Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Để xây dựng thành công thương hiệu Thanh long ruột đỏ


Cây Thanh long (tên tiếng Anh: Dragon fruit) thuộc họ xương rồng (Cactaceae), có nguồn gốc ở các vùng sa mạc thuộc Mêxicô và Colombia.

Ở Việt Nam, cây Thanh long được người Pháp du nhập vào trồng cách đây hơn 100 năm. Cho đến nay, Thanh long ruột trắng là giống được trồng phổ biến, chủ lực trong sản xuất, xuất khẩu ở nước ta với hơn 98% diện tích. Sản xuất Thanh long tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An (chiếm 96% tổng diện tích), trong đó Bình Thuận là vùng sản xuất Thanh long lớn nhất cả nước, thống kê đến cuối năm 2011 Bình Thuận đã trồng khoảng 18.646ha, chiếm khoảng 80% cả nước, với sản lượng thu hoạch 330.000 tấn/năm. Nhằm cải tiến và đa dạng nguồn gen giống/dòng Thanh long phục vụ nội địa và xuất khẩu, từ năm 1994 đến nay Viện Cây ăn quả miền Nam đã sưu tập được 19 giống Thanh long trong nước và từ các quốc gia khác. Các giống Thanh long sưu tập được phân biệt chủ yếu qua màu sắc của vỏ và ruột quả: vỏ quả đỏ (ruột trắng, ruột đỏ, ruột trắng phớt hồng và ruột tím); vỏ quả xanh và vỏ quả vàng (ruột trắng). Các giống Thanh long ruột trắng (Bình Thuận và Chợ Gạo), Thanh long ruột đỏ Long Định 1 là những giống trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam.

Trang trại trồng Thanh long ruột đỏ của gia đình ông Ngô Văn Tích, Phương Đông (Uông Bí) cho hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại trồng Thanh long ruột đỏ của gia đình ông Ngô Văn Tích, Phương Đông (Uông Bí) cho hiệu quả kinh tế cao.

Tại miền Bắc, năm 2001 cây Thanh long ruột đỏ mới bắt đầu được trồng khảo nghiệm lần đầu tiên tại Hà Nội; năm 2007 một số tỉnh như: Hải Dương, Nam Định, Quảng Ninh,… cũng đưa vào trồng thử nghiệm một số giống ruột đỏ nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Trong những năm gần đây diện tích trồng Thanh long không ngừng tăng lên, thống kê đến cuối năm 2012 diện tích Thanh long trên địa bàn Quảng Ninh đã đạt khoảng 100ha, tập trung tại một số địa phương như: Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên, Móng Cái, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hoành Bồ,… diện tích trồng Thanh long ruột đỏ có chiều hướng tăng nhanh, bước đầu cây Thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Với mức đầu tư cho sản xuất Thanh long trung bình khoảng 180-200 triệu đồng/ha có thể cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh Thanh long ruột đỏ có đặc tính hoàn toàn khác so với loại Thanh long trắng, giống ruột đỏ có chứa Lycopene, là một chất chống ôxy hoá thiên nhiên, có thể chống ung thư, bệnh tim và làm giảm huyết áp. Bên ngoài Thanh long ruột đỏ có vỏ cứng, màu đỏ đậm tươi sáng; bên trong màu đỏ, thành phần dinh dưỡng gấp đôi Thanh long trắng, với các chỉ số Vitamin C 12-6, Protid 1,30-1,08, Vitamin A, Glucid, Lipit cao rất tốt cho sức khoẻ con người.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cây Thanh long tại Quảng Ninh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại như: Chưa hình thành vùng chuyên canh tập trung theo hướng công nghiệp, sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung; chất lượng giống chưa cao, đa phần dân tự mua bán trao đổi cho nhau; chưa chủ động được số lượng giống đảm bảo chất lượng; chất lượng và sản lượng Thanh long chưa ổn định, chưa tạo được uy tín, thương hiệu hàng hoá trên thị trường; công tác quản lý nhà nước về phát triển Thanh long còn nhiều bất cập, tồn tại, chưa có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển. Do đó, để tiếp tục phát triển sản xuất trồng Thanh long nói chung và Thanh long ruột đỏ nói riêng đạt hiệu quả cao, bền vững thì cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, kỹ thuật, các doanh nghiệp, người nông dân để giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến việc qui hoạch vùng sản xuất, có chính sách phát triển sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn, đa dạng hoá cơ cấu giống, đa dạng sản phẩm chế biến, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ,… xây dựng thành công thương hiệu Thanh long ruột đỏ tại tỉnh Quảng Ninh.

Huy Phú
(Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét