Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Ngân hàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp


Với mức tăng trưởng tín dụng chưa phải là cao cộng thêm tác động từ suy thoái kinh tế đã khiến cho dòng vốn của ngân hàng trong hơn 1 năm qua có phần "chặt cửa" đối với người đến vay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những hỗ trợ về chính sách lãi suất đã và đang được triển khai, các ngân hàng khẳng định năm 2013, dòng vốn ngân hàng sẽ lưu thông mạnh mẽ hơn trên thị trường.

Nhìn lại hoạt động của khối ngân hàng năm 2012, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, có thể thấy những tác động rất tích cực đến nền kinh tế. Việc điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần khá phù hợp với tín hiệu thị trường. Qua đó, từng bước giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cụ thể, trong năm, lãi suất tái cấp vốn giảm 6 lần (giảm từ 15% xuống 9%); lãi suất huy động ngắn hạn giảm 5 lần (giảm từ 14% xuống 8%); lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) tự ấn định; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với 4 lĩnh vực ưu tiên được giảm từ mức 15%/năm xuống 12%/ năm; điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản nợ cũ về tối đa 15%/năm… Nhờ đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh. Mức giảm khoảng từ 3-8%/năm so với cuối năm 2011. Khảo sát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy, mức lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên đang phổ biến ở mức 9-13%/năm. Đối với lĩnh vực kinh doanh khác và tiêu dùng ở mức 13-14%/năm; các khoản vay thuộc lĩnh vực không ưu tiên phổ biến ở mức 15%/ năm.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, các ngân hàng đã tiến hành việc phân loại nợ, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay. Đồng thời, nhanh chóng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay; xem xét cho vay mới đối với những nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ. Thực hiện tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng đã cho vay về mức tối đa 15%/năm; xem xét miễn giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất, khó khăn về tài chính… Tính đến hết năm 2012, các ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho 420 doanh nghiệp với số nợ 4.300 tỷ đồng; giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa không quá 15%/năm với dư nợ 28.000 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ có lãi suất tối đa 15%/năm là 52.071 tỷ đồng, chiếm 89,7% tổng dư nợ. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn còn thực hiện khá hiệu quả việc huy động vốn từ dân cư và các tổ chức xã hội. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để năm 2013, ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản của khách hàng.

Theo báo cáo tổng hợp của NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, trong năm 2013, khối ngân hàng trên địa bàn sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động tối đa các nguồn vốn xã hội để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, đồng thời đảm bảo khả năng thanh toán của từng đơn vị. Phấn đấu huy động vốn tăng khoảng 20%-25%. Cùng với đó là việc thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng (phấn đấu tăng 15-17%) hợp lý, có hiệu quả phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các TCTD  trên địa bàn sẽ chủ động xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng của đơn vị và mức tăng trưởng tín dụng chung của địa phương. Bố trí nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Tập trung chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn tín dụng. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cho biết: Hiện khối ngân hàng đang xây dựng và triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ. Theo đó, sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với tỉnh nhằm đánh giá tình hình sản phẩm tồn kho của các lĩnh vực, ngành nghề. Trên cơ sở đó triển khai các giải pháp về tín dụng, lãi suất phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để duy trì, phát triển sản xuất – kinh doanh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.

Vân Du



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét