Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Bộ đội ở nhà tôi


Hơn 10 năm trong quân ngũ, lại gắn bó với chiến trường miền Nam đúng vào thời điểm căng thẳng và ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vậy nên, bố tôi – một cựu chiến binh Đoàn 126 luôn ấp ủ nguyện vọng được gặp lại những đồng đội cũ. Sau những năm tháng vất vả mưu sinh, lo toan cuộc sống gia đình, khi các con trưởng thành, bố mới có chút thời gian dành cho mình. Nhưng giục thế nào, bố vẫn cứ chần chừ cho việc thực hiện nguyện vọng ấy. Lúc thì lo cháu còn bé, ông đi vắng thì mình bà vất vả. Rồi lại ngại ngần chuyến đi xa thế, nhiều ngày thế, tốn kém, phiền hà đến các con. Tính bố tôi xưa nay vẫn thế. Lo cho mọi người nhiều hơn trước khi nghĩ đến bản thân.

Rồi một hôm, bố tôi hồ hởi, phấn chấn khoe với con cháu. Đã “bắt” được liên lạc với đồng đội trong Nam. Mà xúc động hơn là các chú ấy không hiểu thế nào lần được số điện thoại bàn. Sự kết nối kỳ diệu nhờ công nghệ viễn thông. Lần ấy, bố tôi đã miên man hơn nửa tiếng qua chiếc điện thoại bàn với những người bạn trong đời quân ngũ. Có những thông tin còn kỳ diệu và đặc biệt hơn cả cuộc gặp gỡ qua điện thoại. Đó là, một đồng đội của bố tôi đã hy sinh, nhưng sau nhiều năm hoà bình, người liệt sĩ ấy vẫn chưa được "đoàn viên" cùng người thân. Chiến tranh là thế. Nỗi đau mất mát, hy sinh người ta có thể nén lại ở một giai đoạn nào đó. Nhưng dẫu vậy, vẫn canh cánh nỗi niềm về sự thất lạc thông tin giữa người lính với chính gia đình họ. Thế rồi, cũng không hiểu bằng cách nào, các đồng đội của bố tôi ở trong Nam đã truy tìm ra được vợ con của người liệt sĩ đó để thông báo về phần mộ. Người vợ đã lấy chồng. Người con trai của chú ấy đã trưởng thành, có gia đình. Tất cả đều mừng mừng tủi tủi.

Bố tôi vốn cực kỳ trầm tính, nếu không muốn nói quá kiệm lời. Thế nhưng, mỗi khi nhắc tới kỷ niệm của hơn 10 năm gắn bó trong lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam – cũng trọn chừng ấy thời gian bố tôi làm lính đặc công nước, thì dường như là một con người khác. Bố tôi hào hứng, say sưa kể, từ chuyện ngày đông giá rét phải tập bơi để chuẩn bị trước khi vào chiến trường. Rồi những lần đối mặt với mưa bom, bão đạn và sự đùm bọc, chở che của các má, các cô ở vùng đất nay nổi tiếng với Hòn Ngọc Việt tráng lệ. Bố tôi kể, xưa kia chỗ ấy chính là Hòn Tre – một hòn đảo lớn nhất của Vịnh Nha Trang. Cứ mỗi lần trở về hồi ức của hơn 10 năm quân ngũ, đậm sâu nhất chính là nghĩa tình đồng đội, nghĩa tình quân dân. Và, những địa danh vùng đất nơi bố tôi đóng quân, tham gia chiến đấu hình như còn thân thuộc với ông hơn cả nơi đang sinh sống. Có lẽ bởi, xương máu đồng đội đã hoà cùng hòn đất, vịnh biển Nha Trang.

Bắc Cung



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét