Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Tết của thợ lò


Những con số trong báo cáo của Vinacomin về những khó khăn trong năm 2012, làm cho người ta quan tâm hơn đến đời sống hiện tại của những công nhân mỏ. Bước chân vào những đường lò dài hun hút, nước bùn dưới chân lùng nhùng đen đúa, phía trên là nước ngầm thấm qua vách tí tách rơi…, tôi cảm nhận, đồng lương người thợ mỏ thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu. Năm nay, thợ lò đón một cái Tết kém vui hơn năm ngoái…

Anh Đỗ Văn Dương (ngồi giữa) trao đổi với PV trong khu tập thể của Công ty Than Quang Hanh.
Anh Đỗ Văn Dương (ngồi giữa) trao đổi với PV trong khu tập thể của Công ty Than Quang Hanh.

Nỗi niềm kẻ ở, người đi

Vừa bước vào làm việc trong những đường lò của Công ty Than Quang Hanh được mấy năm, Đỗ Văn Dương (quê Thái Thụy, Thái Bình) đã gặp phải một tai nạn khủng khiếp. Chiếc xe goòng bất ngờ tụt dốc, lao về phía anh và mấy anh em khác đang làm việc trong lò. Chẳng kịp tính toán, Dương lao người về phía chiếc xe, cố hết sức chặn nó lại. Cái giá của hành động dũng cảm ấy là 3 ngón tay và 41% sức khoẻ của anh bị mất vĩnh viễn. Sau tai nạn ấy, Dương không còn đủ sức khoẻ để làm việc trong lò nữa. Công ty chuyển anh sang làm công nhân ở Phân xưởng Thông gió, công việc nhẹ nhàng hơn nhưng thu nhập chỉ bằng 1/3 so với thợ lò. Dương kể: "Tổng thu nhập của em nếu làm đủ công, nay chỉ còn 4 triệu đồng, nếu so với năm ngoái thì thấp hơn gần 1 triệu, trong khi chi phí sinh hoạt thì ngày càng đắt đỏ. Mấy tháng nay em chẳng gửi được đồng nào về quê cho vợ anh ạ".

Ở cùng phòng với Dương trong khu tập thể Km9 (Công ty Than Quang Hanh) là thợ lò Nguyễn Văn Phong (quê Nguyễn Huệ, Đông Triều). Vì vợ không có việc làm ổn định, nên cả gia đình 4 người đều trông chờ vào thành quả lao động cực nhọc của Phong ở trong lò. Ấy vậy mà năm 2012, thu nhập của Phong tụt đi mất 3-4 triệu đồng, còn bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng. "Năm ngoái thì vợ chẳng bao giờ rút hết số tiền trong thẻ lương, đến nay thì cứ có đồng nào bọn em rút ra tiêu sạch, không còn tích luỹ được nữa. Em ở đây phải tiêu khoảng 4 triệu một tháng, còn lại 6 triệu đồng cho 3 mẹ con nó ở quê cũng chật vật lắm anh ạ" – Phong buồn rầu nói. Nhắc đến Tết, Phong trầm ngâm: "Còn nhớ những tháng cuối năm ngoái, tháng nào em cũng đưa về cho vợ hơn chục triệu. Lúc nghỉ Tết còn mua sắm một đống đồ ở Hạ Long mang về. Năm nay thì "nhịn" hẳn!".

Cũng theo Dương và Phong, thì mức thưởng Tết của Công ty năm nay là 5 triệu đồng, thấp hơn 1 triệu đồng so với năm ngoái; lương tháng 13 và tiền Rằm tháng Giêng như năm ngoái đều bị cắt.

Tại cửa lò +18, Xí nghiệp Than Giáp Khẩu (Công ty TNHH MTV Than Hòn Gai), chúng tôi gặp thợ lò Đào Ngọc Bình, anh vừa từ trong lò đi ra. Duy chỉ có nụ cười phô hàm răng sau ánh đèn flash là còn màu trắng, toàn thân Bình đen nhẻm, như vừa bị ai đó vốc than ném vào người. Nói đến thu nhập năm 2012, Bình lắc đầu ngán ngẩm: "Nếu cật lực làm đủ công thì mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 8 triệu đồng, trừ đi các khoản phí, đóng góp, thực lĩnh còn lại là khoảng 7 triệu, thấp hơn năm ngoái 2-3 triệu đồng".

So với mặt bằng chung, lương của thợ lò như Đào Ngọc Bình không phải là thấp, nhưng để có được đồng lương ấy, các anh đã phải bỏ ra bao công sức… Tuy vậy, với những thợ lò lâu năm như anh Bùi Ngọc Cảnh (công nhân bậc 6/6, Phân xưởng Khai thác 3, Xí nghiệp Than Giáp Khẩu), thì dù có nặng nhọc, độc hại, vất vả bao nhiêu, hay đồng lương có thấp đi, anh vẫn yêu và quyết tâm gắn bó với nghề, tới khi nào không còn đủ sức làm nữa. "Tôi đã chứng kiến nhiều em mới vào nghề ít lâu, không chịu được vất vả, chê lương thấp nên bỏ việc. Tôi đã 14 năm gắn bó với nghề thợ lò, đã từng gặp nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ việc. Mức thu nhập hiện nay tuy có thấp hơn so với năm trước, nhưng đó là khó khăn chung của ngành Than, mình không vì đó mà dao động" – anh Cảnh chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải thợ lò nào cũng có được ý chí như anh Cảnh. Với Đinh Văn Tiến (29 tuổi, quê Kinh Môn, Hải Dương), dù đã là thợ lò bậc 6/6 ở Công trường Kiến thiết cơ bản 4, Công ty CP Than Hà Lầm, Tiến vẫn quyết định bỏ việc về quê sinh sống. Lý do mà Tiến đưa ra là: "Với sức lực bỏ ra như vậy, thì đồng lương 7-8 triệu đồng mỗi tháng là quá thấp. Về quê, thu nhập thấp hơn, nhưng rau, mắm cho khoẻ anh ạ!".

Thợ lò Đào Ngọc Bình (đi trước) kết thúc một ca lao động vất vả.
Thợ lò Đào Ngọc Bình (đi trước) kết thúc một ca lao động vất vả.

Tết chưa trọn vẹn

3 năm trở lại đây, năm nay là cái Tết ảm đạm nhất với những người công nhân mỏ. Tuy mức thưởng Tết không thấp hơn là mấy, nhưng thu nhập của cả năm lao động vất vả hụt đi trông thấy, khiến không khí hào hứng đón Tết như mọi năm cũng vì thế mà giảm sút.

Chỉ còn chưa đầy chục hôm nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng vợ chồng anh Phạm Văn Tân (ở tổ 55, khu 5, phường Hà Trung) vẫn chẳng buồn dọn dẹp nhà cửa. Là thợ lò kỳ cựu của Công ty CP Than Hà Lầm, mức lương của anh Tân đã từng nổi tiếng trong top đầu của Công ty, lên đến hơn 20 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng đến nay, thu nhập của anh bị hụt đi gần một nửa, nguyên nhân do chỉ tiêu khai thác giảm, đơn giá tính công lao động và sản phẩm cho thợ lò cũng giảm sút. Còn nhớ cái Tết Tân Mão năm 2010, khi vợ chồng anh Tân mới xây được ngôi nhà 3 tầng, đó là thời gian thu nhập của anh cao nhất. "Tết năm nay thì không còn được xênh xang nữa rồi. Dù thông cảm với khó khăn của ngành Than, nhưng ngẫm thu nhập của thợ lò lẽ ra ngày càng cao hơn, giờ lại tụt giảm, cũng thấy buồn buồn" – Chị Suý (vợ anh Tân) tâm sự.

"Năm nay, thợ mỏ ăn Tết kém hơn mọi năm" – đó là lời nhận định của anh Lương Văn Tâm, thợ lò 4/6, Phân xưởng Khai thác 6, Công ty CP Than Hà Lầm. Cũng dễ hiểu thôi, "nước xuống thì thuyền xuống". Theo thống kê đã được công bố, năm 2012 doanh thu của Vinacomin đạt 93,1 nghìn tỷ đồng, bằng 85% so với 2011; lợi nhuận 2.500 tỷ đồng, chỉ bằng 30% so với thực hiện 2011; than tiêu thụ 39,38 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2011…

Ông Phạm Hồng Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Than Hòn Gai cho biết: "Quan điểm của Công ty là phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình khó khăn để công nhân hiểu và chia sẻ. Qua một năm khó khăn, Công ty vẫn giữ được lương bình quân 8,572 triệu đồng/người/tháng; các chế độ chính sách phải giữ bằng năm 2011. Bên cạnh đó là các giải pháp như giữ nguyên lương cho công nhân lò, chỉ giảm ở bộ phận phục vụ phụ trợ; tính toán lại cơ cấu tổ chức sản xuất; giảm chi phí cố định; cơ cấu tỷ lệ lao động…". Với mức thưởng Tết Quý Tỵ năm nay, Công ty hỗ trợ mỗi công nhân 3 triệu đồng và một túi quà, các xí nghiệp thưởng thêm 2 triệu đồng. Theo ông Long, mức thưởng này thấp hơn năm ngoái 1 triệu đồng, nhưng đó cũng là một sự cố gắng rất lớn với một đơn vị có gần 6.000 CBCNV.

Đối với Công ty CP Than Hà Lầm, mức thưởng Tết năm nay vẫn cố gắng duy trì bằng năm ngoái, là 5 triệu đồng và một túi quà trị giá 200 nghìn đồng, công nhân đi làm đủ công đầu năm và cuối năm được thưởng thêm 2 triệu đồng. Ông Phạm Khắc Thừ, Phó Giám đốc Công ty phụ trách đời sống, cho biết: "Năm 2012, khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo. Các điều kiện khai thác than gặp nhiều khó khăn, nguồn tài nguyên không còn nhiều như những năm trước, nguồn nhân lực thiếu…Tuy nhiên, Công ty vẫn làm tốt công tác quản lý tiền lương, thưởng, định mức lao động, đơn giá giao khoán, giải quyết kịp thời chế độ cho người lao động. Lương bình quân năm 2012 đạt 8,145 triệu đồng/người/tháng".

Ông Phạm Hoài Vũ, Phó Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Than Uông Bí cũng cho biết, việc có tiền để thưởng Tết cho gần 8.200 CBCNV là một bài toán cực kỳ khó. "Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng thưởng Tết cho CBCNV, nhưng để đạt mức một tháng lương như năm trước (bình quân khoảng 3 triệu đồng/người) chắc là không thể" – ông Vũ khẳng định.

Đối mặt với những khó khăn, thách thức trên, để hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy và thiệt hại do sản xuất, tiêu thụ suy giảm, Vinacomin đã đưa ra các giải pháp như: Giảm thuê ngoài, ưu tiên các mỏ hầm lò, cắt giảm nhiều khoản chi phí từ 15-20%, lùi khấu hao với thời gian tối đa, lùi kế hoạch bóc đất đến năm sau, giảm tiền lương công nhân viên từ 15-20%… Còn với những người công nhân mỏ như các anh Dương, Phong, Bình, thì những ngày nghỉ Tết sắp tới là dịp để xả hơi sau những ngày dài vất vả trong hầm mỏ, để rồi hết Tết lại lao vào làm việc. Tất cả đều hy vọng một năm mới an khang, thịnh vượng.

Nguyễn Quý



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét