Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Nỗi niềm tiền Tết: Lo nhiều hơn vui


Đó là tâm trạng của nhiều vị giám đốc ngành Vật liệu xây dựng trước thềm Tết Nguyên đán, bởi năm nay tình hình sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng sụt giảm mạnh, lo cho công nhân có đủ việc làm và ổn định thu nhập đã là khó khăn, giờ lo tiền thưởng Tết cho hàng nghìn lao động quả thật là không đơn giản.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty CP Gốm Xây dựng Giếng Đáy cho biết: Năm 2012, sản lượng gạch của Công ty sụt giảm khoảng 15 triệu viên so với năm 2011 (năm 2011 là 90 triệu viên), hiện tại Công ty vẫn còn tồn 26 triệu viên gạch chưa bán được. Năm qua, Công ty đã phải cho ngừng hoạt động Xí nghiệp gạch ngói Giếng Đáy 2 và chấp nhận bán sản phẩm thấp hơn giá thành để duy trì hoạt động và tập trung tìm kiếm thị trường ngoại tỉnh cho các sản phẩm gạch lát mỏng. Chính nhờ chuyển hướng tập trung cho sản phẩm gạch lát mỏng, coi đó là sản phẩm chủ đạo nên Công ty CP Gốm Xây dựng Giếng Đáy đã vượt qua được khó khăn, giữ ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, với tình hình doanh thu như năm nay, Công ty chỉ mong lo Tết cho CBCN được bằng năm ngoái, khoảng tương đương với 1 tháng lương.

Cùng chung nỗi niềm với ông Giám đốc Gạch ngói Giếng Đáy, ông Đinh Đức Hiển, Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cũng "chất chứa" nhiều nỗi lo ngổn ngang. Năm 2012 là một năm "bĩ cực" đối với ngành sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cũng chịu chung số phận đó. Hầu hết các đơn vị sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng đều giảm sản lượng, trong đó Nhà máy Xi măng Hà Tu giảm 50% sản lượng, Nhà máy Xi măng Lam Thạch giảm 30%. Sản phẩm không tiêu thụ được khiến Công ty gặp nhiều khó khăn, đời sống người lao động bị ảnh hưởng, lo đủ việc làm và lương tháng cho công nhân đã là chật vật lắm rồi, không biết liệu có lo được tiền thưởng Tết cho CBCN không, ông Hiển chia sẻ.

Không riêng ngành Vật liệu xây dựng, nhiều ngành khác không khí tiền thưởng Tết nghe chừng cũng ảm đạm. Những năm trước, một số ngành thường có tiền thưởng Tết "xôm" như ngành Than, Ngân hàng, thì năm nay nghe chừng cũng "xìu". Một số công ty than trước đây thuộc hàng "đại gia" thì năm nay nghe phong thanh cũng chỉ lo được cho CBCN chừng hơn 1 tháng lương thứ 13. Còn khối cơ quan hành chính, sự nghiệp có vẻ vẫn "bình chân" trước những xôn xao của dư luận về tiền thưởng Tết, bởi một số cơ quan ngay từ những tháng đầu năm đã có chính sách chi tiêu "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm tối đa chi phí để có "của để dành" cuối năm làm tiền thưởng Tết.

Đấy là đối với người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp. Còn người lao động tự do thì sao? cùng khu tập thể với tôi có đôi vợ chồng làm nghề tự do, gọi là nghề chứ anh chồng làm nghề chạy xe ôm kiêm bán ngô, khoai sắn luộc ban đêm, còn chị vợ bán rau ở chợ cóc. Cứ vào dịp cuối năm trước dãy sân tập thể, các gia đình có người làm ở các cơ quan nhà nước, các công ty, thường bàn tán hỏi han nhau về tình hình thưởng tết, tiền tết, lương lậu… râm ran. Chị vợ anh xe ôm thường than thở với tôi: Các bác sướng thật, Tết đến lại được một khoản tiền để sắm sửa, tiêu Tết, còn vợ chồng em ngơi tay là đói, quanh năm nhặt nhạnh dành dụm mới có vài đồng để chi tiêu ngày Tết, năm nay kinh tế khó khăn, hàng họ ế ẩm, mà Tết đến vẫn phải chi tiêu, vợ chồng em làm trầy vẩy ra mới kiếm đủ dăm ba trăm sắm Tết.

Nghe chị nói, chúng tôi chợt thấy mình vô tâm quá, cứ vô tư eo sèo chuyện Tết được thưởng nhiều, thưởng ít, trong khi bên cạnh mình có những người chẳng bao giờ được nhận tiền thưởng Tết.

Hoá ra, xung quanh chuyện tiền Tết có quá nhiều nỗi niềm.

Đặng Nhung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét