Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Chân dung 'nữ quái' kiếm 7 tỷ đồng bằng một cuộc gọi



Lợi dụng các mối quan hệ quen biết, Tuân đưa ra mức lãi suất khủng, dùng tên giả để dụ “con mồi” vào bẫy. Thậm chí có người còn đưa cho chị này hơn 7 tỷ đồng chỉ bằng một cú điện thoại.

Có hơn 7 tỷ đồng chỉ bằng 1 cú điện thoại

Mới đây, Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Nghệ An (PC46) phối hợp cùng các đơn vị liên quan và Công an TP. Hà Nội bắt giữ Mai Thị Tuân (SN 1971, tên thường gọi là Hà), trú tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuân bị bắt khi đang ẩn náu tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Quá trình lừa đảo, phạm tội của Mai Thị Tuân vẫn là chiêu bài cũ như những đối tượng khác đã làm, nhưng vì sự nhẹ dạ, cả tin nên nhiều nạn nhân vẫn sập bẫy "siêu lừa" này. Cụ thể là Tuân lợi dụng các mối quen biết của mình, sử dụng "chiêu" lãi suất "khủng" chỉ trong thời gian vay ngắn để thực hiện mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Khi đi ra ngoại tỉnh, nữ quái này không dùng tên thật của mình mà dùng tên giả, khoe khoang mình quen nhiều quan lớn, có thể mua được hàng giá rẻ để huy động vốn rồi trốn biệt tăm.

Công an đang lấy lời khai của “nữ quái” lừa đảo Mai Thị Tuân.

Theo đó, trong thời gian phòng PC46 đang điều tra đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia thì nhận được đơn trình báo của các nạn nhân về việc họ bị một người phụ nữ tên là Mai Thị Tuân có liên quan đến đường dây này lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Một trong số những nạn nhân mắc phải chiêu lừa của nữ quái này là ông Trần Văn Bùi (60 tuổi), trú tại xã Diễn Hồng.

Theo trình bày của ông Bùi, vào ngày 20/8, ông có nhận được điện thoại của Mai Thị Tuân – người hàng xóm, đồng thời cũng là người trước đây thường xuyên chung vốn làm ăn với ông. Qua điện thoại, Tuân cho biết có một lô hàng sừng tê giác do Cục cảnh sát kinh tế (C46 Bộ Công an) bán thanh lý và Tuân là người được mua chỉ định. Trị giá lô hàng là rất lớn, hiện đang còn thiếu 8 tỷ đồng, nên đề nghị ông Bùi góp vốn để mua với lời hứa sau 3 ngày sẽ trả lại tiền gốc cùng 500 triệu đồng tiền lãi.

Vốn là người cùng xã lại thấy dễ kiếm tiền nên ông Bùi lập tức đồng ý. Tuy nhiên do trong nhà không đủ 8 tỷ đồng nên ông đã đề nghị em trai là Trần Văn Ngận, trú cùng xã góp chung. Ông Ngận sau đó cũng chấp thuận góp vào 3 tỷ đồng. Thấy vẫn còn thiếu tiền, ông Ngận lại giới thiệu thêm bạn hàng là ông Trịnh Xuân Diên, trú ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) góp thêm 3 tỷ đồng nữa.

Ngay trong ngày hôm đó ông Ngận đưa cho con trai 3 tỷ đồng để chuyển vào tài khoản Ngân hàng BIDV, chủ tài khoản là Lê Quốc Hân. Tài khoản này mở tại Ngân hàng BIDV chi nhánh TP. Móng Cái (Quảng Ninh). Dù không biết anh Hân là ai nhưng theo yêu cầu của Tuân, ông Ngận vẫn chuyển số tiền này. Tiếp đó, bạn của ông Ngận là ông Diên vì không có tiền mặt nên đã vay một người bạn ở TP. Vinh và nhờ anh này chuyển số tiền 3 tỷ đồng cũng vào tài khoản của người đứng tên là Lê Quốc Hân.

Về phần mình, ông Bùi cũng tự xoay số tiền còn lại bằng cách vay của chị Lê Thị Hoài Thương ở huyện Quỳnh Lưu 1 tỷ đồng, rồi nhờ chị này chuyển vào tài khoản Ngân hàng nông nghiệp (Agribank) mang tên Nguyễn Bình Dân, ở Quảng Ninh theo yêu cầu của Tuân. Trước đó, đích thân ông Bùi đã chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản của Mai Thị Tuân ở Ngân hàng Vietinbank.

Tổng cộng, trong hai ngày 20 và 21/8, ba ông Trần Văn Bùi, Trần Văn Ngận, Trịnh Xuân Diên và một số cá nhân khác đã chuyển cho Mai Thị Tuân số tiền là 7,4 tỷ đồng. Tất cả đều chỉ qua một cú điện thoại của Tuân và lô hàng sừng tê giác trên "miệng". Thật không ngờ, sau khi nhận được tiền, người đàn bà ma mãnh này đã cao chạy xa bay, khiến các nạn nhân chạy cuống cuồng, gọi điện thoại nhiều lần nhưng không được, cuối cùng phải cầu cứu cơ quan công an.

Lừa đảo xuyên quốc gia

Sau khi nhận được thông tin, Phòng PC46, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo của Mai Thị Tuân. Quá trình điều tra cho thấy, tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, chủ tài khoản BIDV có số 44410000039850 là Lê Quốc Hân (SN 1966), quê ở Hải Phòng, hiện đang là Phó Giám đốc Công ty CP taxi Móng Cái.

Anh Hân cho biết, qua làm ăn anh có quan hệ quen biết với chị Hà (còn gọi là Hà béo), dù không biết tên thật và địa chỉ cụ thể nhưng thấy chị này thường xuyên ở TP. Móng Cái nên vào tháng 6 và 7/2012, chị Hà bảo đang buôn bán bất động sản, cần tiền nên anh đã cho Hà vay 3 lần với số tiền 6 tỷ đồng, lãi suất 15%/năm.

Sau đó, nghe dư luận bảo Hà đang vay mượn của nhiều người nên anh đã quyết định đòi lại. Ngày 19/8, chị Hà điện thoại xin số tài khoản của Hân. Chiều 20/8, anh được cán bộ Ngân hàng BIDV thông báo có 6 tỷ đồng được chuyển vào, nghĩ là chị Hà trả nợ nên anh gọi thông báo đã nhận được tiền, sau đó rút ra để sử dụng vào mục đích cá nhân bình thường.

Chân dung người đàn bà khiến nhiều nạn nhân điên đảo, tan cửa nát nhà.

Chủ tài khoản Ngân hàng Agribank là anh Nguyễn Bình Dân cũng khai nhận có quen biết với Hà khi chị ta kinh doanh nhà nghỉ tại TP. Móng Cái. Ngày 21/8, chị Hà có điện thoại nhờ số tài khoản của anh để nhận tiền từ người nhà chuyển ra, vì lúc này chị ta không ở TP. Móng Cái.

Sau khi nhận được 1 tỷ từ Lê Thị Hoài Thương ở Quỳnh Lưu chuyển vào, anh Dân lại được Hà nhờ rút ra, đổi sang nhân dân tệ được 3 vạn và chuyển vào một tài khoản khác.

Đến nay, anh cũng không nhớ tài khoản mình đã chuyển 3 vạn nhân dân tệ này vào. Không chỉ có vậy, quá trình quen biết, trong thời gian từ tháng 5 đến ngày 29/8, chị Hà đã 7 lần vay anh với số tiền hơn 4 tỷ đồng, đồng thời không quên hứa sẽ trả sớm với lãi suất ngất ngưởng.

Thế nhưng, đến tháng 9/2012, qua quá trình tự tìm hiểu anh mới biết Hà là tên giả, thực chất chị Hà chính là Mai Thị Tuân, quê ở Nghệ An. Song cũng từ đó, anh bặt tin tức, không biết chị ta ở đâu để đòi lại số nợ này.

Riêng số tài khoản Vietinbank mang tên Mai Thị Tuân, hiện không còn tiền, số tiền 400 triệu đồng ông Bùi chuyển vào đã bị rút sạch.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, ngày 4/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự. Sau nhiều ngày truy tìm, cuối cùng tổ công tác của Phòng PC46, Công an Nghệ An đã phát hiện và bắt giữ Mai Thị Tuân khi siêu lừa đang ẩn náu tại nhà nghỉ Mai Anh, thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội).

Cũng từ đây, nhân thân của Mai Thị Tuân được làm rõ. Mai Thị Tuân có tên thường gọi là Hà, trú khối Bắc Hồng, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Gia đình có 7 anh em, Tuân là con thứ 3 trong nhà.

Vào năm 1992, Mai Thị Tuân lên Quỳ Hợp làm nghề đào đãi, buôn bán đá đỏ, quen và xây dựng gia đình với anh Hồ Minh T., trú huyện Nghĩa Đàn. Kết hôn xong, hai vợ chồng ra Lạng Sơn buôn bán trong suốt 15 năm, đến năm 2007 thì chuyển về định cư ở Diễn Hồng và làm nghề buôn bán phế liệu. Hiện hai người đã có với nhau 2 đứa con.

Sau đó, trong khi chồng con ở quê thì Tuân ra TP. Móng Cái (Quảng Ninh) kinh doanh buôn bán với các ngành nghề khác nhau như bất động sản, mộc và hàng động vật hoang dã. Để giao dịch, Tuân lấy tên là Hà. Suốt thời gian này, Tuân lợi dụng các mối quen biết của mình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người như đã nói ở trên. Nguồn tin từ cơ quan điều tra, hiện có rất nhiều nạn nhân của Mai Thị Tuân chưa đến trình báo, ước tính số tiền mà Tuân đã lừa đảo lên đến hàng chục tỷ đồng.

Qua vụ án này, Cơ quan CSĐT cũng khuyến cáo đến tất cả người dân, cần cảnh giác đối với các đối tượng này. Đừng vì hám lời mà chuyển tiền, cho vay mượn không có giấy tờ giao dịch, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, rất nhiều người đã sập bẫy lừa lãi suất cao với chiêu thức tương tự.

P . H

Theo Infonet

 

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét