Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Củng cố mạng lưới y tế các xã vùng sâu và hải đảo


Tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho y tế tuyến cơ sở; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo luôn được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực để phát huy hiệu quả của mạng lưới y tế các xã vùng sâu và hải đảo, qua đó tạo điều kiện chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho nhân dân.

Thiếu thốn ở các xã vùng khó

Tại các xã vùng sâu, vùng xa và hải đảo, với đặc thù có địa bàn chia cắt, điều kiện đi lại không thuận tiện, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn đã tạo ra không ít những khó khăn cho công tác y tế tại đây. Tại các xã này, hầu hết các trạm y tế xã đội ngũ y, bác sĩ còn thiếu, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh còn chưa đồng bộ.

Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn.
Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn.

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi có tìm hiểu về hoạt động của các trạm y tế trên một số xã đảo của huyện Vân Đồn. Tại các đảo, các trạm y tế đã cơ bản được đầu tư xây mới, một số trang thiết bị khám bệnh hiện đại đã được đầu tư như: Máy siêu âm, xét nghiệm sinh hoá… Tuy nhiên, các xã đảo chưa có nguồn điện lưới quốc gia, các thiết bị y tế đều phải vận hành nhờ nguồn điện từ máy phát và năng lượng mặt trời. Do nguồn điện không ổn định nên hầu hết các thiết bị này khó có thể sử dụng thường xuyên, bên cạnh đó khí hậu trên các đảo lại quá khắc nghiệt, cho nên thiết bị điện tử không sử dụng được lâu. Đội ngũ y, bác sĩ ở các xã đảo cũng chỉ điều trị những ca ốm đau vặt, hoặc sơ cứu đơn giản, thông thường. Những trường hợp bệnh nặng đều phải đưa lên tàu chuyển vào bệnh viện trong đất liền. Tuy nhiên, công tác vận chuyển người bị thương, bị nạn trên biển gặp rất nhiều khó khăn do khoảng cách giữa đảo và đất liền xa, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Vũ Xuân Quyền, Trạm trưởng Trạm Y tế xã đảo Ngọc Vừng chia sẻ: "Chúng tôi luôn trăn trở mỗi khi làm thủ tục chuyển tuyến cho bệnh nhân. Không lẽ có bác sĩ về xã mà người bệnh lúc nào cũng phải chuyển tuyến. Thế nhưng không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì chúng tôi không đủ điều kiện để điều trị vì dù trình độ bác sĩ có đảm bảo nhưng thiếu các thiết bị y tế, thiếu thuốc thì chúng tôi cũng đành chịu. Còn chuyển bệnh nhân đi trong những ngày sóng yên biển lặng đã lo, ngày biển động, bão gió, chúng tôi lại càng lo hơn vì những rủi ro mà người bệnh có thể gặp phải trên đường…".

Không vất vả bằng các xã đảo nhưng cán bộ y tế ở các xã miền núi cũng còn nhiều khó khăn. Hầu hết tại những xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh tại các huyện: Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Hoành Bồ… người dân sinh sống chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, bà con tại các vùng này sống trên những địa bàn rộng, tách biệt, nên để bao quát và đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ cho bà con đòi hỏi những cán bộ y tế ở đây phải có nhiều cố gắng. Ông Phạm Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ cho biết: "Điều kiện của đội ngũ y, bác sĩ của các xã vùng sâu cũng còn nhiều thiếu thốn, đường giao thông khó khăn, nhiều người dân chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của chăm sóc sức khoẻ… Do đó, để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, đòi hỏi đội ngũ cán bộ y tế phải thực sự yêu nghề, trách nhiệm công việc và chấp nhận gian khó, hết lòng vì nhân dân…".

Đồng bộ những giải pháp khắc phục

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa và hải đảo, ngành y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Trong đó, việc đảm bảo nhân lực y tế cho các xã vùng khó là vấn đề được ngành đặc biệt quan tâm. Bằng việc triển khai hiệu quả, đa dạng hoá các loại hình đào tạo nhân lực như: Phối hợp với các trường đại học mở các lớp chuyên tu cho bác sĩ tuyến xã; khuyến khích các đơn vị chủ động nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ… nên cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã của Quảng Ninh đã được đảm bảo. Đến nay, tuyến huyện đã có hơn 1.150 cán bộ y tế, trong đó có tới 238 bác sĩ. Tuyến xã, đội ngũ cán bộ y tế cũng ngày càng được củng cố với gần 860 người. Trong 186 trạm y tế xã, phường, thị trấn thì đã có 134 trạm có bác sĩ biên chế. Năm 2012, đã có thêm 171 bác sĩ về công tác tại các đơn vị trong ngành, tăng 288,6% so với năm 2011.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất bổ sung cho bệnh viện tuyến huyện, xã những thiết bị chẩn đoán và điều trị cơ bản, trang bị một số thiết bị hiện đại, chuyên sâu cũng được quan tâm thực hiện. Để tạo điều kiện cho nhân dân các xã vùng sâu và hải đảo có điều kiện được khám và điều trị bệnh, Sở Y tế đã thành lập các đoàn khám chữa bệnh lưu động, đến các xã vùng sâu, vùng xa và hải đảo, khám bệnh, phát thuốc miễn phí… Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện y tế biển đảo và kết hợp quân dân y trong việc khám chữa bệnh, phòng bệnh tại các vùng biên giới hải đảo. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là đối với tuyến cơ sở, các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo, ngành y tế có kế hoạch tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, cả về cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ.

Có thể thấy, việc củng cố, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở mạng lưới y tế các xã vùng sâu và hải đảo đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, tiết kiệm thời gian. Đồng thời, giảm thiểu chi phí đi lại cho người bệnh ở vùng sâu, xa, phát huy tốt vai trò chăm sóc sức khoẻ nhân dân của các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mặt khác, còn xoá dần khoảng cách giữa các vùng miền, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả tỉnh.

Nguyễn Thanh

* Ông Phạm Trọng Hiệu, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế: "Sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho mạng lưới y tế các xã vùng sâu, vùng xa và hải đảo"

Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều cho mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa và hải đảo được hưởng những điều kiện chăm sóc về y tế thuận lợi nhất. Tuy nhiên, thực tế ở những vùng này vẫn còn nhiều khó khăn, người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận tiện và hiện đại. Do đó, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho khu vực này. Cụ thể là đẩy mạnh việc đầu tư trang thiết bị y tế, tủ thuốc; củng cố, nâng cao tay nghề đội ngũ y, bác sĩ để thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân… Đặc biệt, Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh ven biển nằm trong Đề án Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020, đang được Bộ Y tế xây dựng nên sắp tới mạng lưới y tế các xã đảo sẽ được hoàn thiện hơn.

* Ông Phạm Văn Kha, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn: "Y, bác sĩ tuyến đảo luôn khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng công tác y tế"

Hiện nay tại các xã đảo trên địa bàn, các trạm y tế đã cơ bản được đầu tư cả về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Tuy nhiên, do đặc thù nằm tách biệt với đất liền, không có điện lưới, nên đời sống của các y, bác sĩ trên đảo còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện để nâng cao nghiệp vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong khám chữa bệnh là điều khó có thể thực hiện nên hầu hết các bác sĩ đều khám bệnh bằng kinh nghiệm. Những khó khăn này đã và đang được đội ngũ y, bác sĩ khắc phục để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Hầu hết anh chị em ở các trạm y tế đều thấu hiểu được nỗi khổ, sự thiệt thòi của người dân vùng đảo, do đó ngoài nhiệm vụ được giao, họ còn tích cực vận động, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị quân đội, biên phòng đóng quân trên địa bàn cùng tham gia khám bệnh, phát thuốc cho nhân dân.

* Ông Chíu Sồi Voỏng, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ: "Có cán bộ y tế xã, chúng tôi yên tâm hơn nhiều"

Ở xã chúng tôi, đồng bào chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, các nhà trong thôn ở cách xa nhau. Ngày trước có ai ốm đau trong thôn dân làng lại nhờ thầy mo về cúng, bệnh chẳng khỏi mà người thì cứ ngày một yếu đi. Những năm gần đây, trạm y tế của xã được đầu tư nhiều, bà con ai có bệnh, ốm đau là xuống trạm y tế khám, bác sĩ phát thuốc uống và chỉ cho cách tự chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, cho gia đình. Ai bệnh nặng thì được bác sĩ đưa xuống bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện để chữa. Thế nên bà con ai cũng yên tâm. Ở xã có những hộ nằm ở xa trung tâm xã, các cán bộ bác sĩ cũng đến từng nhà để thăm tình hình sức khoẻ cho bà con hoặc đưa các đoàn bác sĩ về xã, khám bệnh, phát thuốc… Bà con chúng tôi được đảm bảo sức khoẻ càng yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng thôn xã phát triển.

* Chị Lý Thị Hoàng, thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu: "Trạm y tế xã cần được đầu tư nhiều hơn"

Mặc dù chúng tôi ở vùng sâu, vùng xa song đến nay trạm y tế của xã đã được xây dựng đạt chuẩn y tế để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Hàng năm chúng tôi còn được các y, bác sĩ thường xuyên tới khám và chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con. Hiện nay, do phần lớn người trong thôn là đồng bào dân tộc nên còn nhiều hạn chế về nhận thức, các y, bác sĩ, các cán bộ kế hoạch hoá gia đình cũng thường xuyên tới từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, do điều kiện đi lại còn khó khăn, trang thiết bị y tế của trạm còn nhiều hạn chế nên nhiều trường hợp không được cấp cứu kịp thời, việc chữa bệnh còn gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi mong trạm y tế được đầu tư nhiều hơn để chúng tôi yên tâm khám chữa bệnh, đỡ phải đi lên tuyến trên tốn tiền lắm.

Tùng Loan (Thực hiện)

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét