Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

“Ốc đảo” ở thị xã


Theo gia đình di dân đến thôn Quỳnh Mai (khu Quỳnh Phú, phường Minh Thành, TX Quảng Yên) từ năm 15 tuổi, đến nay "cô bé" Vũ Thị Lan ngày ấy đã qua cái tuổi "cổ lai hy"… Thế nhưng, như bà nói, trong khi các khu dân cư khác đổi mới đi lên từng ngày, thì ở đây hơn 50 năm nay cuộc sống của gia đình bà và 24 hộ dân khác vẫn không khác là mấy, vẫn là cảnh đèn dầu leo lét và những mảnh vườn cằn khô. Quỳnh Mai chẳng khác gì một "ốc đảo" ở thị xã…

Bà Vũ Thị Lan vừa bế cháu ngoại vừa kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống khó khăn của người dân thôn Quỳnh Mai...
Bà Vũ Thị Lan vừa bế cháu ngoại vừa kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống khó khăn của người dân thôn Quỳnh Mai…

Xóm sở hữu nhiều cái "không" nhất

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, bà Lan vừa dỗ đứa cháu ngoại vừa kể: "Tôi theo bố mẹ ra đây đã hơn 50 năm. So với trước, bây giờ không còn đói nữa. Nhưng vẫn nhiều khốn khó lắm. Thôn này không có điện, nước nên cuộc sống không được như các nơi khác đâu cháu à! Tối đến, mọi sinh hoạt chủ yếu đều dựa vào chiếc đèn dầu. Một số gia đình có điều kiện thì dùng bình ắc quy, nhưng cũng chỉ đủ cung cấp điện cho những thiết bị ít tiêu tốn điện năng nhất. Và tất nhiên, mấy thứ "xa xỉ" như tivi, nồi cơm điện, bình nóng lạnh v.v.. thì đừng nói đến, không hề xuất hiện nơi xóm nhỏ này. Trẻ con ở đây rành rẽ con cua, con cá, nhưng nói đến phim hoạt hình thì chả đứa nào hình dung ra. Mùa hè nóng bức không ngủ được, cả xóm chỉ có một thú vui là ra bờ đê ngồi tán gẫu, chán thì về nhà đi ngủ… Thế thôi, chứ biết làm trò gì khác đâu cháu!".

Bà Lan còn bảo: Bà đã sống gần hết cả cuộc đời của mình ở nơi đây rồi, chỉ mong một ngày xóm có điện để bọn trẻ học hành đỡ vất vả. Từ đây ra khu Yên Lập, chỉ cách chưa đầy 1km mà mọi người như sống ở một nơi xa xôi, hẻo lánh, chẳng khác gì một cái "ốc đảo"… Rồi bà dẫn tôi ra mảnh vườn cằn cỗi, không có nước ăn nên vườn tược cũng trơ trụi. "- Già cả, ở nhà nhiều khi buồn, chả biết làm gì cho hết ngày, muốn trồng cây rau, củ gì thì đến nước sinh hoạt còn phải tiết kiệm, lấy đâu nước tưới cây…". Bà Lan thở dài.

Trò chuyện thêm với những người dân khác trong thôn, chúng tôi được biết: Quỳnh Mai là thôn được hình thành từ các gia đình đi xây dựng kinh tế mới từ năm 1961. Trong đó, đa phần là những hộ thuộc diện nghèo đói và không nghề nghiệp. Khi chuyển về đây, bà con mới tham gia vào HTX Quỳnh Phú chuyên sản xuất muối. Năm 2000, sau sự kiện vỡ đê thì HTX giải thể, người dân trong xóm phải đi làm thuê, hoặc đánh bắt thuỷ sản. Cuộc sống mưu sinh càng trở nên vất vả và thiếu thốn khi Quỳnh Mai là xóm sở hữu nhiều cái "không" nhất của thị xã Quảng Yên: Không điện, không trường, không trạm xá, không nước sạch, không ruộng, không nghề nghiệp, không một mô hình kinh tế nào được triển khai ở nơi đây… Từ những "cái không" ấy đã kéo theo bao nhiêu hệ lụy cho cuộc sống hàng ngày của bà con. 25 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu, nhưng có đến hơn 1/2 dân số khu vực này rơi vào tình trạng mù chữ. Vì vậy, có việc gì liên quan đến giấy tờ mọi người lại phải nhờ cán bộ xã hướng dẫn rồi điểm chỉ thay cho ký tên…

Thiếu nước nên cây cối trong các khu vườn ở thôn Quỳnh Mai nhà nào cũng cằn cỗi...
Thiếu nước nên cây cối trong các khu vườn ở thôn Quỳnh Mai nhà nào cũng cằn cỗi…

Mỏi mòn chờ điện, nước

Ông Vũ Đình Hồng, một chủ hộ dân ở thôn Quỳnh Mai, nói: "Ngày xưa các cụ bảo "gạo ăn đong", còn dân Quỳnh Mai bây giờ còn "ăn đong" cả nước nữa cơ cô à!".

Hỏi ra mới biết, ở đây không có công trình nước sạch, nước giếng thì lờ lợ, không dùng làm nước ăn được nên phải mua. Nhưng mua được nước không những đắt đỏ mà còn rất khó khăn. Cộng thêm vào cái khó do thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt là việc thiếu các công trình hạ tầng nông thôn, và vốn để phát triển sản xuất, cải tạo ruộng đất… Từ đó, Quỳnh Mai càng nghèo khó hơn. "- Gần đây khi nghe tin có dự án đưa điện về thôn, mọi người khấp khởi mừng. Nhưng nghe bảo dự án tạm dừng triển khai nên ai cũng buồn" – Ông Hồng nói thêm.

Đem những chuyện này ra trao đổi với ông Nguyễn Đình Khanh, Phó Chủ tịch phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, ông Khanh cho biết: "Mặc dù biết cuộc sống của người dân nơi đây còn thiếu thốn đủ đường, nhưng địa phương không có đủ kinh phí để đầu tư. Năm 2004, phường cũng có ý định vận động người dân cùng đóng góp để kéo điện từ trạm điện Yên Lập về nhưng do khoảng cách quá xa (hơn 4km đường dây hạ thế), tính ra mỗi hộ phải đóng tới 2 triệu đồng… Đây là số tiền quá lớn so với mức thu nhập của bà con nghèo ở đây nên dự án chưa thực hiện được. Hiện nay tỉnh và ngành điện đang đầu tư cho xóm Quỳnh Mai theo chương trình lưới điện nông thôn giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư gần 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm này công việc đang gặp vướng mắc do một số chân cột nằm trên chân đê Bình Hương, vậy nên dự án phải tạm ngừng triển khai…".

Để làm rõ chuyện này, chúng tôi quay về làm việc với Điện lực Quảng Yên. Ông Bùi Thiết Cường, Giám đốc Điện lực Quảng Yên trả lời: "Ngày 26-11 vừa qua, UBND thị xã Quảng Yên đã ra văn bản đình chỉ việc thi công lắp cột điện và yêu cầu nhà thầu làm thủ tục cấp phép xây dựng. Nguyên nhân là do đơn vị thi công đã xây dựng móng cột trên thân đê Bình Hương, vi phạm quy định bảo vệ đê điều. Đến đầu tháng 12 vừa qua, Sở Công thương, UBND thị xã Quảng Yên, Điện lực Quảng Yên, đơn vị thi công cùng Ban quản lý đê Bình Hương đã tổ chức họp cùng tháo gỡ vướng mắc. Sau khi kiểm tra thực địa, UBND thị xã Quảng Yên đã đồng ý theo phương án thi công và mặt bằng hướng tuyến đã được phê duyệt trước đó… Và hiện nay mọi chuyện đã được giải quyết; nhà thầu đã tiếp tục thi công trở lại các hạng mục khác. Hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ và bà con thôn Quỳnh Mai sẽ có điện kịp đón Tết Nguyên đán 2013…

Chia tay những người dân thôn Quỳnh Mai trở về, trong lòng chúng tôi cứ buồn vui lẫn lộn. Vui vì dẫu sao muộn vẫn còn hơn không, Quỳnh Mai rồi sẽ hết cảnh đèn dầu trong nay mai. Thế nhưng, vẫn thấy buồn bởi những "cái không" còn lại thì bao giờ Quỳnh Mai mới hết? Chẳng lẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới đang rất rầm rộ ở khắp mọi miền trong tỉnh và trên cả nước hôm nay mà ngay tại một thị xã lại có khu dân cư vẫn như… "ốc đảo" thế sao?

Hoàng Nga



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét