Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Người từ quê lúa ra đảo làm giàu


Mùa xuân này người đàn ông ấy bước vào tuổi sáu mươi mốt. Trông ông thật đúng là một lão nông tri điền, với dáng vẻ hơi lam lũ vất vả. Thế nhưng ít ai ngờ rằng ông từng là một kỹ sư nông nghiệp. Chúng tôi gặp ông từ cửa rừng đi ra, ông cười hiền khô, hệt như những người nông dân tôi đã gặp ở vùng lúa Thái Bình quê ông. Ông là Nguyễn Viết Thự, một tấm gương điển hình của những người làm kinh tế giỏi ở huyện đảo Cô Tô.

Năm 1971 chàng thanh niên Nguyễn Viết Thự có giấy gọi vào Đại học, nhưng cũng khi đó anh có giấy gọi nhập ngũ. Nguyễn Viết Thự đã từ biệt gia đình, từ biệt quê lúa Thái Bình lên đường nhập ngũ giữa lúc chiến tranh đang ác liệt. Trải qua 5 năm chiến đấu, anh trở về quê hương, rồi vào học tại Trường đại học Nông nghiệp. Ra trường, anh kỹ sư trẻ trở về làm việc tại Công ty Giống cây trồng tỉnh Thái Bình. Sau hai mươi năm công tác tại quê nhà, người kỹ sư ấy có nhiều trăn trở về cuộc sống trên đồng đất quê hương, ông muốn ra đi để vươn lên làm giàu trên một vùng quê mới.

Ông Nguyễn Viết Thự bên cây mít Tố nữ đang bói quả.
Ông Nguyễn Viết Thự bên cây mít Tố nữ đang bói quả.

Năm 2000 ông ra đảo Cô Tô thăm con gái đang công tác. Biển cả sóng gió, bão bùng không làm lay chuyển bản lĩnh người lính trong ông. Ông đi thăm thú nhiều nơi trên đảo, bới xem chất đất từng thửa ruộng ven rừng. Năm 2004 ông quyết định nghỉ chế độ để chuyển gia đình ra sống tại đảo Cô Tô. Với kiến thức của một kỹ sư nông học, lại đã ở cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, ông biết điều mình làm là đúng, là phải và ông tin chắc sẽ thành công. Với nguồn vốn ban đầu là 25 triệu đồng, ông mua nhà, mua vườn rừng. Chấp nhận cuộc sống đèn dầu như thời còn chiến tranh phá hoại mấy chục năm trước, ông miệt mài nghiên cứu quy hoạch loại cây trồng theo từng cấp độ của đất, của rừng. Ông cười, nói với tôi: "Ban đầu cũng không phải thuận buồm xuôi gió lắm đâu, để có được như hiện nay cũng nhiều lần thất bại đấy!".

Chúng tôi theo ông ra thăm vườn rừng. Trên cao kia là rừng tái sinh, dưới là tre bát độ, rồi vườn cây ăn quả nào nhãn, nào hồng, cam, bưởi. Mùa này cam đang chín vàng, hồng xiêm ông lấy giống từ Xuân Đỉnh về cũng đang trĩu quả. Ông khoe đã mang giống mít Tố nữ ra trồng ở đảo, những cây đầu tiên đã bắt đầu bói quả. Hiện nay ông đã gieo hàng trăm cây mít bản địa để lấy cây con cho việc ghép mắt mít Tố nữ vào những năm tới. Ông hy vọng rồi đây người dân trên đảo sẽ trồng được mít Tố nữ, khách du lịch ra Cô Tô sẽ được thưởng thức hương vị cây trái miền Nam giữa biển đảo Đông Bắc này. Được nhà nước hỗ trợ vốn mua con giống, ông mua hai đôi nhím, hai đôi hươu. Một năm nhím đẻ hai lứa, ông đã bước đầu cung cấp nhím giống cho bà con trên đảo. Ông bảo mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đình thu được chừng năm sáu chục triệu đồng từ vườn rừng và con giống…

Tạm biệt người kỹ sư chân đất, người lính chiến đã một thời vào sinh ra tử bây giờ lại cặm cụi với cây, với rừng, tôi tin ông sẽ thành công, góp phần vào việc xoá đói nghèo trên hòn đảo đầu sóng ngọn gió này.

Hoài Giang



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét