Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Âm nhạc giải trí có là thảm họa?


Đã có quá nhiều lời phàn nàn về loại hình âm nhạc giải trí. Thế nhưng, thực tế cho thấy đời sống âm nhạc hiện nay là vô cùng đa dạng, không thể lấy quá khứ một thời để làm tiêu chí cho thế hệ trẻ.

Hay nói cách khác, âm nhạc và thị hiếu âm nhạc không thể "đóng đinh" trong một khuôn nhất định.

Bức tranh màu xám

Trong hội thảo khoa học "Âm nhạc với tuổi trẻ – thực trạng và phương hướng" do Hội Nhạc sĩ Hà Nội tổ chức gần đây, phần lớn ý kiến đều tỏ ra nuối tiếc về một thế hệ những người sáng tác những bài hát đã, đang và sẽ sống mãi trong lòng người yêu âm nhạc. Họ băn khoăn, bức xúc với tình trạng âm nhạc giải trí hiện nay – người sáng tác không chuyên nghiệp, hời hợt, ít cảm xúc; nhiều ca sĩ chỉ thích chóng nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền; công chúng- phần đông là giới trẻ- "mù" kiến thức về âm nhạc, dễ dãi…

Ca sĩ Mỹ Tâm - ngôi sao của dòng âm nhạc giải trí- vừa được nhận giải thưởng
Ca sĩ Mỹ Tâm – ngôi sao của dòng âm nhạc giải trí- vừa được nhận giải thưởng "Nghệ sĩ xuất sắc" tại Asian Music Awards.

Nhưng nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Châu có cái nhìn bình tĩnh hơn với những được- mất của cái gọi là âm nhạc thị trường, giải trí. Theo chị, thế hệ trẻ ngày nay, từ khi sinh ra không còn được bao bọc trong tiếng hát ru mênh mang cánh cò; lớn lên không cùng với tiết tấu đồng dao bình dị mang lại bài học đơn giản nhất về kỹ năng sống, cũng không cùng điệu lý, điệu hò dân dã thấm dần vào cảm nhận tự nhiên về cái đẹp. Ở trường tiểu học cũng được học nốt nhạc, nhưng chỉ cần đọc làu làu như vẹt thôi chứ về cơ bản vẫn là "mù" âm nhạc. "Môi trường âm nhạc ở ta mất cân đối và quá nhiều bất cập trong giáo dục đại chúng và đào tạo chuyên nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng dân trí cũng như sự phát hiện và nuôi dưỡng tài năng trẻ… Mục tiêu đào tạo dường như chỉ để đáp ứng yêu cầu dạy lại cho trò những gì thầy đã học, chứ không phải cái xã hội đang cần…" – bà Minh Châu kết luận.

Cần công bằng hơn với người trẻ

Trong một bài viết trên báo Lao Động nhiều năm trước, Joe Ruelle – một anh chàng người Canada khá nổi tiếng bởi khả năng dùng tiếng Việt (tác giả cuốn "Tớ là Dâu") – kể lại: "Buổi sáng ở Hà Nội hiện nay có phong trào tập thể dục theo nhạc. Một hôm, chàng ta đã phát hiện ra một đám các bà, các cô đang say sưa nhún nhảy theo một điệu nhạc của nước ngoài với ca từ vô cùng thô tục. Nhưng vì không ai biết và hiểu lời bài hát nên chả ai phản đối cả!". Nói lại chuyện này để thấy rằng ở nước tiên tiến, với nền âm nhạc đại chúng phát triển đến mức chuyên nghiệp mà vẫn có những tác phẩm "chướng tai gai mắt" với một số người này, nhưng lại hợp thị hiếu với những người khác. Chính từ sự khác nhau này, đời sống âm nhạc mới trở nên phong phú.

Là người có tới gần chục năm làm các chương trình âm nhạc giải trí trên truyền hình, trong một lần trao đổi với PV về đề tài này, nhà báo Đặng Thị Diễm Quỳnh (hiện là Phó Trưởng ban Thanh – thiếu niên, Đài THVN) cho rằng: "Các bạn trẻ nghe nhạc rất nhiều, ở nhà, ngoài phố, trên xe buýt… và đó là điều tốt. Còn thị hiếu âm nhạc xuất phát từ điều khác chứ không phải là do tuổi trẻ. Tôi biết nhiều bạn trẻ có gout nghệ thuật, họ chọn âm nhạc để nghe, chọn tác phẩm để đọc, lại có người đã không còn trẻ vẫn say sưa với những bài hát não nề, nói chung là tùy thuộc rất nhiều vào văn hóa nền và thẩm mỹ của mỗi người. Thị hiếu không có tội, nó có thể thay đổi theo thời gian, theo sở thích mỗi cá nhân. Dùng cụm từ "nhạc thị trường" và xếp vào dạng đáng chê là lối quy kết dễ dãi".

Và trên thực tế, cái gọi là nhạc thị trường- muốn nói gì thì nói- vẫn có chỗ đứng riêng, có lượng khán giả hâm mộ riêng trong đời sống âm nhạc hiện nay. Vậy thì có thể coi đó là "thảm họa" được không? Vấn đề không nằm ở thể loại âm nhạc (thính phòng hay giải trí, thị trường), mà nằm ở tác phẩm – chúng ta chưa tạo được những tác phẩm giải trí đáng là giải trí, để có thể gây nên một làn sóng như người Hàn Quốc đã làm với K-pop hay Gangnam Style!

Hơn nữa, có lẽ chúng ta cũng chẳng cần phải lo ngại quá mức rằng liệu âm nhạc VN sẽ đi về đâu, bởi thực trạng âm nhạc hiện nay là tất yếu của cuộc sống, của xã hội phát triển. Những sản phẩm âm nhạc ra đời vội vã với tư duy nông cạn chỉ là số ít và cũng nhanh chóng chết yểu.

Theo Lao động



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét