Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng “nâu” sang “xanh”


Tích cực, hiệu quả

Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 dây chuyền sản xuất xi măng (SXXM) thuộc 4 doanh nghiệp (DN) (Cẩm Phả, Hạ Long, Thăng Long, Lam Thạch), tổng công suất thiết kế 7,552 triệu tấn và 5 nhà máy nhiệt điện (Uông Bí, Cẩm Phả, Quảng Ninh, Cái Lân – Vinashin, Mạo Khê tổ máy 1). Theo các quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 2 dây chuyền SXXM là Thăng Long II và Hạ Long II; mở rộng thêm 3 nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh II, Cẩm Phả III, Uông Bí MRIII; xây dựng mới thêm 3 nhà máy nhiệt điện Mông Dương, Yên Hưng, Mạo Khê.

Đoàn công tác của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh giám sát thực hiện pháp luật BVMT tại Công ty CP Xi măng Cẩm Phả, tháng 9-2012.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh giám sát thực hiện pháp luật BVMT tại Công ty CP Xi măng Cẩm Phả, tháng 9-2012.

Như vậy, cùng với việc sản xuất, khai thác than quy mô lớn, việc tăng nhanh SXXM, nhiệt điện đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, nhưng cũng phát sinh thêm nhiều vấn đề về ANTT, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là về môi trường (MT) đòi hỏi phải tăng cường quản lý nhà nước một cách chặt chẽ để bảo đảm phát triển bền vững.

Thời gian qua, việc thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các nhà máy trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả. Đến nay, 9 đơn vị SXXM, nhiệt điện với các dự án đã đi vào hoạt động đã lập báo cáo đánh giá tác động MT, đề án BVMT, được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Hầu hết các đơn vị đã thực hiện trách nhiệm đăng ký với Sở TNMT cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và bố trí khu vực an toàn để lưu giữ chất thải nguy hại. Hoạt động quan trắc, theo dõi diễn biến hiện trạng MT được Sở TNMT thực hiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, gồm 71 điểm MT nước, 51 điểm MT không khí, tần suất quan trắc 4 lần/năm. Các cơ quan chức năng thường xuyên thanh, kiểm tra, giải quyết kiến nghị cử tri theo yêu cầu của HĐND tỉnh; tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước và các biện pháp BVMT. Qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm trong công tác BVMT ở các đơn vị, yêu cầu các DN khắc phục sự cố gây ô nhiễm, áp dụng nhiều biện pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Những điểm cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện pháp luật BVMT trong lĩnh vực SXXM, nhiệt điện trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Hầu hết các đơn vị SXXM chưa lập dự án cải tạo, phục hồi MT khi kết thúc khai thác, do đó chưa thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi MT đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Một số đơn vị đã thay đổi công nghệ sản xuất; chất lượng xây dựng, lắp đặt thiết bị không đảm bảo yêu cầu hoặc tăng công suất hoạt động so với thiết kế, nhưng không lập lại báo cáo đánh giá tác động MT. Nhiều đơn vị đã vận hành dây chuyền sản xuất, trong khi chưa hoàn thành các biện pháp, các hạng mục công trình BVMT theo thiết kế hoặc các hạng mục này không bảo đảm yêu cầu. Nhiều đơn vị chưa đảm bảo duy trì vận hành các thiết bị, công trình biện pháp BVMT trong SXKD; chưa nghiêm túc dừng hoạt động, thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả khi xảy ra sự cố; việc quản lý chất thải nguy hại chưa đảm bảo đúng quy định; việc quan trắc MT định kỳ và quan trắc MT khi xảy ra sự cố, thực hiện nộp phí nước thải và khí thải công nghiệp chưa tốt…

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND khoá XII vừa qua, Ban Kinh tế và Ngân sách tỉnh đã có báo cáo kết quả giám sát công tác thực hiện pháp luật BVMT trong các lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh. Qua đó, có một số đề xuất kiến nghị: HĐND tỉnh xem xét, kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành có liên quan đánh giá lại quy hoạch phát triển sản xuất nhiệt điện tại tỉnh trên cơ sở đánh giá tổng thể về các nguồn gây ô nhiễm MT, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển các nhà máy nhiệt điện theo hướng dịch chuyển về khu vực các huyện vùng sâu, vùng xa để phù hợp với khả năng chịu tải của MT, hạn chế ảnh hưởng đến cảnh quan và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của tỉnh; điều chỉnh quy hoạch phát triển SXXM theo hướng không đầu tư xây dựng thêm các dây chuyền trên địa bàn…

UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng và đảm bảo thực hiện đúng các quy định về quản lý, BVMT. Yêu cầu các DN thực hiện đầy đủ các quy định thủ tục pháp lý về BVMT trong hoạt động SXKD; quản lý chặt chẽ các nguồn chất thải nguy hại; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy trình xử lý của các cơ sở đã được cấp phép xả thải và chủ nguồn chất thải nguy hại… Cần phân kỳ đầu tư hợp lý dự án quan trắc tự động ô nhiễm MT tỉnh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh từ "nâu" sang "xanh", phát triển bền vững.

Trung Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét