Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân


Nhiều đổi thay tích cực

Quảng Ninh có 112 xã, phường thuộc vùng miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số (54 xã khó khăn, 21 xã đặc biệt khó khăn, 4 xã vùng bãi ngang, ven biển); đường biên giới đất liền giáp Trung Quốc dài 118,825km, có 10 xã (gồm 34 thôn, bản) và 7 phường giáp biên giới. Tỉnh có 21 thành phần dân tộc thiểu số (143.278 người, chiếm 12,52% dân số toàn tỉnh), cư trú trên địa bàn rộng lớn (hơn 85% diện tích tỉnh). Vị trí địa lý của các vùng miền bị chia cắt, giao thông không thuận tiện, dân cư thưa thớt, tập quán sản xuất canh tác lạc hậu, ứng dụng KHKT còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội thiếu đồng bộ…

Trước thực trạng đó, những năm qua tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng miền núi, biên giới, biển đảo, dân tộc thiểu số một cách chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại nhiều kết quả khả quan. Cùng với các chính sách của T.Ư, tỉnh đã ban hành thêm nhiều chính sách đặc thù khá toàn diện đối với vùng khó khăn, nhất là cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới… Nhờ đó người dân đời sống từng bước được nâng lên, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh biên giới, trật tự, an toàn xã hội.

Thi công tuyến đường Tiên Yên - Hoành Mô, đoạn qua thôn Chang Nà, xã Tình Húc (Bình Liêu).
Thi công tuyến đường Tiên Yên – Hoành Mô, đoạn qua thôn Chang Nà, xã Tình Húc (Bình Liêu).

Đến nay, vùng miền núi, biên giới, biển đảo, dân tộc thiểu số của tỉnh đã có nhiều đổi mới: Hệ thống kết cấu hạ tầng các xã cơ bản được đầu tư; chuyển đổi cơ cấu sản xuất tích cực; năng suất, sản lượng vật nuôi, cây trồng được tăng cao. Một số mục tiêu, chỉ tiêu đạt khá cao: 100% số xã đất liền có đường ô tô cứng hoá đến trung tâm xã; 100% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 90% số hộ dân ở các xã nghèo được sử dụng điện lưới quốc gia; 86% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giữ vững kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm; 9/30 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn II. Đáng phấn khởi là người dân ở vùng miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số, đời sống ngày càng được cải thiện, yên tâm gắn bó, tích cực tham gia xây dựng, phát triển, gìn giữ, bảo vệ vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Những điểm cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc thực hiện các chính sách của T.Ư và tỉnh tại vùng miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn một số hạn chế. Đó là, có nơi, có lúc còn tình trạng chậm ban hành hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện chính sách; rà soát đối tượng thuộc diện chưa kỹ; phối hợp tổ chức thực hiện giữa các đơn vị liên quan chưa nhịp nhàng. Cơ sở hạ tầng tại một số thôn bản chưa đồng bộ, hệ thống thuỷ lợi còn khó khăn; chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, ứng dụng KHKT vào sản xuất mức độ, năng suất, vật nuôi cây trồng chưa cao; các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn ít, tiêu thụ khó khăn, thu nhập người dân chưa được cải thiện; xây dựng mô hình sản xuất chưa đạt kế hoạch, việc nhân rộng mô hình sản xuất còn khó khăn, tính liên kết vùng còn mức độ… Đội ngũ cán bộ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế về năng lực và trình độ. Công tác rà soát, đánh giá và bình xét hộ nghèo còn khó khăn, thoát nghèo có nơi chưa bền vững, còn tình trạng tái nghèo. Do xuất phát điểm thấp, các xã vùng khó, nhất là xã đặc biệt khó khăn, đến nay mới đạt 20-25% tiêu chí xã nông thôn mới…

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND khoá XII vừa qua, Ban VHXH HĐND tỉnh đã có báo cáo kết quả giám sát thực hiện công tác này trên địa tỉnh. Qua đó, đã có một số đề xuất kiến nghị: Tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc vùng miền núi, biên giới, biển đảo. Trong quá trình thực hiện, cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn mới. UBND tỉnh cần đề xuất Chính phủ ưu tiên cấp vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực biên giới; thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2012-2015; chỉ đạo các cơ quan địa phương tổ chức triển khai kịp thời các chính sách theo quy định, thanh, kiểm tra việc thực hiện các chính sách hiện hành; có chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại vùng miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số… Đối với chương trình xây dựng NTM, cần rà soát toàn diện các tiêu chí để điều chỉnh, tập trung thực hiện cho phù hợp…

UBND các địa phương cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh; khắc phục tính ỷ lại, khuyến khích tính tự giác vươn lên thoát nghèo của người dân; chủ động bố trí nguồn lực của địa phương và huy động tham gia tích cực của tổ chức, cá nhân để đầu tư hỗ trợ vùng này phát triển; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, bảo vệ ANTT, an ninh biên giới; rà soát, thống kê, thực hiện chính sách; thường xuyên kiểm tra, phát hiện các vướng mắc để kịp thời tháo gỡ và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trung Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét