Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Hai “đại thụ” nơi vùng cao biên giới


Nhiều năm qua, đội ngũ già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn biên giới, hải đảo của tỉnh đã đóng góp tích cực, hiệu quả cùng người dân thôn, bản tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên, cột mốc. Xin giới thiệu hai "đại thụ" trong số ấy.

Trưởng bản Tằng Phúc Xìn trao đổi với thanh niên trong bản về cách làm ăn, phát triển kinh tế.
Trưởng bản Tằng Phúc Xìn trao đổi với thanh niên trong bản về cách làm ăn, phát triển kinh tế.

Trưởng bản Mốc 13

Về xã Quảng Đức (Hải Hà), hỏi tới già Tằng Phúc Xìn, thì ai cũng biết cả. Già người dân tộc Dao, hiện là Trưởng bản Mốc 13, năm nay đã vào tuổi "xưa nay hiếm", nhưng vẫn rất năng nổ, hăng hái tham gia mọi công việc của bản, của xã. Hôm chúng tôi đến nhà già, mặt trời đã lặn xuống dãy núi một lúc lâu rồi mà già Xìn vẫn chưa thấy về. Anh cán bộ Đồn Biên phòng Quảng Đức đi cùng cho biết: "Hôm nay trời nắng ráo thế này, thế nào già Xìn cũng tranh thủ đi dọc đường biên, cột mốc để nắm tình hình địa bàn". Chừng hơn một tiếng sau, chúng tôi nghe có tiếng oang oang ngoài ngõ, rồi một cụ già trông quắc thước, da đen cháy đi vào nhà. Thấy có cán bộ Biên phòng đến chơi, già Xìn cởi con dao đeo ở lưng treo lên giá, sang sảng nói: "Kiểm tra xong đồi cây, lùa mấy con trâu vào chuồng, thấy trời còn nắng, thế là tao liền đi thẳng ra đường biên, cột mốc xem thế nào. Cái cán bộ Biên phòng cứ yêu tâm, tao kiểm tra rồi, không có dấu hiệu gì lạ đâu. Mà nếu có thì tao đã ra Đồn báo cáo rồi!". Khi biết mục đích của chúng tôi, già Xìn rót cốc nước lá tu một ngụm to rồi khà một tiếng sảng khoái, đoạn kể cho chúng tôi nghe lai lịch về bản Mốc 13 này.

Già Xìn sinh năm 1939 tại một bản biên giới của xã Quảng Đức. Lớn lên, cũng như bao chàng trai, cô gái trong bản, già lấy vợ, sinh được 9 -10 người con. Năm 1995, bản Mốc 13 được thành lập, già Xìn được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Thời điểm ấy, bản chỉ có vẻn vẹn 20 nóc nhà, chủ yếu là người dân tộc Dao trong tỉnh ra biên giới xây dựng kinh tế mới. Các hộ vốn quen với cuộc sống du canh, du cư, đốt phá rừng làm nương rẫy, khiến cho rừng trên địa bàn ngày một ít đi, mà cuộc sống của họ vẫn không thoát cảnh đói nghèo, bệnh tật. Ngày ngày nhìn cảnh bà con mình ở nơi đất rộng mà chịu cảnh chen chúc, đất màu mà không biết cải tạo làm ăn, quanh năm nghèo đói đeo đẳng, khiến người trưởng bản mất ăn, mất ngủ. Sau nhiều ngày đêm vắt óc tính toán, già Xìn đã tham mưu cho xã và BĐBP vận động các gia đình đông con cháu trong bản tách hộ, chia đất, chia vườn, làm nhà, trồng cây lúa, cây ngô, nuôi con bò, con lợn… Xã và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Quảng Đức đã biểu dương cách nghĩ, cách làm sáng tạo và hỗ trợ tích cực để thực hiện. Già Xìn lại nghĩ: "Mình là trưởng bản thì cần phải gương mẫu đi đầu thì bà con mới tin, mới làm theo". Nghĩ là làm, già họp bàn gia đình, tách các con ra ở riêng, chia đất vườn, ruộng cho các con để tiện sinh hoạt, làm ăn. Từ kinh nghiệm trong những lần được xã cho đi tham quan một số mô hình điểm ở địa phương khác, già Xìn đã nghiên cứu, ứng dụng vào đồng đất nhà mình, khi thấy có hiệu quả thì bày cho con cháu và tuyên truyền cho những hộ khác trong bản cùng làm theo. Nhờ đó đến nay, các hộ gia đình trong bản đều có cuộc sống khấm khá hơn, yên tâm định canh, định cư, phát triển sản xuất, gắn bó với đất rừng biên giới.

Từ năm 2003 đến nay, thực hiện phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT thôn, bản khu vực biên giới" do UBND huyện Hải Hà phát động, Trưởng bản Tằng Phúc Xìn còn tích cực tuyên truyền vận động các hộ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và BĐBP phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ việc gây mất ANTT trong bản, góp phần giữ gìn ANTT ở khu vực giáp biên. Mỗi khi được tin có kẻ xấu lợi dụng vượt biên trái phép chặt tre, gỗ, nổ mìn đánh cá, khai thác lâm thổ sản trái phép, vi phạm quy chế biên giới, già Xìn lập tức đi báo cho Đồn Biên phòng biết để ngăn chặn, bắt giữ.

Ông Nguyễn Văn Cảnh chăm sóc đàn lợn rừng của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Cảnh chăm sóc đàn lợn rừng của gia đình.

"Triệu phú bản Lục Phủ"

Khi nói đến chuyện làm ăn của nhân dân trong xã, Thiếu tá Lý Văn Chau, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn (TP Móng Cái) hào hứng: "Mình từng đóng quân ở nhiều địa bàn biên phòng, được biết nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhưng thực sự cảm phục ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn. Từ 2 bàn tay trắng, đã vươn lên trở thành một chủ trang trại tổng hợp có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ mô hình của ông Cảnh, một số hộ trong xã đã học tập, làm theo rất hiệu quả. Người dân ở đây gọi ông là "triệu phú của bản".

Thiếu tá Lý Văn Chau dẫn tôi xuống thăm trang trại của gia đình ông Cảnh ở thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn (TP Móng Cái). Lúc này đã hơn 5 giờ chiều, ông Cảnh đang cùng vợ cho đàn lợn rừng ăn. Thấy khách đến, ông vội đổ mấy thùng cám vào máng, rồi đon đả ra đón, mời khách vào nhà. Nhìn cơ ngơi trang trại của vợ, chồng ông, ít ai có thể tưởng tượng được gây dựng từ 2 bàn tay trắng. Ông kể, quê Kinh Môn (tỉnh Hải Dương). Vợ chồng ông có 4 đứa con, ở quê nhà, dù có "đầu tắt, mặt tối" cũng không đủ ăn. Cuối năm 2000, nghe một số người dân trong làng kháo nhau ra vùng biên giới của Quảng Ninh làm kinh tế mới khá lắm, nghĩ đây là cơ hội đổi đời, ông bàn với vợ vay một ít tiền làm lộ phí, một mình bắt xe ra thẳng Móng Cái. Ban đầu, lên vùng rừng núi biên giới Bắc Sơn, Hải Sơn, thấy đồng đất hoang vu lại toàn người dân tộc, ông cũng ngán ngẩm lắm. Sau một vài ngày ở nhờ nhà dân trong bản, ông lên rừng tìm từng lạch nước, vạch từng thửa ruộng hoang để nghiên cứu. Sau khi "điều nghiên" toàn khu vực, ông hồi hương hoạch định với vợ. Khi nghe vợ chồng ông định chuyển ra vùng núi biên giới ở, nhiều người trong gia đình ý gàn "Lên đó rừng thiêng, nước độc, điện không có, toàn người dân tộc thiểu số thì sống làm sao được?". Người thì lại bảo "Chỉ dăm bữa nửa tháng, không chịu được là khăn gói quả mướp về quê…". Nhưng ông đã quyết, vợ chồng ông mang theo 2 đứa con lớn ra Quảng Ninh. Cuộc sống tuy khó khăn về vật chất, nhưng vợ chồng ông luôn được đồng bào bản địa đùm bọc, người thì giúp công, người thì giúp cây tre, cây gỗ, ông dựng căn nhà tạm để ở.

Khi đã có chỗ ở ổn định, ông phát rừng trồng cây lấy gỗ, cải tạo ruộng hoang để làm nông nghiệp. Đất chẳng phụ công người, sau vài năm khai hoang, phục hoá, ông đã có được gần chục ha đất trồng, cấy. Ngay lứa gỗ đầu tiên ông đã lãi trên 50 triệu đồng. Một lần đi tham quan mô hình nuôi nhím ở huyện Hoành Bồ, ông thấy hợp điều kiện thổ nhưỡng ở Bắc Sơn, thế là mang hơn 20 triệu đồng tìm lên tận Sơn Tây (Hà Nội) để mua nhím giống. Trong lúc chờ chủ trang trại về, ông vào quán ăn cơm, phát hiện ra món thịt lợn Mường rất ngon. Lân la hỏi chuyện chủ quán ăn, ông nắm được cách nuôi, thế là đổi ý không mua nhím, mà mua hơn chục con lợn Mường giống mang về nuôi. Đến nay, sau 3 năm, đàn lợn của ông tới vài trăm con, mang lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. Năm 2010, ông tiếp tục mở rộng nuôi lợn rừng và gia cầm. Dẫn chúng tôi ra trang trại, ông Cảnh chỉ vào đàn lợn rừng, ông bảo: "Đàn lợn này đã có người trả gần 1 tỉ đồng mà tôi chưa bán đấy. Thịt lợn rừng của tôi cung cấp tới cả một số nhà hàng ở Hạ Long, Hải Phòng, Hải Dương. Ai có nhu cầu chỉ cần một cú điện thoại, tôi sẽ thịt và cấp đông gửi ngay trong ngày".

Không chỉ làm giàu cho bản thân, với cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Sơn, ông Cảnh còn hướng dẫn cho nhiều người muốn tìm hiểu, ai không đủ tiền mua giống, ông sẵn sàng cho nợ một thời gian. Đến nay toàn xã đã có gần chục mô hình nuôi lợn rừng, lợn Mường theo hướng sản xuất hàng hoá như gia đình ông.

Nguyễn Chiến



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét