Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

“Khu kinh tế cửa khẩu sẽ là điểm nhấn, đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển chung của TP Móng Cái”


Để đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, trong đó đáng chú ý là mục tiêu kích cầu phát triển cho Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái đã trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ninh xoay quanh vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Móng Cái trong thời gian qua?

+ Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 675/TTg ngày 18-9-1996 cho phép áp dụng thí điểm một số chính sách đối với khu vực cửa khẩu Móng Cái; Quyết định 103/1998/QĐ-TTg ngày 4-6-1998 bổ sung Quyết định 675/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Tiếp đó, đến năm 2001 Chính phủ đánh giá, tổng kết và áp dụng trong cả nước các cơ chế chính sách cho khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg. Từ đó đến nay, khu KTCK Móng Cái đã có bước phát triển quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 17%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo số liệu thống kê, trong 5 năm gần đây, tổng giá trị hàng hoá hai chiều qua cửa khẩu Móng Cái đạt 18.070 triệu USD, tăng bình quân 26,25%/năm, chiếm 95,7% tổng kim ngạch hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và chiếm trên 40% tổng kim ngạch hàng hoá XNK qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng). Thu thuế XNK qua cửa khẩu Móng Cái chiếm 85,3% tổng thu qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh Quảng Ninh và chiếm 28,5% tổng thu xuất nhập khẩu qua cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc. Giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái hiện nay tăng hơn 20 lần so với năm 1996. Đây là con số khá ấn tượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

- Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại luôn là một trong những vấn đề nóng của các khu KTCK. Vậy, trong thời điểm gần Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 này, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại cửa khẩu Móng Cái diễn biến như thế nào, thưa ông?

+ Mặt trái của phát triển kinh tế cửa khẩu bao giờ cũng là thực trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép. Tuy nhiên, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh Quảng Ninh và Ban chỉ đạo 127 các cấp, các lực lượng chức năng của TP Móng Cái đã xây dựng những tuyến hàng rào "thép" nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới. Các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tập trung vào các điểm nóng như các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm vụ việc đã được các lực lượng phát hiện và bắt giữ, đảm bảo ổn định thị trường nội địa, an toàn cho người tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

- Được biết, TP Móng Cái đã xây dựng các giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, trong đó đặc biệt quan tâm tới mục tiêu kích cầu phát triển cho Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Xin ông cho biết cụ thể vấn đề này?

+ Năm 2013, TP Móng Cái phấn đấu đạt tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 6% so với dự toán tỉnh giao. Hết tháng 6-2013, hoàn thành đồ án lập quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Để hoàn thành các mục tiêu trên, TP Móng Cái đã tập trung triển khai có hiệu quả Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Khu KTCK Móng Cái. Theo đó, thành phố đã kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chính thức đưa vào vận hành Trung tâm dịch vụ hành chính công. Thuê tư vấn nước ngoài lập hai quy hoạch (Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và Quy hoạch chung về xây dựng), đồng thời triển khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Đặc biệt trong năm 2013, thành phố sẽ thực hiện khởi động một số dự án trọng điểm có ý nghĩa chính trị lớn và là động lực quan trọng trong phát triển KT-XH như: Cầu, đường dẫn cầu Bắc Luân 2, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Nhà máy sợi Tập đoàn Dệt Texhong (Hồng Kông). Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực thông qua vốn đầu tư ưu tiên có mục tiêu của Chính phủ và các nguồn vốn ODA, ADB… để đầu tư, cải tạo chỉnh trang đô thị và cải thiện nâng cấp hạ tầng kinh tế, kỹ thuật khu KTCK.

Mục tiêu của TP Móng Cái phấn đấu đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 11-12%/năm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5-6%/năm, khu vực công nghiệp – xây dựng 14-16%/ năm và khu vực dịch vụ 12-14%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 14%/năm và đạt tiêu chí của đô thị loại II… Tôi kỳ vọng và tin tưởng, khu KTCK Móng Cái sẽ là điểm nhấn, đòn bẩy quan trọng cho sự đột phá của kinh tế Móng Cái cũng như của tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Bá Khang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét