Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Công an tỉnh Lào Cai: Quyết liệt ngăn chặn buôn bán trái phép công ...


Mua dao, súng dễ như… bánh mì

Không quá sôi động như các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), điểm nóng buôn lậu ở Lào Cai là tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Chỉ cần làm giấy thông hành, đi qua cửa khẩu Cốc Lếu sang Hà Khẩu (Trung Quốc), các công cụ hỗ trợ như dao, kiếm, súng, dùi cui điện, bình xịt hơi cay… được bày bán công khai, mua bán rất dễ dàng, với mức giá tương đối rẻ (gậy sắt từ 200-300 ngàn, dao găm 500 ngàn, bình xịt hơi cay 600 ngàn, súng bắn điện 1 triệu, súng bắn ga đạn bi sắt từ 4-6 triệu…). Tính sát thương của những hung khí này rất mạnh, thậm chí có thể gây chết người. Khi đưa trót lọt qua cửa khẩu, những hung khí trên sẽ được các đầu nậu tìm cách vận chuyển về xuôi tiêu thụ với mức giá cao hơn từ 1,5-2 lần. 

Cửa khẩu Cốc Lếu sáng thứ 7 nhộn nhịp hơn thường ngày. Những cư dân biên giới, khách du lịch, tới đội ngũ cửu vạn chuyên khuân vác đi lại tấp nập. Một vài chuyến hàng thông quan chính ngạch vẫn đang nằm chờ ở cửa khẩu đợi làm thủ tục, đám cửu vạn vẫn kiên nhẫn ngồi đợi bên rệ đường. Hoạt động buôn lậu chỉ thực sự bắt đầu khi màn đêm buông xuống. Con sông Nậm Thi mùa này nước cạn, có thể lội qua sông. Nhiều người dân ở khu vực biên giới được các đầu nậu thuê vận chuyển hàng hóa qua sông vào lúc nửa đêm để tránh lực lượng chức năng.

Số tang vật công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ do lực lượng chức năng thu giữ.

Thượng tá Trần Văn Trường – Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (Công an tỉnh Lào Cai) cho biết: "Lợi dụng chính sách ưu đãi dành cho cư dân biên giới theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ, các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ qua sông Hồng, sông Nậm Thi vào Việt Nam hoặc xé lẻ hàng hóa rồi thuê cư dân biên giới vận chuyển qua cửa khẩu vào Việt Nam, sau đó thu gom lại, hợp thức hóa thủ tục rồi đưa về xuôi tiêu thụ bằng đường bộ, đường sắt. Việc giám sát hoạt động buôn lậu gặp không ít khó khăn do Lào Cai có đường biên dài, bên cạnh các cửa khẩu chính còn có nhiều đường mòn, lối mở, việc qua lại biên giới trái phép rất khó kiểm soát…

Phối hợp ngăn chặn ngay tại cửa khẩu

Để đảm bảo công cụ hỗ trợ không bị thẩm lậu về xuôi, lực lượng Công an tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các đơn vị khác như Hải quan, Biên phòng, Quản lí thị trường… lập các tổ, trạm kiểm soát đặc biệt tại cửa khẩu, cũng như thường xuyên kiểm tra lưu động để phát hiện, xử lí kịp thời các vụ mua bán, vận chuyển. Sau một đêm cùng đồng đội thực hiện đợt ra quân trấn áp tội phạm, Đại úy Trần Văn Quang – Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV và môi trường (Công an TP Lào Cai) tỏ chút mệt mỏi. Quản lí địa bàn có cửa khẩu quốc tế Cốc Lếu, từ nhiều ngày nay, anh cùng cán bộ, chiến sĩ trong đội liên tục phải thức trắng đêm để tuần tra, theo dõi hoạt động của các đối tượng buôn lậu.

Đại úy Quang cho hay: "Hằng ngày có hàng ngàn khách du lịch làm thủ tục thông hành sang Trung Quốc thăm quan, mua sắm. Không ít trong số đó được các đầu nậu thuê vận chuyển công cụ hỗ trợ hoặc mua dao, súng chỉ vì nghĩ đó là "đồ chơi", không phải vũ khí".

Đối tượng Tô Quang Khánh bị tạm giữ vì hành vi mua bán, vận chuyển pháo lậu.

18h ngày 17/12, Phòng Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Lào Cai) đã bắt giữ vụ vận chuyển trái phép công cụ hỗ trợ nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Số tang vật gồm: 4 súng bắn điện đạn hơi cay; 3 súng bắn tia điện; 2 dùi cui điện; 2 súng bắn đạn bi sắt nạp ga, 2 bình ga, 38 viên đạn hơi cay, 9 cục pin nạp súng bắn điện. Đối tượng là Nguyễn Thị Thủy, 45 tuổi, trú tại số nhà 18, tổ 4, phường Duyên Hải (TP Lào Cai).

Ngày 19/12, Công an phường Phố Mới phối hợp cùng Công an TP Lào Cai thu giữ 7 gậy sắt, 5 gậy điện, 2 súng bắn điện, 7 viên đạn, 20 dao bấm, 80 dao gấp, 7 dùi cui điện, 3 kiếm, 2 công cụ kích dục. Đối tượng là Hoàng Thị Thuận, 31 tuổi.

Trong năm 2012, lực lượng chức năng Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ, xử lí 64 vụ buôn lậu (giảm 20 vụ so với năm 2011 nhưng trị giá hàng hóa thu giữ lại tăng lên), trị giá hàng hóa thu giữ khoảng 4,2 tỉ đồng (kể cả hàng hóa phải tiêu hủy). Trong đó, riêng Phòng Cảnh sát kinh tế đã bắt giữ, xử lí 46 vụ, khởi tố 5 vụ với 7 bị can. Riêng về công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, Phòng Cảnh sát kinh tế đã thu giữ 111 dao kiếm các loại, 7 đao sắt, 4 dùi cui sắt, 48 bình xịt hơi cay, 43 dùi cui điện, 4 súng bắn điện, 10 súng bắn đạn bi, 34 gậy sắt, 1 côn sắt…

Theo Thượng tá Trần Văn Trường, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, hiện nay khung hình phạt cho hành vi mua bán, vận chuyển trái phép công cụ hỗ trợ vẫn chưa đủ sức răn đe, vì vậy không ít người sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt. Khi khung hình phạt còn quá nhẹ, công tác đấu tranh của lực lượng chức năng sẽ còn dai dẳng, phức tạp. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét