Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Tăng cường đầu tư cho đào tạo nghề


Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tuyển sinh, tăng lượng đầu vào, thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo nghề đã tập trung tăng cường các điều kiện thuận lợi cho người học. Cụ thể các đơn vị đã huy động một lượng lớn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trang sắm thiết bị; xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình giảng dạy; bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên…

Chỉ tính trong năm 2012, tổng nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề đã đạt gần 508 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2011. Trong đó đơn vị có mức đầu tư cao nhất là Trường cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm với trên 294 tỷ đồng; tiếp sau đó là Trường cao đẳng Nghề mỏ Hữu Nghị 132 tỷ đồng; Trường cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng trên 114 tỷ đồng; Trường cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh…

Thực hành môn điện dân dụng tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh.
Thực hành môn điện dân dụng tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh.

Không chỉ tăng tổng vốn đầu tư mà sự phân phối nguồn lực cho các hạng mục đầu tư cũng được các cơ sở đào tạo nghề tính toán cân đối một cách hợp lý. Có thể thấy, ngoài phần xây dựng cơ bản với số vốn đầu tư 133 tỷ đồng thì các hạng mục khác cũng đã được tăng cường đầu tư hơn các năm trước rất nhiều. Cụ thể đối với việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình đào đạo, nếu như những năm trước đây chỉ được đầu tư trong khoảng trên dưới 500 triệu đồng thì năm 2012 vừa qua đã tăng gần gấp 5 lần với gần 2,4 tỷ đồng. Phần đầu tư cho trang thiết bị, đội ngũ nhân lực, các hoạt động thường xuyên… tăng trong khoảng từ 20% đến 30% so với trước đó. Ông Lưu Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm khẳng định: "Nhìn vào các hạng mục đầu tư trên có thể nhận thấy quyết tâm nâng cao hiệu quả và chất lượng một cách tổng thể, toàn diện của các cơ sở đào tạo nghề. Trong đó không ít các đơn vị đã tập trung cho những khâu yếu, việc khó, ví dụ như phần giáo án, giáo trình, phần nâng cao trình độ cho giáo viên…".

Đáng nói là trong tổng số gần 508 tỷ đồng tổng kinh phí đầu tư cho đào tạo nghề, chỉ có gần 42 tỷ đồng, chiếm trên 8% do ngân sách nhà nước cấp, còn lại đều do các cơ sở đào tạo nghề tự huy động, xoay xở. Điều này cho thấy sự thay đổi trong nhận thức, cũng như quyết tâm, nỗ lực phát huy nội lực của các cơ sở đào tạo nghề trong huy động kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ này. Thực tế kể từ khi thực hiện chủ trương xã hội hoá trong đào tạo nghề (theo NQ 05/2005 của Chính phủ), từ chỗ kinh phí dạy nghề của các cơ sở dạy nghề chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, đến nay đã thay bằng nguồn ngoài ngân sách. Đặc biệt trong năm 2012 vừa qua, các cơ sở đào tạo nghề đều đánh giá việc tăng cường đầu tư, đáp ứng nhu cầu người học là giải pháp đột phá để tăng lượng tuyển sinh, thu hút người học. Từ đó các đơn vị này đã bằng những cách cụ thể tăng các nguồn thu để có thể trích tái đầu tư trở lại. Anh Nguyễn Văn Quang, giáo viên Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh cho biết: "Như tôi đánh giá thì những kết quả trên thể hiện sự cố gắng, nỗ lực đáng biểu dương của các đơn vị làm công tác đào tạo nghề. Bởi thực tế trong năm qua các đơn vị này đều gặp khó khăn về lượng tuyển sinh, trong khi đó trang thiết bị giảng dạy, vật tư thực hành tăng giá từng ngày. Đồng thời khoản thu từ việc phối hợp sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nếu như những năm trước đạt khá thì năm nay bị sụt giảm, giảm gần 17% so với năm 2011".

Thực tế từ sự tăng cường đầu tư nói trên, diện mạo nhiều cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn hiện nay đã được làm mới. Hệ thống trường lớp khang trang; thiết bị dạy và học đồng bộ, hiện đại, bám sát chương trình giảng dạy; nhà xưởng thực hành với đầy đủ máy móc, dụng cụ. Nhờ đó ngày càng đáp ứng nhu cầu người học, tạo nên sự yên tâm và phấn khởi cho học sinh, sinh viên khi tham gia học nghề, cũng như thu hút người học đến với học nghề. Nguyễn Tuấn Hùng, học viên khoa Cơ khí ô tô, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh tâm sự: "Nhờ nhà trường tăng cường đầu tư nên học sinh chúng em đã được học tập trong môi trường giáo dục tốt. Từ lớp học đến ký túc xá của chúng em đều khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt chúng em có đủ các giáo trình, tài liệu chuyên môn mới nhất để nghiên cứu và được thực hành sâu ngay sau kết thúc mỗi các học phần; có nhà xưởng để chúng em có thể tham gia sản xuất, nâng cao tay nghề. Với chương trình đào tạo như thế này, em tin rằng sau này ra trường em sẽ cứng tay nghề, có thể lao động sản xuất để ổn định cuộc sống".  

Việt Hoa



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét