Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách hành chính


Sau 2 năm đầu triển khai Chương trình cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch và đạt được một số mục tiêu quan trọng trong công tác cải cách hành chính, tác động tích cực đến việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Sự hài lòng của người dân khi tham gia các dịch vụ hành chính công từng bước được đáp ứng; trình độ, năng lực, chất lượng trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên, trong chỉ đạo triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, đó là: Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành, triển khai, theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính mà giao cho cấp phó phụ trách thực hiện nên hiệu lực, hiệu quả cải cách hành chính chưa cao, thậm chí chưa hiểu đúng, đầy đủ các nhiệm vụ của cải cách hành chính, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đơn vị, địa phương cần phải triển khai thực hiện theo giai đoạn và trong từng năm.

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác cải cách hành chính, ngày 4-2-2013, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị (số 04/CT-UBND) yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện tốt các nội dung sau:

Trực tiếp chỉ đạo, điều hành, triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về những tồn tại, thiếu sót trong thực hiện cải cách hành chính thuộc ngành, đơn vị, địa phương quản lý, đặc biệt đối với các sở, ngành được giao chủ trì tham mưu thực hiện các nội dung cải cách hành chính: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính.

Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, thực hiện nghiêm các quy định về văn hoá, văn ninh công sở; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác cải cách hành chính, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Giao Sở Nội vụ – Cơ quan thường trực công tác cải cách hành chính của tỉnh theo dõi, tổng hợp, đánh giá vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác cải cách hành chính tham mưu xây dựng bộ chỉ số cải cách hành chính, trong đó có tiêu chí đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương.

PV



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét