Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

“Còn sống, còn gương mẫu”


Câu nói ấy in sâu trong chúng tôi sau buổi gặp gỡ với ông Nình A Dưởng, sinh năm 1936, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà. Tháng 9-2012, khi đã 77 tuổi, do không đủ điều kiện sức khoẻ, ông mới thôi làm công tác xã hội để nghỉ ngơi. Tìm hiểu về ông Dưởng, chúng tôi đã hiểu lý do tại sao người dân trong vùng ngợi ca, coi ông là tấm gương sáng.

Ông Nình A Dưởng.
Ông Nình A Dưởng.

Ông Dưởng kể: "Năm 1960, tôi ra TP Móng Cái lập nghiệp. Đến năm 1963, tôi mới trở về xã Quảng Lâm ổn định công tác. Khi ấy, xã có tên là Thanh Y. May mắn là tôi được nhận về Trường cấp một Thanh Y (nay là Trường Tiểu học Quảng Lâm) làm giáo viên. Đây chính là cái nôi giúp tôi trưởng thành và xây dựng nền tảng kiến thức". Gặp những người cao tuổi cùng thế hệ với ông Dưởng chúng tôi mới biết được rõ hơn về những đóng góp, những năm tháng thời còn trẻ của ông với người dân xã Quảng Lâm. Trước năm 1980, khi Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện có chủ trương xoá nạn mù chữ cho bà con dân tộc vùng cao, cứ vào dịp hè, ông Dưởng cùng một số giáo viên trong trường lại bố trí lên các bản xa xôi của xã như Lý Khoái, Xẹc Lổng Mìn, Bình Hồ để trực tiếp đến từng hộ dân vận động thanh thiếu niên, trung niên chưa biết chữ đi học. Ban ngày, bà con đi làm nương rẫy, ông Dưởng và các giáo viên trong trường phải đợi đến chập tối rồi mới bố trí lớp học từ 7h đến 9h. Ông Dưởng kể: "Vận động bà con vùng cao đi học chữ khó lắm cô ạ! Từ năm 1963 đến năm 1979, khoảng 80% dân số tại xã không biết chữ. Khi ấy trình độ nhận thức của người dân nơi đây còn rất thấp, có những hộ gia đình, chúng tôi phải vận động 5 lần 7 lượt họ mới chịu ra lớp. Không chỉ vậy, chúng tôi phải "ba cùng" với bà con để họ gần gũi, thân thiết với mình, từ đó mới cùng mình đi vận động những hộ khác. Có những hộ cùng một bản nhưng cách nhau cũng tới vài cây số, đi đường rừng núi khó khăn vô cùng mà ông cũng không nản". Ông Dưởng không nhớ rằng mình đã vận động được bao nhiêu thanh thiếu niên ra học như thế, chỉ biết rằng, mỗi bản dù ít hay nhiều, ông cùng các giáo viên cũng vận động một lớp (với độ tuổi trung bình từ 18-35 tuổi).

Không chỉ góp sức giúp bà con trong xã xoá nạn mù chữ, ông Dưởng còn là một tấm gương sáng trong việc củng cố và xây dựng đội ngũ của Đảng. Năm 1977, ông Dưởng được chuyển sang UBND xã Quảng Lâm và đến năm 1980 được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã. Nhắc lại thời kỳ ấy, ông Dưởng cho biết: "Lúc đó, tình hình xã khó khăn lắm, người dân tại xã Quảng Lâm chủ yếu là người dân tộc, sống tập trung vùng núi cao, lại có tập quán du canh, du cư. Với tư cách là người quản lý, lãnh đạo, tôi cùng các cán bộ trong xã trăn trở lắm. Sau khi người Hoa kiều về nước cũng là lúc mà huyện có chủ trương đưa dân từ vùng núi cao xuống tiếp quản tài sản của Hợp tác xã (trâu bò, ruộng đất, tài sản…). Tâm huyết với công việc, ông đã có công không nhỏ giúp người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.

Ông Dưởng cho biết thêm, mặc dù ông đã nghỉ hưu năm 1990 nhưng ông tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của người dân, nên được giữ chức vụ Phó Bí thư chi bộ bản Tài Lý Sáy (năm 1995) và từ năm 1997 đến tháng 9-2012, ông làm Bí thư chi bộ bản Tài Lý Sáy. Trong thời gian làm Bí thư chi bộ, ông tự nhận rằng, mặc dù tuổi đã cao nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông luôn cố gắng, tìm tòi, học hỏi qua sách vở để củng cố, xây dựng bản Tài Lý Sáy vững mạnh. Thời kỳ năm 2007, Chi bộ bản Tài Lý Sáy phải phụ trách thêm cả bản Xiềng Lống (do bản Xiềng Lống chưa có chi bộ riêng), ông Dưởng phải mang trọng trách cao cả là phát triển, củng cố chi bộ bản Tài Lý Sáy vững mạnh đồng thời phát hiện, tìm ra những đối tượng quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp Đảng viên đối với bản Xiềng Lống. Ông kể: "Các đồng chí khác trong chi bộ chủ yếu làm những công việc kiêm nhiệm (trạm trưởng trạm y tế xã, Phó Ban công an xã) nên tôi phải trực tiếp xuống bản Xiềng Lống để tìm hiểu nguyện vọng, tâm tư của từng đối tượng". Nhờ đó, tháng 12-2012, chi bộ đã kết nạp thêm 3 đảng viên viên chính thức, giúp bản Xiềng Lống đủ điều kiện lập chi bộ riêng.

Có thể thấy rằng, câu chuyện về ông Nình A Dưởng là một tấm gương làm việc không mệt mỏi. Dù còn trẻ hay tuổi đã cao, ông luôn cố gắng, làm tròn nghĩa vụ của mình, góp phần vào công cuộc đổi mới và phát triển của xã Quảng Lâm.

Lan Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét