Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Đầu nậu “nằm im”, gà thải vẫn “len” qua cửa khẩu


Câu chuyện gà lậu, gà thải không còn là chuyện của mấy bà đi chợ mà thậm còn làm "nóng" cả bàn nghị sự khi mỗi ngày gà lậu vẫn nườm nượp tràn vào các chợ. Đặc biệt khi dịp Tết sắp tới, nhu cầu tiêu thụ gà của người dân  càng tăng cao cũng là "mùa" làm ăn của cánh buôn lậu. Nhưng ngược lại, tại cửa khẩu Móng Cái – nơi được cho là có tới 70-80% gà thải "vượt biên" về Hà Nội lại hết sức im ắng. Dân buôn lậu đang "nằm im" để nghe ngóng, thỉnh thoảng mới có vài chuyến chở gà bằng xe máy "len" vào nội địa. Đó là ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô Cuối tuần tại cửa khẩu Móng Cái trong những ngày cuối năm này.

Biết là cấm nhưng vì lợi nhuận quá hấp dẫn

Đã có thời điểm trên 70% gia cầm nhập lậu từ biên giới phía Bắc được vận chuyển qua những cửa khẩu dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh. Đây được coi là địa bàn "nóng" về gà thải nhập lậu. Trong khi người dân Hà Nội hết sức hoang mang lo lắng về loại gà này, thì hàng ngày những chiếc xe ô tô vẫn nối đuôi nhau tuồn hàng về Hà Nội.  Trong chuyến đi này, chúng tôi gặp Hùng, một "thổ địa" người gốc Móng Cái. Sinh ra ở vùng đất biên giới, ngay từ thời còn là học sinh tiểu học, Hùng đã biết theo các anh chị lớn tuổi vượt sông Ka Long qua bên kia biên giới để xách hàng.

Sống với "buôn lậu" từ ngày còn bé, Hùng không còn lạ gì những chiêu trò của giới buôn gà lậu. Bằng một chất giọng thổ âm nặng trịch, Hùng cho biết: "Dân buôn gà Móng Cái ai cũng hiểu hầu hết gà nhập lậu từ Trung Quốc đều là gà thải loại. Màu lông nhạt, trắng, thịt bở vì đã bơm thuốc kích thích để đẻ hết trứng. Thế nhưng biết là một chuyện, còn lợi nhuận thì lại là chuyện khác. Người Móng Cái gần như chẳng mấy ai ăn loại gà này mà chỉ tìm mọi cách để đưa hàng qua biên giới vào tiêu thụ trong nội địa. Gà nhập lậu từ Trung Quốc được chia thành 2 loại với giá thành khác nhau. Loại gà cấm không được sử dụng trong chế biển thực phẩm, chỉ làm thức ăn trong chăn nuôi có giá từ 3 đến 5 đồng Trung Quốc (tương đương 15.000 đến 20.000 đồng/kg). Loại thứ 2 đắt hơn, được phép dùng trong chế biến thực phẩm có giá thành dao động từ 5 đến 6 đồng Trung Quốc (tương đương 30.000 đến 35.000 đồng/kg). Chỉ cần xách được gà qua biên giới về đến Móng Cái đã có giá tăng gấp đôi. Còn khi về đến các chợ nếu trộn lẫn được vào các loại gà ta thì giá thành có thể đẩy lên nhiều lần". Chính vì sự chênh lệch giá quá cao giữa gà Trung Quốc và gà trong nước đã khiến cho dân buôn tìm mọi cách để đưa gà qua biên giới.

Những cung đường gà lậu

Lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, gà Trung Quốc được "xuất cảnh" qua biên giới Móng Cái bằng rất nhiều con đường, nhưng chủ yếu vẫn là dùng đò để vượt sông Ka Long, sông Bắc Luân. Từ khu vực Trà Cổ cho đến gần thành phố Móng Cái, gà lậu có thể "vượt biên" bất cứ lúc nào, từ sáng tới đêm miễn là có nguồn gà. Theo tìm hiểu của chúng tôi dân buôn thường đặt bến tập kết ở bất cứ những nơi nào sát bờ sông với một điều kiện duy nhất là phải có những con đường mòn mà ô tô không thể vào được. Điều này đồng nghĩa với việc phương tiện chở gà lậu phổ biến nhất là xe máy để hạn chế tối đa được sự truy quét của cơ quan chức năng. Gà lậu sau khi tập kết từ phía bên kia biên giới sẽ được vận chuyển bằng các đò gỗ qua bến gà. Từ đây gà sẽ được chở bằng xe máy về nơi tập kết cho chặng đường tiếp theo.

Để chuẩn bị cho mỗi lần "ăn" hàng, thường có một đoàn từ 5 cho đến 6 chiếc xe máy nối đuôi nhau đi theo đường mòn. Mỗi chiếc xe máy có thể chở được từ 5 đến 6 lồng nhựa, mỗi lồng nhựa nhốt được từ 15 đến 20 con gà. Như vậy, tính trung bình mỗi chuyến xe máy có thể vận chuyển được khối lượng trên 1 tạ gà nhập lậu. Thế cho nên có thời điểm số lượng gia cầm Trung Quốc thẩm lậu vào nước ta từ biên giới Móng Cái là vô cùng lớn (theo như ước tính gần đây của Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, trong thời kỳ cao điểm có thể lên đến 100-200 tấn/ngày).

Khi gia cầm nhập lậu đã sang tới Việt Nam, các xe máy này chạy thẳng về nơi tập kết có khắp nới ở thành phố Móng Cái, cất giấu vào các nhà dân chờ thời cơ đi tiêu thụ. Từ thành phố Móng Cái, để vận chuyển được gà ngược vào sâu trong nội địa, trước hết cần phải tránh được trạm kiểm soát liên hợp Km 15 – Bến tàu Dân Tiến (TP Móng Cái). Dân chạy gà có nhiều cách để trốn trạm này. Họ thường chờ đến đêm tối mới xuất phát rồi rẽ vào các đường mòn phía trước trạm kiểm soát. Từ đây gà lậu sẽ đi theo lối mòn lên khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (thuộc địa phận huyện Hải Hà) rồi vòng trở lại khu vực tập kết đã quy ước từ trước. Do là huyện giáp ranh nên trên địa phận Hải Hà có hàng chục đường mòn, lối mở thông với địa phận Móng Cái. Lần theo những đường mòn lối mở này, gà lậu ồ ạt về xuôi. Trong những thời kỳ cao điểm, hàng đêm có hàng chục xe máy, ô tô nối đuôi nhau trên những cung đường mòn này để tránh trạm kiểm soát. 



Các "chiêu" đối phó với cơ quan chức năng

Thượng úy Võ Quang Hòa, Đội phó Đội CSGT Tuần tra kiểm soát đường bộ, đường sắt khu vực Miền Đông (Đội 1.4) Công an tỉnh Quảng Ninh, một trong những lực lượng có chức năng chống buôn lậu cho biết: Các đối tượng buôn lậu có rất nhiều chiêu thức để đối phó với lực lượng chức năng. Cứ khi nào xe tuần tra ra đường là các xe chở gà nằm im, còn lúc anh em nghỉ giao ca thì chúng lại bắt đầu hoạt động. Sở dĩ các đầu nậu nắm được "lịch trình hoạt động" của lực lượng chức năng là nhờ có đội ngũ "chim lợn" vô cùng đông đảo. Các đối tượng "chim lợn" lúc thì chạy trước các xe hàng để nắm tình hình, nếu thấy động sẽ ra hiệu cho các xe hàng đi sau rẽ vào các đường mòn để lẩn trốn. Nhưng đa phần chúng thường cắm chốt xung quanh trụ sở đồn bất kể ngày đêm để theo dõi mọi động tĩnh của cán bộ chiến sĩ trong đội. Gà lậu đối phó với trạm kiểm soát bằng nhiều cách, chúng có thể xếp lẫn với các loại hàng hóa khác, thậm chí giấu cả trong xe container.

Nhiều vụ khi bị bắt, dân buôn lậu lao cả xe gà xuống ven đường rồi bỏ chạy. Một cách khác để đối phó với lực lượng chức năng, đó là chỉ khai mình là người chở thuê, còn chủ gà là ai thì… chịu. Thượng úy Võ Quang Hòa cho biết, khi cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, việc vận chuyển gà nhậu lậu bằng phương tiện ô tô với khối lượng lớn đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng các đối tượng được thuê dùng xe máy để chở gà. Những đối tượng này thường phóng xe với tốc độ cao lên tới 70-80km/h. Việc truy đuổi hết sức khó khăn, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người tham gia giao thông và cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, hiện nay chế tài xử lý, xử phạt đối với những người mang gà nhập lậu có trị giá dưới 100 triệu đồng còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối tượng. Các đối tượng buôn lậu gà thường lợi dụng điều này để xé lẻ gà trong quá trình vận chuyển. Trong khi đó, chế tài xử phạt hành chính chỉ vài triệu đồng trên một xe gà và gần như rất ít khởi tố được các đối tượng buôn gà. Theo quy định số gà thành tiền phải trên 100 triệu đồng mới có thể xử lý hình sự, nhưng mỗi xe gà trên 2 tấn được định giá theo quy định của của cơ quan chức năng chỉ có giá vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, nếu những xe gà này lọt được qua trạm kiểm soát vào sâu trong nội địa, thì giá thành có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, hiện quy trình tiêu hủy gia cầm bị thu giữ rất phức tạp và tốn kém. Phải xin ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành để thuê máy xúc, máy gạt, rồi chi phí xăng dầu, nhân công để tiêu hủy gà. Điều này có lúc đã khiến cho các cơ quan chức năng nảy sinh tâm lý ngại thu giữ.

Hạ nhiệt nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát

Đó là khảo sát của chúng tôi tại thời điểm gà lậu đang "nóng". Tuy nhiên vào những ngày cuối năm này, khi chúng tôi trở lại cửa khẩu Móng Cái, tình hình "chạy" gà lậu đã có phần im ắng hơn rất nhiều. Đặc biệt là sau buổi làm  việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng Đoàn công tác của Chính phủ tại thành Móng Cái (Quảng Ninh). Người dân ít còn phải chứng kiến hình ảnh những chiếc xe tải đầy ắp lồng gà lao xé màn đêm trên Quốc lộ 18 từ cửa khẩu Móng Cái vào sâu trong nội địa, từng đoàn xe máy nườm nượp nối đôi nhau chở gà vào các điểm tập kết trong thành phố. Đó là điều đáng mừng và điều đó cũng cho thấy khi có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì bọn buôn lậu cũng phải chùn bước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra được nhiều người dân quan tâm là tình trạng gà nhập lậu liệu có còn tiếp tục tái diễn khi mà sự kiểm soát của cơ quan chức năng đã qua "đợt cao điểm". Bởi thực tế, các đầu nậu gà vẫn đang ở phía bên kia biên giới gom hàng, nằm im nghe ngóng, chờ cơ hội tuồn vào nội địa, còn người dân vận chuyển thì  vẫn bị thu hút bởi sự hám lợi từ sự chênh lệch giá do gà mang lại.

Khó có thể khẳng định, tình hình hạ nhiệt các điểm nóng buôn gà lậu tại địa bàn TP Móng Cái như trong thời gian qua sẽ kéo dài được trong bao lâu. Bởi đã thành một quy luật, cứ khi nào các cơ quan chức năng tung quân làm mạnh, truy quét gắt gao thì các đầu nậu sẽ lại nằm im để nghe ngóng động tĩnh. Còn khi nào chiến dịch đã tạm lắng, lợi dụng những sơ hở của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn bán gà lậu sẽ tìm cách hoạt động trở lại và có thể bùng phát thành những điểm nóng. Và trên thực tế, trước dự báo nhu cầu tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm trong thời gian tới ngày một gia tăng, với lợi thế chênh lệch về giá rất lớn với thị trường trong nước, các đối tượng buôn lậu sẽ tiếp tục tìm mọi cách để nhập lậu gia cầm thải loại nhập từ Trung Quốc vào thị trường trong nước để tiêu thụ.

Quảng Ninh có hơn 118 km đường biên giới trên bộ giáp Trung Quốc và 191 km đường biên giới trên biển, mặc dù có nhiều lực lượng cùng tham gia vào việc ngăn chặn tình trạng vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới; tuy nhiên do lực lượng chống buôn lậu còn mỏng lại dàn trải trên địa bàn rộng, nên gia cầm luôn trong tình trạng trực chờ ngấp nghé ở bờ biên, chỉ cần lực lượng chức năng lơi lỏng là ngay lập tức tràn vào nội địa Việt Nam một cách nhanh chóng.

Địa bàn TP Móng Cái có 3 điểm "nóng" về buôn gà lậu, đó là các phường Hải Hòa, Hải Sơn, Bắc Sơn. Thượng tá Tô Hồng Tiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hải Hòa (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh), một trong 3 điểm "nóng" kể trên chia sẻ: Trên thực tế, người dân, trong đó có không ít những đầu nậu ở trong nội địa như: Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội đã vượt biên sang Trung Quốc để thu mua gà, tập kết ven bờ sông biên giới rồi thuê "cửu vạn" là người dân địa phương vận chuyển về tại các khu dân cư trên địa bàn xã Hải Hòa. Các đối tượng này thường vận chuyển nhỏ lẻ gà về nhiều điểm, sau đó mới thu gom, tập trung lại rồi đưa đi tiêu thụ. Muốn bắt được các đối tượng này phải điều tra nắm chắc tình hình và có phương án cụ thể thì mới thành công. Đã xảy ra không ít trường hợp, khi lực lượng biên phòng đến thu giữ các xe gà thì người dân đổ ra ngăn chặn, gây rối, cản trở lực lượng biên phòng, cướp lại gà và tạo điều kiện cho các đối tượng chạy thoát.

Thượng tá Tô Hồng Tiến cho biết, một tình trạng đáng quan ngại hiện nay đó là do việc tình trạng các "cửu vạn" bị… thất nghiệp và chuyển sang vận chuyển gà lậu thuê cho các chủ hàng qua đường biên. Thời gian gần đây do tình trạng hàng hóa bị ách tắc ở biên giới nhiều, không xuất sang được phía Trung Quốc nên số "cửu vạn" chuyên nghiệp chuyên bốc dỡ hàng hóa bỗng dưng bị… thất nghiệp. "Cửu vạn" ở bến Lục Lầm thuộc địa phận Hải Hòa có khoảng trên 2000 người, trước kia bốc vác khoảng 50 đến 100 container một ngày, nhưng hiện nay chỉ giải tỏa được 3-4 nhiều nhất là 10 container một ngày. Do vậy không ít những người thuộc thành phần này được bổ sung vào đội ngũ vận chuyển gà lậu.

Mấu chốt là phải bắt được đầu nậu

Trong cuộc làm việc mới đây với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu qua biên giới, theo đó để làm tốt công tác ngăn chặn gia cầm nhập lậu, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra khu vực đường biên giới, khu vực cửa khẩu hai bên cánh gà cửa khẩu, các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện hành vi buôn lậu, mua bán gia cầm, sản phẩm từ gia súc, gia cầm qua biên giới.

Triển khai xử lý kịp thời gia súc, gia cầm, sản phẩm từ gia súc gia cầm nhập lậu bị bắt giữ trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhấn mạnh những giải pháp cứng rắn: đó là làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành nếu để xảy ra tụ điểm, điểm nóng, băng nhóm tội phạm "bảo kê" gia cầm nhập lậu trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh đã phân công cụ thể các ngành chức năng: Biên phòng, Công an, Hải quan, QLTT triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm theo từng địa bàn quản lý, khu vực biên giới, các tuyến đường biên giới và các địa bàn sâu trong nội địa. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới, xây dựng phương án, nắm tình hình trên các tuyến đường biên giới vào nội địa. Cùng với đó là  giải quyết bài toán lợi ích cho người dân vùng biên. Không chỉ tuyên truyền vận động không tiếp tay cho buôn lậu, các cấp chính quyền cần tạo việc làm ổn định cho người dân.

Có thể thấy, các giải pháp cơ bản để chống buôn lậu gà thải cũng đã được bàn đến. Và trong chuyến làm việc mới đây với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng các cơ chế chính sách tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, trong đó có lưu ý tới chế tài riêng để xử lý gà nhập lậu, đồng thời tăng quyền lực cho lực lượng quản lý thị trường. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi không thể cứ mãi "thả gà ra đuổi" mà quan trọng là phải bắt giữ được cái đối tượng đầu nậu và có hình thức xử phạt nặng đối với việc vận chuyển gà lậu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kính Tần khẳng định vấn đề mấu chốt để chống được buôn lậu gia cầm vẫn phải là đánh bắt được các đầu nậu. Các cơ quan ban ngành chức năng không thể rải quân để đi bắt được hết các cửu vạn hay những người vận chuyển. Cách làm này về lâu dài sẽ không có hiệu quả và không giải quyết được triệt để vấn đề. Thứ trưởng Diệp Kính Tần chỉ ra rằng: Kinh nghiệm ở tỉnh Quảng Trị và Quảng Nam cho thấy việc tập trung chống đầu nậu đã giải quyết được dứt điểm vấn đề nhập lậu gia súc ở 2 tỉnh này.

Ngay cả trong chuyến thị sát của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Móng Cái, tuy đánh giá cao những biện pháp mà tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng, song Phó Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, cách làm hiện nay không bền vững, chỉ có thể làm có tính cao điểm một vài tháng, không duy trì được thường xuyên. Về lâu dài, trong dự thảo Đề án "Ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh gia cầm không được phép nhập khẩu" của Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ mới đây đã đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2013, cơ bản chấm dứt được tình trạng nhập lậu gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh biên giới. Theo đó mục tiêu tổng quát là năm 2013, các ban ngành địa phương phải xóa bỏ 100% các điểm tập kết gà lậu. Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của các địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ thị, phải tăng mạnh các chế tài. Ví dụ như quy định tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện vận chuyển để làm tê liệt ngay đường dây nhập khẩu, tiêu thụ.

Gà lậu khan hàng,  gà nội đột biến tăng mạnh

Những ngày qua, giá gà tại các chợ Hà Nội tăng chóng mặt. Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết: Chưa bao giờ giá gà tăng nhanh như những ngày qua, chỉ trong vòng một tháng giá gà đã tăng 20-30%. Trong đó gà công nghiệp tăng nhanh nhất từ 60.000-90.000 đồng/kg, gà ta từ 130.000 lên 160.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá gà tăng nhanh là do gà thải loại Trung Quốc đang khan hàng. Một tháng gần đây, cơ quan chức năng làm gắt gao nên gà lậu không vào được Hà Nội khiến giá gà nội địa tăng cao. 

Dự kiến đến Tết Nguyên đán, giá gà sẽ vẫn tăng thêm 5-7%. Tuy nhiên sẽ không khan hiếm gà vì các thương lái sẽ nhập gà từ miền Nam ra miền Bắc, nơi có nhiều trang trại chăn nuôi lớn. UBND tỉnh Bắc Giang và UBND TP Hà Nội cũng vừa ký kết hợp tác cung cấp gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Để quản lý về chất lượng, tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ tiến hành kiểm tra giám sát chất lượng, kiểm dịch; gắn tem nhãn mang thương hiệu "Gà đồi Yên Thế". Các điểm bán, quầy lưu động, các xe vận chuyển… đều gắn thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" để tăng cường quản lý nhãn hiệu hàng hóa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét