Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Lính Trường Sa ở Quảng Ninh


Đó là câu chuyện về những chàng trai quê Quảng Ninh một thời ngày đêm bên nhau để bảo vệ sự toàn vẹn vùng biển, đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về, người còn trong quân ngũ, người chuyển ngành, nhưng họ vẫn luôn gắn bó bên nhau như ngày nào, cùng chia ngọt, sẻ bùi. Mỗi lần gặp nhau, các anh lại tự hào giới thiệu về những thành viên "Hội Trường Sa", "Làng Trường Sa" của mình…

"Quê hương mỗi người chỉ một"

Nhớ lại năm 2007, lần đầu tiên tôi được đến thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà). Buổi chiều hôm ấy, tôi đang mải ngắm đàn lợn con kiếm ăn dưới tán cây phong ba bão táp trên đảo Nam Yết, bất chợt gặp ánh mắt khá chăm chú của một sĩ quan trẻ tên Nguyễn Văn Minh. Sau khi mỉm cười chào nhau, Minh hỏi tôi: "Có phải các anh là người Quảng Ninh không?". Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì Minh hỏi tiếp: "Em ở Cẩm Phả, nhìn anh quen lắm!". Nhận ra đồng hương, khỏi phải nói chúng tôi mừng như thế nào, hai anh em siết chặt tay nhau. Minh bảo: "Từ khi đoàn vào đảo, biết tin có cán bộ, phóng viên của Báo Quảng Ninh và Đài PT-TH tỉnh cùng đi, em mừng lắm dù không biết ai. Em đi tìm gặp, trông anh quen quen, nhưng thấy các anh đang mải làm việc nên không dám hỏi, cứ đứng từ xa quan sát…". Hỏi chuyện, thì ra nhà Minh ở phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả, chỉ cách nhà cũ của tôi chừng 3 cây số, lại học cùng trường cấp 3 nên Minh thấy tôi quen quen cũng phải. Còn tôi thì không nhận ra, vì lúc ở nhà Minh trắng trẻo, thư sinh, còn bây giờ sạm màu gió biển. Minh túm tay tôi lôi tuột về đơn vị, vừa đi vừa nói: "Mời các anh vào đơn vị em chơi.


"Hội Trường Sa": Các anh Trần Hồng Thái, Nguyễn Văn Minh và Phạm Minh Khương gặp mặt trong bữa cơm cuối năm 2012.

Ở trên đảo này có 5 người Quảng Ninh thì phòng em có 2, là Chiến và Tín cùng quê Uông Bí. Chắc chúng vui lắm khi được gặp các anh". Vừa vào đến cửa phòng Minh đã gọi to "Các cậu ơi ra đón đồng hương Quảng Ninh này…". Lúc này, thiếu uý Lê Bá Tín và thiếu uý Nguyễn Tường Chiến đều đang bận ghi chép, nghe vậy liền vứt giấy bút vào một góc, ùa ra ôm lấy chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Thế rồi, cả 3 hồ hởi, xúm vào hỏi dồn dập, khiến tôi trả lời không kịp. Tín bảo: "Bây giờ ở ngoài này, tối nào chúng em cũng được xem thời sự, hễ hôm nào trên ti vi nói đến Quảng Ninh là chúng em đều gọi nhau đến xem, rồi về kể lại cho những anh em bận ca gác không được xem. Sách báo cũng vậy, có bài nào nói về Quảng Ninh, thì chúng em đọc đi, đọc lại, gần như thuộc lòng".

Đồng đội thăm mô hình trang trại của anh Nguyễn Văn Minh.
Đồng đội thăm mô hình trang trại của anh Nguyễn Văn Minh.

Những ngày sau đó, chúng tôi còn được gặp và nghe rất nhiều chuyện về những người con của Quảng Ninh đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Tuy mỗi người mỗi đảo, nhưng các anh vẫn thường xuyên liên lạc, sẻ chia với nhau những tin tức từ đất liền, động viên nhau làm tốt nhiệm vụ của người lính đảo, hẹn gặp nhau nơi quê nhà…

Sát cánh "trên mặt trận mới"

Tối một ngày cuối năm 2012, Trung tá Trần Hồng Thái điện cho tôi: "Ngày mai, một số người từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa tổ chức gặp mặt tại gia đình chú Minh ở Cẩm Phả. Mời nhà báo tham dự cho vui nhé". 11 giờ trưa hôm sau, tôi, Phạm Minh Khương, trung tá Trần Hồng Thái đến nhà Nguyễn Văn Minh, người mà tôi đã kể ở trên. Minh bảo: "Biết hôm nay các bác xuống chơi, bố mẹ em bảo cả nhà nghỉ việc quây quần tổ chức bữa liên hoan". Bố mẹ Minh rất quý anh em đã từng công tác ở Trường Sa cùng con mình. Tôi đã có vài lần đến nhà chơi, ông bà đều giữ ở lại ăn cơm cho bằng được. 30 phút sau, bữa tiệc được dọn ra. Câu chuyện ngày cuối năm của 3 người nguyên là lính ở Trường Sa thật rôm rả. Trung tá Trần Hồng Thái mở đầu câu chuyện: "Vài năm trở lại đây, cuối năm nào bọn này cũng luân phiên tổ chức gặp mặt để ôn kỷ niệm và hỏi thăm nhau về cuộc sống hiện tại. Năm nay thì ở Hạ Long, năm trước ở Quảng Yên. Tiếc là hôm nay vắng một số người vì bận đi công tác xa. Điểm thì phải trực Tết ở đơn vị, Tín thì mới chuyển công tác vào miền Trung…". Anh khoe, sau nhiều năm phải ở trong căn nhà tạm bợ, chật chội, đầu năm vừa rồi, có bao nhiêu vốn liếng tiết kiệm được, anh chị dốc hết ra xây được ngôi biệt thự. Niềm vui nữa là sang đầu năm, con trai thứ 2 của anh sẽ nối nghiệp cha, làm đơn tình nguyện đi bộ đội… Phạm Minh Khương thì không phải là người Quảng Ninh, nhưng ở đây đã được gần 6 năm, thực sự coi quê hương của đồng đội là quê hương thứ 2 của mình. Cảm mến ở tình cảm chân tình cũng như nghị lực vươn lên trong cuộc sống của em, trung tá Thái đã đề nghị kết nạp Khương vào nhóm những người từng công tác ở Trường Sa tại Quảng Ninh. Khương kể, quê ở Hải Hậu, Nam Định. Học xong PTTH, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Khương vừa ôn thi đại học vừa đi làm thuê, từ phụ vữa, bốc vác đến làm mộc… Cuối năm 2006, đang lúc nghỉ chờ việc, thì huyện có đợt tuyển thanh niên đi làm nghĩa vụ quân sự, Khương làm đơn tình nguyện và trúng tuyển. Sau một thời gian huấn luyện, Khương được biên chế về đơn vị tàu phục vụ đưa đón khách đến Trường Sa. Sau khi ra quân, Khương định đi xuất khẩu lao động, nhưng không lo đủ tiền. Khương ra Quảng Ninh, học nghề thợ lò tại Phân hiệu Quang Hanh, Trường CĐ Nghề mỏ Hồng Cẩm. Dù phải vừa học vừa làm, nhưng kết quả học tập của Khương luôn đứng đầu lớp. Ngay sau kỳ học đầu tiên, Khương đã được Phân hiệu chọn là một trong 2 học sinh của Khoa đi học lớp cảm tình Đảng. Bây giờ, Khương đang học năm thứ 3 Đại học Mỏ Địa chất, hệ vừa học vừa làm… Khương xúc động: "Đây là lần thứ 2 được dự liên hoan với các anh, em rất vui…".

Thấy Minh có vẻ trầm tư, trung tá Thái hỏi: "Sao, chú mày năm nay thế nào, kể cho các anh nghe xem sao?". Uống cạn chén rượu đầy, Minh kể cho chúng tôi nghe chuyện nhân duyên của mình. Cuối năm 2008, đơn vị của Minh tiếp nhận mấy chiến sĩ trẻ. Quy định của cấp trên, chiến sĩ không được sử dụng điện thoại di động, vì vậy mỗi khi muốn liên lạc về gia đình thì phải mượn điện thoại của chỉ huy. Trong số ấy có một tân binh quê ở Hải Hậu, Nam Định. Sau vài lần nhờ điện thoại, tình cảm giữa cậu ta và Minh trở nên gần gũi, lúc rảnh rỗi thường mang ảnh gia đình ra khoe với nhau. Nhìn tấm hình chị gái tên Huế của cậu chiến sĩ, Minh thấy cảm mến ngay. Thế rồi trong một lần về nghỉ phép, Minh đã tìm đến tận nơi Huế đang trọ học Đại học Tài chính ở Hà Nội. Và lạ thay, vừa gặp nhau, Huế cũng đã thấy mến chàng bộ đội hải quân này. Vài tháng sau, họ cưới nhau và bây giờ đã có đứa con gái gần 2 năm tuổi. Minh bảo: "Sau khi cưới vợ, em xin xuất ngũ. Của hồi môn bố mẹ cho là hơn 1.000m2 đất, em bàn với vợ có bao nhiêu tiền tích cóp được đầu tư vào làm trang trại. Ban đầu phải vay mượn nhiều, nên cũng mệt mỏi. Bây giờ thì trang trại đã thành hình rồi. Uống rượu xong, em mời các bác ra tham quan". 
 
Chúng tôi ra xem cơ ngơi của Minh. Mỗi người giúp một ý tưởng, khiến Minh rất cảm động. Những đồng đội năm xưa, nay vẫn tiếp tục sát cánh bên nhau, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu. Với họ, Trường Sa mãi luôn trong tim…

Quang Minh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét