Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Đề án PCCC và cứu nạn cứu hộ trên Vịnh Hạ Long: Hướng tới nhiều mục tiêu


 

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm Vịnh Hạ Long (VHL) đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Hiện có hơn 500 tàu của gần 100 doanh nghiệp tham gia vận chuyển khách tham quan VHL; trong đó có hơn 150 tàu lưu trú qua đêm trên Vịnh. Tàu du lịch phần lớn là vỏ gỗ, vách ngăn, giường, ga, đệm, bàn ghế, trang bị trên tàu… đều được làm từ vật liệu dễ cháy; trên 80% số tàu có thâm niên hoạt động từ 8-10 năm. Bên cạnh tàu du lịch còn có 58 tàu chở dầu, kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Loại hình kinh doanh này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, khi có sự cố sẽ gây thiệt hại lớn về người, tài sản và ô nhiễm môi trường.

Tại vùng VHL có nhiều cảng hàng hoá tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trong 5 năm gần đây đã có gần 15.000 lượt tàu trong và ngoài nước vận chuyển hàng hoá qua khu vực VHL, bao gồm một số loại hàng nguy hiểm dễ cháy nổ, như xăng dầu, vật liệu nổ công nghiệp, hoá chất, cao su… Ven bờ Vịnh còn có nhiều kho hàng lớn (của Công ty Xăng dầu B12, Vinashin, kho cảng Cái Lân…) thường xuyên chứa 100.000m3 xăng dầu.

Cảnh sát PCCC và Cảnh sát đường thuỷ, Công an tỉnh hướng dẫn các chủ tàu thuyền trên Vịnh Hạ Long sử dụng bình chữa cháy.
Cảnh sát PCCC và Cảnh sát đường thuỷ, Công an tỉnh hướng dẫn các chủ tàu thuyền trên Vịnh Hạ Long sử dụng bình chữa cháy.

 

Trên VHL có 5 làng chài với 234 hộ, trên 1.100 khẩu; 625 lồng bè vừa nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với nhà ở; 65 nhà bè làm dịch vụ ăn uống; hàng ngàn lượt tàu thuyền/ năm của tỉnh ngoài đến đánh bắt hải sản… Các lồng bè chủ yếu làm bằng gỗ; nhiều tàu thuyền, lồng bè vẫn sử dụng củi, gas để đun nấu, trong khi trang thiết bị PCCC hầu như không có. Người dân sinh sống tại những nơi này ít am hiểu về công tác PCCC. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh cháy nổ cao. Trong khi lực lượng chữa cháy chính quy và trang thiết bị, phương tiện chữa cháy trên VHL chưa có. Lực lượng chữa cháy tại chỗ và các trang thiết bị PCCC của các tàu du lịch, trên các phương tiện kinh doanh xăng dầu và phương tiện tham gia hoạt động trên VHL tuy được trang bị đầy đủ; hàng năm đều được huấn luyện về nghiệp vụ PCCC, song việc tổ chức quản lý, sử dụng còn hạn chế, chỉ có thể xử lý, giải quyết được những vụ cháy nhỏ, còn nếu cháy lớn, phức tạp thì không đáp ứng được.

Nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập này, Công an tỉnh đã xây dựng Đề án "Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên vùng Vịnh Hạ Long năm 2015 và định hướng đến năm 2020". Đề án đã chỉ ra những giải pháp nhằm giải quyết cơ bản những yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách về PCCCCNCH trên vùng VHL và khu vực lân cận, góp phần đảm bảo ANTT phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng VHL; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đẩy mạnh việc xã hội hoá trong công tác PCCCCNCH trên VHL. Huy động các nguồn kinh phí (T.Ư, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước) đầu tư cho công tác PCCCCNCH trên vùng VHL. Các công trình, phương tiện, trang thiết bị được đầu tư phải đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Xây dựng lực lượng chữa cháy thật sự vững mạnh; trong đó lực lượng chữa cháy chuyên ngành là nòng cốt để xử lý những vụ cháy lớn, lực lượng chữa cháy tại chỗ xử lý chữa cháy ban đầu theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Đề án cũng đề xuất UBND tỉnh phân cấp rõ trách nhiệm, công tác quản lý nhà nước về PCCCCNCH trên vùng VHL đối với các cấp, các ngành liên quan và các doanh nghiệp, phương tiện hoạt động tại vùng VHL.

Để triển khai tốt Đề án, Công an tỉnh đã đề xuất Bộ Công an nghiên cứu, cho Công an Quảng Ninh thành lập Đội Cảnh sát PCCCCNCH trên VHL trực thuộc Phòng Cảnh sát  PCCCCNCH Công an tỉnh, ban đầu là 30 CBCS, được biên chế thành các tổ công tác. Nhiệm vụ trọng tâm của Đội  là tuyên truyền, huấn luyện, xây dựng phong trào quần chúng PCCC; kiểm tra, phúc tra an toàn PCCC; huấn luyện nghiệp vụ; phối hợp thực tập các phương án PCCCCNCH trên biển…

Hiện Đề án đã được các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tham gia đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, sớm phê duyệt. Khi Đề án đi vào thực hiện sẽ góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới VHL, phát huy mạnh mẽ tiềm năng thế mạnh biển đảo, phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.

Tâm Như



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét