Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Nghề công tác xã hội ở Quảng Ninh: Những ghi nhận ban đầu


Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 32) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010. Mục tiêu của đề án là xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên xã hội đạt yêu cầu về chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Quảng Ninh là một trong những địa phương được đánh giá là triển khai dự án phát triển nghề công tác xã hội khá tốt. Thế nhưng, với đặc điểm là tỉnh miền núi, địa hình rộng, chia cắt, nhiều dân tộc anh em sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều… đã khiến cho việc triển khai Đề án gặp không ít những khó khăn. Hiện nay, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, ở Quảng Ninh các chức năng của công tác xã hội chỉ được thực hiện trong vai trò là hoạt động nhân đạo, từ thiện và vận động xã hội ở một số cơ quan, đoàn thể  như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Nông dân… Trong khi đó, theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện toàn tỉnh đang có gần 20.000 đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp từ ngân sách, trên 2.600 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, gần 42.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tất cả đều có nhu cầu cần trợ giúp xã hội, cần được sử dụng các dịch vụ công tác xã hội để cải thiện cuộc sống.

Trước bối cảnh trên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ của công tác xã hội ngày càng lớn và mang tính chuyên nghiệp, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 nhằm phát triển và nâng cao tính chuyên nghiệp hoá nghề công tác xã hội một cách có hệ thống và khoa học, để có thể huy động nguồn lực của quốc gia, quốc tế và cộng đồng, đem lại hiệu quả cao của công tác xã hội. Điều đáng ghi nhận là năm 2012, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình thí điểm hệ thống công tác xã hội tại 3 địa bàn, đó là: Huyện Tiên Yên, TX Quảng Yên và TP Hạ Long. Theo đó, mỗi địa phương đã xây dựng được 1 văn phòng công tác xã hội cấp huyện, 2 văn phòng cấp xã và 1 văn phòng công tác xã hội trường học, với tổng số 75 cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm. Nhìn chung, các mô hình văn phòng công tác xã hội tuy mới hoạt động nhưng đã mang lại kết quả bước đầu. Tại TX Quảng Yên, ngoài mô hình văn phòng công tác xã hội cấp xã tại Hiệp Hoà, còn có mô hình văn phòng công tác xã hội tại xã Liên Hoà và văn phòng công tác xã hội tại Trường trung học cơ sở Trần Hưng Đạo. Từ ngày đi vào hoạt động, văn phòng công tác xã hội của trường đã trở thành nơi gặp gỡ giữa học sinh, giáo viên và cả phụ huynh học sinh cùng nhau trao đổi, tâm giao, tìm hiểu tâm lý của học sinh, giải toả nhiều vướng mắc trong đời sống học tập, góp phần tạo cho các em môi trường học tập tốt nhất.

Một điều rất dễ nhận thấy, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có một số cơ sở công lập có chức năng cung cấp một số dịch vụ xã hội cấp tỉnh như: Trung tâm bảo trợ xã hội có nhiệm vụ tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung những người già cô đơn và người tàn tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa, Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm nhiệm vụ tổ chức nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn. Trong khi đó, số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt có trên 2.600 trẻ, gần 42.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đa phần các em rất cần sự trợ giúp của đội ngũ công tác xã hội. Thế nhưng, trên địa bàn Quảng Ninh có rất ít hoạt động công tác xã hội và dịch vụ xã hội chuyên nghiệp được cung cấp tại cộng đồng. Mặt khác đội ngũ người tham gia vào các hoạt động xã hội và vận động xã hội cũng chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về công tác xã hội và các kiến thức liên quan. Vì vậy, Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh được thành lập và các văn phòng công tác xã hội cấp huyện, cấp xã, phường, trường học, bệnh viện ra đời là một giải pháp quan trọng và cần thiết để thực hiện an sinh xã hội, nhằm chuyên nghiệp hoá nghề công tác xã hội một cách có hệ thống và bài bản, đáp ứng nhu cầu phục vụ xã hội.

Có thể nói, nghề công tác xã hội đang ngày càng trở nên thiết thực và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, nhất là đối với Quảng Ninh, nơi có số đối tượng chính sách lớn, số người có nhu cầu hưởng dịch vụ xã hội chất lượng cao cũng không nhỏ. Bằng việc triển khai thực hiện Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề công tác xã hội là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng cung cấp các hoạt động bảo trợ xã hội ở Quảng Ninh một cách chuyên nghiệp hơn. Và đây sẽ là cầu nối với các ngành và dịch vụ xã hội khác, góp phần hoàn chỉnh hệ thống đảm bảo an sinh trên địa bàn.

Thu Nguyên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét