Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Thú nhún có chất độc, phụ huynh tá hỏa


Nhiều phụ huynh hoảng hốt trước thông tin thú nhún Trung Quốc bị thu hồi ở Singapore do có chất độc. Trước đó, họ vẫn thản nhiên mua thứ đồ chơi này cho chính con em mình, dù nghi ngờ không an toàn cho sức khỏe.

Sợ nhưng vẫn chủ quan

Chị Nguyễn Thị Dung (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thú nhún được làm theo hình con vật màu sắc sặc sỡ, ngồi lên cưỡi được nên trẻ rất thích. Con chị đã chơi hơn hai năm nay.

Lúc mua, chị Dung cũng nhìn kỹ mác đề nơi sản xuất và biết đó là hàng Trung Quốc, nhưng vẫn mua vì nghĩ rằng con sẽ rất thích và chỉ là đồ chơi, chứ không phải những vật tiếp xúc trực tiếp với cơ thể như quần áo, đồ ăn uống.

Thú nhún này là đồ chơi yêu thích của bé Bông hơn 2 năm nay.
Thú nhún này là đồ chơi yêu thích của bé Bông hơn 2 năm nay.

"Bé Bông nhà tôi chơi thú nhún suốt từ lúc một tuổi đến giờ, tôi cũng không không để ý về chuyện chơi thú nhún có bị làm sao không. Trẻ con thi thoảng nổi nốt ngứa là chuyện bình thường, tôi không nghĩ do loại đồ chơi này gây nên vì da cháu không tiếp xúc trực tiếp, còn một lớp quần nữa mà. Nếu có kết luận như vậy thì sợ quá", chị Dung nói.

Không chỉ ngồi, cưỡi, một số trẻ nhỏ còn ngậm miệng mút hai cái sừng của con thú.

“Phía đầu sừng hươu nó giống cái đầu ti nên lúc khoảng 1 – 2 tuổi bé My nhà tôi cứ ngậm miệng mút. Đến nay thì chưa có biểu hiện gì nhưng nếu có kết luận của cơ quan chức năng là có chất độc thì chắc tôi phải cho cháu đi khám. Từ nay tôi sẽ không cho cháu chơi nữa”, chị Nguyễn Thị Thu, (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng, nói.

Một số phụ huynh khác "sửng sốt" trước thông tin thứ đồ chơi chỉ ngồi lên chơi này mà lại ảnh hưởng đến trí não của trẻ.

"Loại này chỉ ngồi lên chơi thôi mà sao lại ảnh hưởng đến tâm thần của trẻ được. Nếu đúng là nó có tác hại như thế thì sợ quá! Cơ quan liên quan phải xác minh thông tin thật chính xác. Con trai tôi chơi loại đồ chơi này hơn 3 năm rồi", chị Nguyễn Thị Hoa, Đông Anh, Hà Nội lo lắng.

Không chỉ là đồ chơi phổ biến tại gia đình, thú nhún còn xuất hiện ở các trường mầm non. Và chính những người quản lý cũng không quan tâm chúng sản xuất ở đâu, ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào.

Bà Hoàng Thị Tám, Hiệu trưởng mầm non Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, trường bà đang có khoảng 3-4 con thú nhún làm đồ chơi cho học sinh. Những vật này đều do phòng giáo dục cấp theo định kỳ.

Như nhiều phụ huynh, bà Tám cũng bất ngờ trước những thông tin mà chính quyền Singapo vừa công bố. Dù từ trước đến nay chưa xảy ra vấn đề gì liên quan đến sức khỏe của trẻ nhưng bà Tám cũng mong có kết luận chính xác về loại đồ chơi này ở thị trường Việt Nam để gia đình, phụ huynh dừng cho trẻ chơi và tránh mua.

Phía dưới bụng thú nhún ghi rõ
Phía dưới bụng thú nhún ghi rõ “made in china”

Chất dẻo Phthalate không được phép có trong đồ chơi

Ông Trần Văn Sung, Viện trưởng Viện Hóa học khẳng định, Phthalate nằm trong danh mục chất độc hại. Chất này là chất hóa dẻo, dùng để gia công các đồ nhựa công nghiệp, có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, trí não của con người. Ông Sung cho rằng, chất này không thể được dùng trong sản xuất đồ chơi cho trẻ.

"Đồ chơi của trẻ là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối nên không thể có chất này. Dù là đồ chơi nhưng không tránh được trường hợp cho vào mồm gặm, mút. Muốn biết loại đồ chơi thú nhún đang bán ở thị trường có chất đó không thì cần phải đưa đi phân tích", ông Sung nói.

Chung nhận định, ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên Trưởng khoa da liễu, bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cũng xác nhận, chất dẻo Phthalate có khả năng gây dị ứng cho da, ảnh hưởng sự phát triển trí não, nhất là với trẻ nhỏ. Nó nằm trong danh mục những chất gây bệnh cho con người.

"Từ trước đến nay, tôi chưa tiếp nhận ca dị ứng nào do tiếp xúc với loại đồ chơi này. Thế nhưng, khi chính quyền Singapore đã có kết luận về tác hại của nó thì chúng ta cũng nên cảnh giác, nhất là đồ chơi này có cùng xuất xứ từ Trung Quốc", ông Lộc nói.

Cũng theo ông Lộc, người dân hiện còn chủ quan với các bệnh da liễu vì cho rằng nó chỉ ảnh huởng ở ngoài da, không nghiêm trọng bằng các bệnh tật khác, việc dùng thuốc bôi cũng không thẩm thấu vào cơ thể được như thuốc uống. Tuy nhiên, thực tế khi một chất độc hại đã xâm nhập vào da thì có thể phát tán khắp cơ thể. Tương tự, thuốc bôi ngoài da cũng thẩm thấu qua da vào cơ thể giống như các loại thuốc uống.

"Cơ quan truyền thông nên tuyên truyền mạnh để người dân cảnh giác với những sản phẩm bị nghi ngờ là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, nhất là với trẻ nhỏ. Các cơ quan chức năng nên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để người dân có được những thông tin chính xác về sản phẩm giống loại có chất độc ở singapore ở thị trường Việt Nam", ông Lộc ý kiến.

Theo Dân Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét