Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho SXKD


Kết quả tăng trưởng kinh tế tháng 1 trên địa bàn tỉnh đã được thể hiện rõ nét khi hầu hết các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng trưởng khá, nhiều lĩnh vực công tác trọng tâm tiếp tục có chuyển biến tốt. Đây là cơ sở để tiếp tục triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Lắp đặt kết cấu thép Tổ máy số 2, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2.
Lắp đặt kết cấu thép Tổ máy số 2, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2.

Tín hiệu lạc quan

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, ngay từ những ngày đầu của năm 2013, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, đồng thời nghe tham góp của doanh nghiệp để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2013. Tiếp tục triển khai các nội dung theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì ngay trong tháng đầu của năm 2013 tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có những dấu hiệu rất tốt, sản xuất công nghiệp đang được phục hồi, hầu hết các sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Báo cáo đánh giá của Sở Công thương cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp trên toàn tỉnh trong tháng 1 đạt 2.602,4 tỷ đồng, tăng 20,3% cùng kỳ, trong đó: Công nghiệp Trung ương tăng 16,9% cùng kỳ, địa phương tăng 13,9%, vốn đầu tư nước ngoài tăng 45%. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,49% so với cùng kỳ. Điều đáng lưu ý là các sản phẩm công nghiệp chủ đạo trong năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn thì sang năm 2013 đã có những dấu hiệu khởi sắc rất tốt như: Than tiêu thụ ước đạt 3,274 triệu tấn, tăng 21,8% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 832.000 tấn; sản xuất xi măng ước đạt 257.000 tấn, tăng 89%; clinker 427.000 tấn, tăng 26,3%; bia các loại 633.000 lít, tăng 117,5%; dầu thực vật 31.588 tấn, tăng 51,3%… Đặc biệt trong chuẩn bị cho phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thương mại dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị một lượng hàng hoá phục vụ Tết trị giá gần 600 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như: Gạo các loại, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu, bia, đồ uống giải khát, hàng may mặc, hàng trang trí nội thất và một số hàng tiêu dùng khác. Theo báo cáo của một số đơn vị dự trữ nguồn hàng tương đối lớn để phục vụ Tết như: Công ty CP Thương mại dịch vụ Quảng Long trên 20 tỷ đồng, Công ty CP Thương mại du lịch dịch vụ Cẩm Phả trên 7 tỷ đồng, Xí nghiệp Bia Thăng Long 5 tỷ đồng, Công ty CP Thương mại dịch vụ Bình liêu gần 5 tỷ đồng…

Tiếp tục gỡ khó nhanh và hiệu quả

Dù đang có được đà phát triển tốt hơn so với năm 2012 nhưng khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong năm 2013 chắc chắn không thấp hơn so với năm trước. Mặc dù chỉ số hàng tồn kho đã giảm, sản xuất công nghiệp có tăng trở lại ngay trong tháng đầu của năm nhưng nhìn trên bình diện chung thì số đông doanh nghiệp vẫn chưa thể hồi phục. Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Đông Triều cho biết, do hàng tồn kho vẫn còn nhiều nên không dám đầu tư cho sản xuất, sự sụt giảm về giá bán nên dù có vay được vốn rẻ thì chi phí tài chính cũng đang cao gấp nhiều lần trước đây.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ngày 7-1-2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành: Giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Giải quyết hàng tồn kho hỗ trợ thị trường đầu tư bằng cách: Đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư đối với dự án, chương trình; rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, xoá bỏ rào cản đầu tư bất hợp lý; tăng cường thu hút, đẩy nhanh các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tăng cường thu hút, giải ngân các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức; có biện pháp về vốn tín dụng, lãi suất cho vay; kiểm soát thị trường; cải cách thủ tục hành chính; theo sát diễn biến của thị trường trong nước và thế giới để dự báo và có biện pháp điều hành phù hợp. Giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm: Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý I và 3 tháng thời hạn nộp thuế và thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý II và quý III năm 2013 cho một số đối tượng; gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 1, 2, 3 năm 2013 đối với các doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ; không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện; giảm 50% tiền thuê đất năm 2013 và năm 2014; rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, theo đề xuất của các chuyên gia, điều quan trọng nhất để tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đó là: Cần đánh giá một cách cụ thể sản xuất, xác định số lượng hàng tồn kho, đưa ra sản phẩm mới, thực hiện các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước, xuất khẩu trên cơ sở tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ theo hướng chủ động, tích cực, đảm bảo hiệu quả. Có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng, tập trung vào các mặt hàng nông sản theo chương trình của tỉnh trên thị trường nội địa, khuyến khích doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Ngọc Lan



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét