Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Nghề trồng nấm rơm: Hướng phát triển kinh tế ở Quảng La


Vài năm trở lại đây, nghề trồng nấm rơm được xem là hướng phát triển kinh tế vừa có thể tận dụng được những phế phẩm trong nông nghiệp, vừa mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân Quảng La (Hoành Bồ). Từ việc sản xuất chỉ mang tính tiêu dùng tại chỗ, đến nay, nấm rơm đã trở thành mô hình phát triển kinh tế của nhiều hộ gia đình nơi đây…

Cách đây mấy năm, với mục đích tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, đồng thời có thể tự làm ra thực phẩm sạch nhằm đáp ứng nhu cầu hàng ngày, nhiều hộ gia đình ở xã Quảng La đã trồng nấm rơm. Tuy nhiên, phong trào chỉ mang tính tự phát, tiêu dùng tại chỗ cộng với việc thiếu kiến thức và kỹ thuật trồng, chăm sóc chưa có nhiều khiến cho hiệu quả kinh tế mang lại chưa thực sự cao. Năm 2011, nhận thấy nghề trồng nấm rơm hoàn toàn phù hợp với điều kiện của bà con nông dân, với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Phụ nữ huyện Hoành Bồ tổ chức lớp tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm cho toàn bộ hội viên trong xã.

Chị Nguyễn Thị Na đang trồng nấm rơm.
Chị Nguyễn Thị Na đang trồng nấm rơm.

Có thể nói, chỉ đến lúc này, phong trào trồng nấm rơm tự phát của người dân nơi đây mới chính thức trở thành mô hình kinh tế sản xuất tập trung và sản phẩm làm ra mới thực sự là hàng hoá, cung cấp không chỉ cho nhu cầu người dân trong xã mà đã được bán ra cho các xã, huyện khác. Hiện tại, cả xã Quảng La có gần 50 hộ gia đình tham gia vào mô hình trồng nấm rơm. Trong đó, năm 2012 có 5 hộ gia đình đăng ký tham gia mô hình với 54 tấn nguyên liệu đều được hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện và tỉnh. Đến nay, các hộ thực hiện mô hình đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên, thu nhập cao gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình này, ông Đỗ Mạnh Chung, Chủ tịch UBND xã Quảng La, phấn khởi cho biết: "Còn nhớ nhiều năm trước, cứ đến vụ mùa gặt hái thì rơm rạ lại chất đống trên từng góc ruộng, từng góc sân của các gia đình làm nghề nông. Thế nhưng, mấy năm nay rơm rạ lại có giá lắm. Những nhà nào trước đây kêu khổ vì rơm rạ đốt đi không hết thì nay lại phấn khởi vì nếu không tận dụng để trồng nấm thì cũng bán được cho những người trồng nấm quy mô lớn. Càng lúc càng nhiều hộ gia đình tham gia mô hình nên nghề này cũng vì thế mà phát triển mạnh hơn".

Gia đình chị Nguyễn Thị Na (thôn 3, xã Quảng La) là một trong những hộ làm nghề nấm rơm đầu tiên của xã. Ban đầu, chị Na cũng chỉ làm thử mấy chục bịch nấm để phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình. Tuy nhiên, nấm rơm sau khi thu hoạch không những được nhiều người hỏi mua mà còn mua với giá cao nên chị Na quyết định phát triển nghề này. Đặc biệt, sau khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư 18 triệu đồng để xây dựng hai khu nhà trồng nấm tập trung. Chị Na giảng giải về quy trình trồng nấm: "Sau khi thu hoạch lúa, đem rơm nhúng vào nước vôi khử trùng rồi trùm kín để ủ từ 3-4 ngày. Vài ngày sau khi ủ, nhiệt độ trong đống ủ lên cao 60-70oC làm cho nấm dại chết đi và phân huỷ một phần chất hữu cơ để làm cho tơ nấm rơm dễ hấp thụ chất dinh dưỡng. Sau 3-4 ngày đảo một lần cho thật đều từ trong ra ngoài, dưới lên trên. Khi đống ủ xẹp xuống, ta có thể kéo rơm ra chất mô vào bịch…". Nấm sẽ cho thu hoạch sau khoảng 20 ngày nếu thời tiết ấm, còn nếu thời tiết lạnh thì cần từ 25-30 ngày. Chính vì thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn nên nấm rơm có thể sản xuất từ 3-4 vụ/năm. Những năm gần đây, nấm rơm sạch được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán ra thị trường cũng cao hơn hẳn. Mỗi cân nấm rơm dao động từ 25-30 nghìn đồng. Trừ chi phí đầu tư và chăm sóc, mỗi năm gia đình chị Na còn lãi được hơn 60 triệu đồng.

Trồng nấm rơm sạch vừa không cần đầu tư nhiều, thời gian sinh trưởng ngắn, vừa cho thu nhập cao. Chính vì thế, hiện nay, người dân Quảng La đã không còn xem trồng nấm rơm là nghề tận dụng vào mùa vụ nông nhàn trong năm nữa mà đã coi nó là một trong những hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình…

Ngô Dịu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét