Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Anh Quang “tôm” ở đất Đông Ngũ


Với lợi thế có diện tích mặt nước, ao đầm rộng… người dân xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thuỷ sản. Thời gian qua, việc xây dựng các mô hình nuôi tôm cho giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ nuôi an toàn đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, đem lại lợi nhuận cao cho rất nhiều hộ dân. Tiêu biểu trong đó là anh Bùi Văn Quang, đoàn viên thôn Sán Xế Nam.

Sinh năm 1985, Bùi Văn Quang từ sớm đã chứng tỏ là một thanh niên dám nghĩ, dám làm. Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng mía và ngô, thu nhập thấp và bấp bênh, chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm. Nhưng từ khi chuyển sang nuôi thử nghiệm tôm trên diện tích đầm rộng 1ha, gia đình tôi đã dần ổn định hơn trong thu nhập, đời sống kinh tế khá giả lên rất nhiều". Từng bôn ba làm thợ khắp nơi từ Bắc chí Nam, nhưng cuộc sống gia đình khó khăn vẫn hoàn khó khăn, Bùi Văn Quang rút ra kinh nghiệm xương máu: "Là nông dân thì phải đi lên từ đồng ruộng". Với suy nghĩ đó, năm 2005, Bùi Văn Quang mạnh dạn chi 65 triệu đồng từ nguồn vốn mà anh tích góp được, cộng với tiền của bố mẹ, người thân cho vay để đầu tư vào việc xây đắp 1ha đất ruộng trồng lúa năng suất kém, bỏ hoang thành đầm nuôi tôm. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng các thành tựu tiến bộ KHKT, mỗi vụ thu hoạch tôm, Bùi Văn Quang thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/vụ. Năm 2011, đầm tôm của Quang cho thu hoạch ước khoảng 8,6 tấn, bán được gần 2 tỷ đồng và thu lãi hơn 400 triệu đồng. Riêng trong năm 2012, trừ các chi phí, Bùi Văn Quang thu về 700 triệu đồng tiền lãi.

Anh Bùi Văn Quang, xã Đông Ngũ, Tiên Yên bên đầm tôm của mình.
Anh Bùi Văn Quang, xã Đông Ngũ, Tiên Yên bên đầm tôm của mình.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào lập nghiệp trên đồng đất quê hương, Bùi Văn Quang tâm sự: "Lúc mới bắt đầu, nơi đây đều là ruộng bỏ hoang, cây cối cũng không có. Đường đi lối lại rất khó khăn, bốn bề toàn nước là nước. Tôi dành mấy tháng ròng rã vận chuyển từng hòn đá, viên gạch vào để san lấp mặt bằng, xây tạm chòi để ở; thuê xe chở đất làm đường, mua dây điện và cột để xây dựng đường điện dài hơn cây số. Tôi đã phải bán hết đồ đạc quí giá trong nhà, để có tiền đầu tư". Song không phải vụ nào cũng cho thu hoạch cao, nông dân trẻ Bùi Văn Quang kể tiếp: Vụ đầu tiên, do chưa nắm được kĩ thuật nuôi tôm, nuôi theo hình thức tự nhiên, tôm của nhà tôi tự nhiên chết nhiều lắm, trắng cả mặt ao. Khi ấy, tôi rất xót xa và có ý nản… Sau, nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm của những hộ nuôi tôm thành công trong xã và thậm chí cả ở các hộ khác trong huyện, lại được tham gia lớp tập huấn về kĩ thuật nuôi tôm công nghiệp, tôi có thêm nhiều kiến thức và đem tất cả vốn hiểu biết, kinh nghiệm đã học được về áp dụng vào mô hình đầm tôm của nhà mình. Vụ tiếp sau đó năng suất khá cao, cho thu nhập trên 120 triệu đồng. Tôi bèn đem kinh nghiệm của mình chia sẻ với bà con trong vùng. Bà con áp dụng theo nên các vụ sau đều thắng lớn.

Chia sẻ với phóng viên về những dự định tới đây, Bùi Văn Quang cho biết, sắp tới anh sẽ mở rộng thêm diện tích ao đầm để thử nghiệm mô hình mới đó là nuôi cua biển. Qua lời kể của anh Quang, thì đây là mặt hàng có giá trị kinh tế khá cao và đặc biệt, con cua lại phù hợp với khí hậu, nguồn nước ở vùng biển này. (Cua biển ở Đông Ngũ trước đây từng là mặt hàng xuất khẩu được khách hàng rất ưa chuộng, đem lại nguồn thu lớn cho người dân trong xã). Từ thành công của Bùi Văn Quang, nhiều thanh niên trong thôn, trong xã như anh Nông Văn Thìn, Phạm Văn Thành đã học tập mô hình nuôi tôm công nghiệp để phát triển kinh tế gia đình, bước đầu đem lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Hy vọng, mô hình nuôi tôm công nghiệp của anh Quang "tôm" đất Đông Ngũ sẽ tiếp tục được nhân rộng, đem lại hướng thoát nghèo, làm giàu cho thanh niên xã Đông Ngũ và toàn huyện Tiên Yên.

Minh Hà



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét