữ lại những giá trị nguyên gốc. Dự án mới qua bước một để tìm cho ra có hay không di sản này ở Quảng Ninh, còn nguyên gốc của nó phải dày công nghiên cứu hơn nữa. Việc bảo tồn cần hết sức thận trọng, không thể gây dựng thành "phong trào" rồi vội vàng đưa vào sinh hoạt văn hoá đương đại. Việc phát huy cần có định hướng từng bước, như có thể đưa đội hát, múa cửa đình của Vạn Ninh vào trình diễn ở lễ hội đình Trà Cổ, một địa chỉ du lịch nhưng phải trên cơ sở dần dần để hát, múa cửa đình thành nhu cầu không thể thiếu của lễ hội…

Trước mắt cần khai thác các "di sản sống" là các nghệ nhân khi chưa là quá muộn, để các cụ truyền dạy cho con cháu kỹ càng là cách bảo tồn thiết thực và hiệu quả nhất. Ở hai trọng điểm là Đầm Hà và Vạn Ninh, mỗi nơi cần được truyền dạy hết các "giọng", các bài. Sau hát là múa, sau hát múa là các lề lối, cách thức trình diễn, rồi cách sử dụng các nhạc cụ. Phải tuyệt đối coi trọng cái nguyên gốc, cái cổ. Cùng với đó, cần đào tạo được nhiều ca nương trẻ, chạm tới hồn cốt di sản, có vậy di sản cổ mới có sức sống bền vững…

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Phan Hằng (Thực hiện)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét