Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Xuân về nơi thôn nghèo


Tết đến xuân về, ai cũng mang niềm ước vọng một năm mới cuộc sống nhiều điều tốt lành hơn năm cũ. Ở những thôn nhiều năm có tới 100% hộ nghèo như ở Nà Cam (xã Đại Thành, huyện Tiên Yên), hay Phật Chỉ (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), người dân cũng tràn trề những ước mơ, nhất là khi có cái Tết đủ đầy trong vòng tay ấm áp của cộng đồng.

Tiếp sức cho Nà Cam

Con đường dẫn chúng tôi đến Nà Cam, thôn cuối cùng của xã Đại Thành (huyện Tiên Yên) dẫu chưa được bê tông hoá, nhưng đi lại cũng đã thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Nà Cam vốn là một thôn của xã Húc Động (huyện Bình Liêu), từ năm 2003, Nà Cam lại thuộc xã Đại Dực (huyện Tiên Yên). Năm 2006, xã Đại Thành được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Đại Dực, khi đó Nà Cam lại thuộc về Đại Thành. Đường giao thông xấu, khiến cho Nà Cam nghèo, bà con có nuôi được con lợn hay con ngan, con gà thì cũng chỉ để ăn chứ chẳng có lái buôn nào mất công băng đèo vượt dốc đến đây để mua. Cuộc sống của bà con không có tích luỹ, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi ở Nà Cam.

Nhân viên Công ty Xây lắp và Ứng dụng công nghệ Quảng Ninh kéo dây, đưa điện về Nà Cam để bà con có điện vào dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
Nhân viên Công ty Xây lắp và Ứng dụng công nghệ Quảng Ninh kéo dây, đưa điện về Nà Cam để bà con có điện vào dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Năm 2007, cán bộ xã Đại Thành đứng lên vận động bà con toàn xã giúp Nà Cam làm đường liên thôn. Vậy là nhà nhà trong xã đều hồ hởi, những người lớn tuổi vận động những người khoẻ mạnh trong gia đình từ sáng sớm vai vác mai, cuốc đi làm đường. Các thanh niên tình nguyện Huyện Đoàn Tiên Yên cũng góp sức rất nỗ lực, bởi vậy Nà Cam có con đường nhỏ, có thể đi được xe máy để đến trung tâm xã. Năm 2008, Công ty CP Than Núi Béo – Vinacomin đã chi 100 triệu đồng, giúp Đại Thành san gạt hạ dốc, cải tạo nhiều đoạn suối để làm con đường dài 1km vào Nà Cam, thuận lợi cho bà con đi lại. Năm 2012, từ nguồn vốn kinh tế quốc phòng xã Đại Thành được đầu tư để làm con đường bê tông rộng 5m, dài 4km, tổng đầu tư dự kiến khoảng 17 tỷ đồng đi qua thôn Nà Cam và nối liền với xã Húc Động (huyện Bình Liêu).

Hiện nay, con đường mới được san gạt phần nền để bê tông hoá nhưng bà con đã đi lại tốt hơn trước nhiều. Ông Lỷ A Hếnh, nhà ở gần cuối thôn Nà Cam vui vẻ nói: "Tết này chắc Nà Cam sẽ vui lắm. Trước đây ngày Tết bà con muốn đi chúc nhau, gặp ngày mưa phùn gió rét rất ngại đi, có đứa trẻ theo bố mẹ chúc Tết mà ngã bẩn hết cả quần áo. Bây giờ thôn sắp có đường mới. Bà con ở các thôn khác cũng sang đây chơi nữa, vui lắm". Không chỉ có đường, điện lưới quốc gia cũng sắp được đưa về Nà Cam. Nhiều người trong thôn đã mua sẵn ti vi để Tết này xem chương trình vui xuân. Ông Hếnh còn cải tạo nâng cấp xưởng mộc mua sắm máy cưa, máy bào. Ông cho hay: "Nà Cam tết này có điện lưới rồi, trước đây tôi có sắm những máy móc này cũng không dùng được nên chỉ làm nhỏ lẻ. Bây giờ thôn có đường để vận chuyển vật liệu, bà con hết nghèo sẽ mua sắm nhiều giường tủ thôi". Chia tay ông Hếnh, trên đường trở về chúng tôi gặp một đoàn thợ điện lẫn bà con trong bản cùng đang kéo dây để đưa điện lưới về thôn. Anh Lâm Duy Linh là công nhân trong Đội thi công công trình điện lưới nông thôn trực thuộc Công ty Xây lắp và Ứng dụng công nghệ Quảng Ninh cho biết: "Những ngày thời tiết xấu Đội thi công chúng tôi vẫn làm, để bà con có điện vui Tết. Chúng tôi đã có mặt ở hầu hết các thôn của các xã, huyện khó khăn trong tỉnh để đưa điện lưới cho bà con, bây giờ là thôn Nà Cam, xã Đại Thành".

Mùa xuân mới Nà Cam sẽ có thêm nhiều niềm vui mới.  

Niềm vui Phật Chỉ

Con đường dốc lên xuống quanh co dẫn chúng tôi đến Phật Chỉ là thôn của xã biên giới Đồng Văn (huyện Bình Liêu). Những ngày giáp Tết, Phật Chỉ luôn chìm trong màn sương dày đặc. Những người cao tuổi ở Đồng Văn kể lại, Phật Chỉ tên cũ là "Phạt Chỉ", vì khi xưa nơi đây chỉ có núi rừng heo hút, về mùa đông cảnh vật nhờ nhờ trong màn sương dày đặc. Cảnh núi rừng kỳ bí ấy thường được người dân thêu dệt bằng những câu chuyện hoang tưởng rằng nơi đây có ma, có thần rừng. Những người đi rừng mỗi khi qua đây thường nhặt một hòn đá, hay một chiếc lá từ dưới chân dốc, lên đến đỉnh dốc Phật Chỉ thì ném thành đống gọi là "tiền" nộp phạt cho thần rừng mong ngài phù hộ cho bình yên để chuyến vào rừng được may mắn, vì vậy mới hình thành cái tên Phạt Chỉ. Năm 2004, 10 hộ người Dao được chuyển lên đây sinh sống theo chương trình di dân ra vùng biên giới, khi ấy Phật Chỉ còn là rừng hoang. Các chiến sĩ bộ đội Lâm trường 155 (Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327 – Quân khu 3) giúp bà con làm nhà kiên cố, rồi dần dần điểm trường học được dựng lên đón lũ trẻ đến trường. Vậy là cái tên Phạt Chỉ cứ mất dần để thay thế bằng Phật Chỉ, vì bây giờ con người là chủ núi rừng rồi còn ai sợ ma hay thần rừng phạt nữa đâu. Thôn xóm ngày một đông đúc, năm 2010, thôn Phật Chỉ được công bố thành lập và đã có 33 hộ dân (hiện nay có 35 hộ). Đống đá "tiền phạt" nay vẫn còn và là nơi để người lớn kể lại với con cháu về câu chuyện xưa của cha ông mình. Ông Tằng Văn Lầu, Bí thư Chi bộ thôn kể: "Thôn còn khó khăn lắm, hiện tại vẫn còn 100% hộ nghèo. Khí hậu ở đây khắc nghiệt, mùa đông lạnh đến ghê người. Cái lạnh có năm quật ngã hàng chục trâu bò, hàng trăm con dê. Bà con nuôi con gì cũng chết, lại thêm nạn chuột rừng về cắn lúa hoa màu, khiến các cánh đồng về mùa gặt tan hoang, người dân đã nghèo càng khó thoát nghèo".

Năm 2010, con đường kéo dài 15km từ trung tâm xã qua thôn Phật Chỉ được bê tông hoá theo chương trình xây dựng đường biên giới quốc phòng. Năm nào 100% bà con trong thôn cũng được nhận quà tết của huyện, xã và các đơn vị bộ đội biên phòng đóng quân ở biên giới Bình Liêu. Tết năm 2012, mỗi người ở Phật Chỉ được nhận 20kg gạo để ăn tết, trẻ em trong thôn được nhận bánh kẹo của UBND xã, huyện và của Trạm biên phòng số 23 Đồng Văn. Trưởng thôn Dường A Tài dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh thôn. Chỉ các cô gái Dao đang ngồi thêu thùa bên hiên nhà, Trưởng thôn Dường A Tài cho hay: "100% các chị, các cô trong thôn đều biết thêu thùa, phụ nữ người Dao thêu rất khéo để tạo nên những bộ quần áo rực rỡ đầy bản sắc của dân tộc mình. Năm nào chị em phụ nữ trong thôn cũng có quần áo mới từ bàn tay khéo léo của mình". Chị Dường Mùi Thu, một người dân trong thôn bảo: "Người Phật Chỉ tuy nghèo nhưng cố giữ cái gốc, giữ lấy truyền thống của dân tộc qua trang phục. Sau Tết Nguyên đán, vào dịp tháng tư âm lịch sẽ là ngày hội kiêng gió của người Dao, chị em lại có dịp diện những bộ quần áo mới vui lắm".

Chỉ vào những cánh rừng quế, rừng hồi đang xanh mơn mởn, Trưởng thôn Dường A Tài cho biết: "Phật Chỉ có hơn 80ha rừng hồi, khi bà con về đây mới trồng nên cây chưa đủ năm thu hoạch, rừng hồi là niềm tin xoá nghèo của người dân trong thôn đấy, bởi tất cả các hộ đều có từ 1-3ha hồi. Khi hồi được thu hoạch bà con có nguồn thu thì sẽ dần hết nghèo thôi".

Công Thành



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét