Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Vượt qua thách thức nhờ chủ động ứng phó


Bước vào năm Nhâm Thìn 2012, cũng như các tỉnh, thành khác, công tác dân số – KHHGĐ (DS – KHHGĐ) của Quảng Ninh đứng trước một thách thức; đó là tâm lý thích sinh con trong năm được coi là năm "Rồng vàng" này. Với tâm lý chung ấy, nguy cơ gia tăng mức sinh, sự mất cân bằng giới tính trong số trẻ sinh ra, rồi tốc độ già hoá dân số nhanh v.v. là rất đáng lo ngại.

Màn chào hỏi của Đoàn Quảng Ninh tại Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc. Ảnh: Tư liệu
Màn chào hỏi của Đoàn Quảng Ninh tại Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác DS – KHHGĐ trong toàn tỉnh, bài toán tổng hợp về công tác dân số đã, đang dần được giải quyết. Theo thông báo của Cục Thống kê tỉnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ cả năm 2012 của ngành ước tính đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch…

Năm Nhâm Thìn – 2012 là một "năm đẹp", ngay từ cuối năm 2011, đầu năm 2012, nhiều cặp vợ chồng đã có kế hoạch sinh con; không những thế, tâm lý chung là thích sinh con trai trong năm nay. Vợ chồng anh H ở tổ 9, khu 9, phường Hồng Hà, TP Hạ Long là một ví dụ điển hình. Mặc dù khi mới sinh cô con gái đầu, anh chị có kế hoạch là 5 năm nữa mới sinh con thứ 2. Thế nhưng khi con gái chưa đủ tuổi đi mẫu giáo, vì năm nay là năm "Rồng vàng" nên vợ chồng anh vẫn quyết định lên kế hoạch sinh con thứ hai. Hàng ngày, vợ anh H phải duy trì chế độ ăn uống đặc biệt và thường xuyên đi "canh trứng" cốt để sinh được "quý tử Rồng vàng"…

Có thể nói, đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp "khát" con trai trong số các cặp vợ chồng muốn sinh con năm Nhâm Thìn 2012. Chính vì vậy, năm 2012 được dự đoán là năm sẽ có đột biến trong tỷ suất sinh và chênh lệch giới tính khi sinh. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: "Ngay từ năm 2011, những khó khăn này đã được ngành DS-KHHGĐ dự báo và sẵn sàng có biện pháp ứng phó. Chi cục đã chỉ đạo tổ chức nhiều đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến trên 300 lượt xã, phường, thị trấn trong tỉnh; tổ chức đa dạng các hoạt động truyền thông – giáo dục, tuyên truyền lồng ghép nội dung công tác DS – KHHGĐ đến cộng đồng dân cư… Bước sang năm 2012, ngay từ đầu năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai tuyên truyền, vận động giảm mức sinh, giảm sự chênh lệch giới tính khi sinh và nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số. Chi cục đã có nhiều văn bản hướng dẫn các trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông đến cộng đồng dân cư. Đồng thời tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh về chiến lược chăm sóc sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ năm 2012 cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác trong công tác DS-KHHGĐ".

Trong công tác truyền thông, giáo dục, các nội dung tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về công tác DS-KHHGĐ; chăm sóc sức khoẻ sinh sản; các mô hình nâng cao chất lượng dân số… được ngành Dân số triển khai trên khắp các địa phương trong tỉnh. Thông qua các chiến dịch tăng cường dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các xã, phường, thị trấn, đến nay 70% số phụ nữ khám phát hiện bệnh thông thường được điều trị; 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hiểu biết cơ bản về KHHGĐ, làm mẹ an toàn và phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản… Nếu như trước đây, công tác DS-KHHGĐ chủ yếu tập trung vào giảm sinh thì ở giai đoạn này ngành Dân số đã có những giải pháp đồng bộ về các vấn đề dân số ở cả quy mô, cơ cấu, chất lượng và quản lý dân cư.

Ban tổ chức trao tặng phần thưởng cho các đơn vị đạt danh hiệu Hội thi giao lưu chăm sóc sức khoẻ sinh sản VTN/TN. Ảnh: Tư liệu.
Ban tổ chức trao tặng phần thưởng cho các đơn vị đạt giải tại Hội thi giao lưu chăm sóc sức khoẻ sinh sản VTN/TN. Ảnh: Tư liệu.

Trong công tác DS-KHHGĐ, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai thử nghiệm và từng bước mở rộng tại các huyện, thị xã và thành phố như: Mô hình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; mô hình kiểm tra và tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân; mô hình nâng cao chất lượng người dân tộc thiểu số; mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; mô hình tư vấn, chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ mang thai, hỗ trợ khi sinh và sau sinh; mô hình hỗ trợ phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn; mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh… Mục đích chính của các mô hình này là nhằm nâng cao sức khoẻ cả về thể chất cũng như tinh thần cộng đồng dân cư trong tỉnh, đặc biệt là các đối tượng cần được quan tâm như: Vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người cao tuổi; từng bước quan tâm hơn nữa đến sức khoẻ nhân dân ở những vùng núi cao, nơi tập chung nhiều người dân tộc thiểu số và các đối tượng đặc thù khác. Việc triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về công tác DS-KHHGĐ, góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh – quốc phòng, phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội của tỉnh.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2012, ngành Dân số tỉnh đã tiếp tục kiểm soát được tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, từng bước giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh… Theo ước tính, năm 2012, ngành DS-KHHGĐ tỉnh đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm: Tỷ suất sinh giảm 0,2%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,2 phần nghìn  so với năm 2011; tỷ số giới tính khi sinh là 115? tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 80%, trong đó tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72,8%…

Phương Thuý



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét