Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

“Đảm bảo mọi điều kiện để nhân dân yên tâm sắm Tết”


Tết đến, người người, nhà nhà đều phải mua sắm đón Tết sum họp gia đình. Như một lẽ tất yếu, thị trường Tết luôn nhận được nhiều sự quan tâm của người mua sắm; là chủ đề trong các câu chuyện bàn về Tết. Trước sự quan tâm của đông đảo người dân, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công thương xung quanh vấn đề này.

- Thưa đồng chí, đồng chí có nhận xét gì về thị trường Tết năm nay của Quảng Ninh?


 

+ Chỉ còn không đầy một tuần nữa là đến Tết Quý Tỵ và thị trường Tết tại Quảng Ninh đang rất sôi động. Theo đánh giá của tôi, hàng hoá Tết năm nay rất phong phú, nguồn cung dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu đều đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. Ngay cả ở các vùng miền núi, hải đảo của tỉnh thì thị trường Tết cũng rất sôi động. Tính đến ngày 25-1-2013, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thương mại dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị một lượng hàng hoá phục vụ Tết trị giá gần 800 tỷ đồng. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. So với những năm trước, chất lượng sản phẩm hàng hoá, bao bì, mẫu mã… đều tốt hơn. Đặc biệt là hàng Việt đang chiếm lĩnh thị trường Tết của Quảng Ninh và chiếm được niềm tin của đông đảo người tiêu dùng. Các sản phẩm của tỉnh cũng đã tiếp cận được thị trường, khẳng định vị trí như: Miến dong Bình Liêu, hoa Hoành Bồ, rau an toàn Việt Long, nếp cái hoa vàng Đông Triều… Đây là những tín hiệu rất vui, thể hiện rõ rệt hiệu quả của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời khẳng định hướng đi đúng của Quảng Ninh trong phát triển sản xuất và xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Bên cạnh đó, qua khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy rằng người tiêu dùng Quảng Ninh đã mua sắm thiết thực hơn trong dịp Tết này. Mặc dù sức mua tăng nhưng tình trạng mua bán tràn lan, lãng phí đã được hạn chế rất nhiều. Cùng với nỗ lực bình ổn giá của tỉnh thì đây cũng là một lý do khiến thị trường Tết chỉ tăng giá nhẹ một số mặt hàng chứ không tạo thành "sốt" giá.

- Vậy ngành công thương đã có những giải pháp gì để bình ổn giá trong dịp Tết này, thưa đồng chí?

+ Nhằm tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Sở Công thương đã có công văn đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh phối hợp, thông báo đến đông đảo các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh biết và tham gia chương trình bình ổn giá. Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp có phương án kinh doanh cụ thể, dự đoán nhu cầu thị trường, chuẩn bị hàng hoá đảm bảo chất lượng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của nhân dân, chuẩn bị phương án đối phó với những biến động của thị trường trong những ngày giáp Tết, không để tình trạng thiếu hàng hoá, gây tăng giá đột biến. 

Cùng với đó, chúng tôi cũng cùng Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định trích từ quỹ dự trữ tài chính của tỉnh 29,4 tỷ đồng cho 12 doanh nghiệp và một hộ kinh doanh vay với lãi suất ưu đãi 0% để dự trữ hàng hoá, góp phần ổn định thị trường Tết. Các đơn vị đã mở được 47 điểm bán hàng bình ổn giá trong toàn tỉnh với hàng hoá phong phú, đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Mặt khác, chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định quản lý giá trên địa bàn. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thường xuyên theo dõi, nắm bắt thị trường để có giải pháp xử lý kịp thời.

- Ngoài nỗi lo thị trường tăng giá, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với những nỗi lo về vấn đề hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Ngành công thương đã làm gì để giải toả nỗi lo đó để nhân dân yên tâm sắm Tết, thưa đồng chí?

+ Đúng là dịp Tết cũng là dịp hoạt động mạnh nhất của hàng lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng. Xác định được điều đó, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống hàng lậu và gian lận thương mại. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra về VSATTP, giá cả… của thị trường Tết. Đồng thời, các địa phương cũng ra quân tăng cường lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường. Riêng trong tháng 1-2013, Chi cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, xử lý 196 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại hàng hoá là gần 1,5 tỷ đồng. Trong kiểm tra 1.278 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các đơn vị đã lập biên bản 69 trường hợp vi phạm, trong đó cảnh cáo 9 trường hợp và phạt tiền 60 trường hợp kinh doanh hàng cấm, hàng giả, vi phạm về VSATTP, đo lường chất lượng hàng hoá. Đồng thời, kiểm tra, xử lý 100 vụ buôn lậu, gian lận thương mại… Dù chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết nhưng công tác chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại của chúng tôi vẫn được đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự trong sạch của thị trường cả thời điểm trước, trong và sau Tết. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên đề cao cảnh giác, không ham giá rẻ mà mua hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém.

Hy vọng những cố gắng, nỗ lực của chúng tôi sẽ giúp nhân dân yên tâm sắm Tết và đón một xuân mới vui tươi, an toàn.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Hà Chi (Thực hiện)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét