Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Tàu không số qua ký ức của một người lính


Những chuyến đi không quên…

Tôi với ông Đinh Văn Đức là người cùng làng lại còn vương vấn họ hàng đôi chút, nhưng thú thật tôi chỉ biết ông là lính thời đánh Mỹ. Mãi cuối năm ngoái khi mà Bộ Tư lệnh Hải quân cùng với Hội Cựu chiến binh tàu không số đến xây nhà tình nghĩa cho ông, lúc ấy không riêng tôi mà nhiều người trong làng mới biết ông là một chiến sĩ có hạng của tàu không số. Ông đã 13 lần chuyển hàng, chuyển quân vào nam. Lính tham gia đánh Mỹ thì nhiều, nhưng là lính của đoàn tàu không số thì cả làng tôi chỉ có ông. Tiếp cận với ông thật dễ, nhưng để tìm hiểu về những chuyến đi của người lính trên đoàn tàu không số thì chưa có dịp nào. Nhận lời tiếp tôi, vào đầu giờ chiều của một ngày cuối năm, tôi đến nhà ông. Khi gặp, ông nói luôn:

- Anh muốn tìm hiểu công việc đánh đấm của người lính chúng tôi, thú thật là bản thân tôi chưa thấm tháp vào đâu, bây giờ tôi đưa anh sang Hà Nam gặp ông Vũ Hữu Suông, ông ấy một dạo đã làm thuyền trưởng của tàu tôi. Hiện ông là Uỷ viên Hội Cựu chiến binh tàu không số toàn quốc, Hội trưởng Hội Cựu chiến binh tàu không số Quảng Ninh. Mà anh biết không, trong dịp toàn quốc kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập đoàn tàu không số (1961-2011 ), Hội Cựu chiến binh tàu không số toàn quốc đề nghị đưa ông vào danh sách đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu anh hùng, nhưng ông đã kiên quyết xin rút…

Nghe ông Đức nói, tôi mê ngay. Thế là mỗi người một xe máy khoảng 30 phút sau chúng tôi đã có mặt tại nhà ông Suông ở khu 3, phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên. Bà Nguyễn Thị Sinh (vợ ông Suông), nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Hải (nay là phường Yên Hải), vừa rót xong tuần nước thì ông Suông về. Ở tuổi thất thập, lại đã nhiều lần đối mặt với cái chết, thế mà trông ông vẫn còn cường tráng, phong độ lắm…

Ông Vũ Hữu Suông nhận quà tặng từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Phủ Chủ tịch nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn tàu không số.
Ông Vũ Hữu Suông nhận quà tặng từ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Phủ Chủ tịch nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn tàu không số.

Và ký ức về những chuyến đi không quên ấy hiện dần lên qua lời kể của ông Suông…  

- Chuyến thứ nhất vào đầu tháng 10 năm 1970.

Sau chuyến hàng của tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô, tỉnh Phú Yên thì việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam bằng đường biển gặp rất nhiều khó khăn. Mỹ, Ngụy tăng lượng tàu, hình thành nhiều vòng kiểm soát rất gắt gao từ ven bờ ra đến hải phận quốc tế. Lúc ấy, tôi đang là thuyền trưởng tàu 246 được điều sang tàu 121 làm thuyền phó phụ trách hoả lực. Cũng phải nói thêm với anh rằng, trước kia, thậm chí đến bây giờ nhiều người vẫn nghĩ, tàu không số thì không có số hiệu… Không phải đâu! Tàu nào cũng có số hiệu cả, nhưng vì tuyệt đối giữ bí mật nên các tàu trước khi xuất hành đều không mang biển số, và trên tàu cũng rất nhiều biển số khác nhau khi cần sẽ đảo tráo để lừa địch, thậm chí màu sơn có khi cũng thay đổi trên đường đi. Đồ dùng cũng không có nhãn mác, số hiệu…

Tàu 121 đi chuyến này thuyền trưởng là anh Dương Tấn Kịch, thuyền phó là anh Thơm, anh Phí và tôi, kể cả chiến sĩ là 16 người. Đã hơn 40 năm rồi, tôi không còn nhớ được họ tên từng người, chỉ biết trong số những người đi chuyến ấy hầu hết là người quê ở miền Nam, tuổi đời còn rất trẻ. Trước khi tàu rời bến, chúng tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ, và căn dặn: "…Chuyến này là chuyến mở lại bến, ai thấy khó khăn cứ xin ở lại, không đánh giá tư tưởng". Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều đồng thanh: "Thưa Đại tướng, không ai khó khăn ạ…". Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất phấn khởi nói tiếp: "Thế là rất tốt". Sau đấy Đại tướng bắt tay từng người và chúc chuyến đi thành công. Khi Đại tướng nói xong, mỗi chúng tôi đều ý thức được rằng, đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào. Tôi biết trong 16 cán bộ, chiến sĩ, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, không mảy may một ai nghĩ cho mình…

Các chiến sỹ Đoàn tàu không số gặp mặt nhau tại nhà ông Vũ Hữu Suông nhân dịp ông tròn 70 tuổi. Trong ảnh: Ông Suông cùng vợ nhận quà tặng của đồng đội cũ.
Các chiến sỹ Đoàn tàu không số gặp mặt nhau tại nhà ông Vũ Hữu Suông nhân dịp ông tròn 70 tuổi. Trong ảnh: Ông Suông cùng vợ nhận quà tặng của đồng đội cũ.

…Xuất phát từ Hải Phòng, tàu chúng tôi đi qua Vịnh Hạ Long, rồi vượt sang đảo Hải Nam của nước bạn, lại từ đây theo hải phận quốc tế đi xuống phía nam, suốt dọc đường đi đều suôn sẻ nhưng khi đến điểm này, (ông Suông chỉ tay vào một chấm nhỏ trên bản đồ mà ông để trước mặt), đây là điểm rẽ vào tỉnh Bến Tre, thì hoa tiêu báo có ba tàu địch đang bám đuổi. Lập tức lệnh của thuyền trưởng: Tất cả vào vị trí theo phương án đã định. Một lát sau, hoa tiêu lại báo, một tàu địch vượt lên chặn đầu tàu của ta. Lệnh của thuyền trưởng: Hãy bình tĩnh, mọi người phải "nhập vai" cho khéo. Được lệnh, ai vào việc ấy, cứ như một màn kịch, người thì giương cờ ba sọc đỏ lên, người thì mặc quần đùi xạc cẳng ra vờ vá lưới, người thì phơi mực, phơi cá… Tất cả các loại súng đều lên đạn và được phủ các cheo lưới để ngụy trang. Riêng các xạ thủ B40, B41, DKZ người đứng, người ngồi ở các vị trí thuận lợi sẵn sàng nhả đạn khi có lệnh. Các "diễn viên" chúng tôi diễn xuất chắc cũng khá nên đã đánh lừa được bọn chúng. Khi cách tàu ta chừng khoảng hai chục mét, một thằng lính Ngụy đưa tay lên mồm làm loa:

- Người anh em có gì nhậu không, í…

- Một chiến sĩ giơ chiếc chai lên trời khua khua, ý nói là có. Khi tàu địch cách tàu ta khoảng 15 mét, một chiến sĩ đứng ở phía mũi tàu nhanh chóng quăng cho bọn chúng hai túm mực khô. Kiếm được đồ nhậu chúng cho tàu lảng ra, tăng tốc và đi ngược về phía tàu chúng tôi. Trước khi đi, một thằng chõ mồm sang:

- Tụi bay tốt quá trời…

Khi tàu chúng chạy xa, một chiến sĩ xạ thủ B40 nói với tôi:

- Anh Năm nè, tý nữa em bóp cò, giải quyết được chiếc gần còn hai chiếc kia dễ ợt.

- Tàu mình có phải đi đánh nhau đâu, chú lần sau không được có ý nghĩ manh động như vậy nghe. Cậu chàng không nói gì, chỉ nhe hàm răng ra cười như biết mình có lỗi, rồi lảng đi chỗ khác.

Chuyến ấy vào bến đúng một giờ đêm, ba giờ đêm thì bốc hàng xong. Theo kế hoạch, giao hàng xong phải cho tàu rời bến, nhưng vì nước cạn chúng tôi phải ngụy trang tàu, đến đêm hôm sau tàu mới rời bến ra Bắc…Tính cả đi lẫn về vừa tròn 20 ngày. 30 tấn vũ khí được đưa vào bến an toàn. Chúng tôi lại được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống tận đơn vị biểu dương khen ngợi. Thêm chiến công này, tàu 121 được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Một tuần sau tôi được điều sang tàu 176, cũng làm thuyền phó và phụ trách hoả lực. Nhận tàu xong đồng thời cũng nhận luôn nhiệm vụ đưa hàng vào Bến Tre…

- Chuyến thứ hai vào đầu tháng 11 năm 1970.

Chuyến đi có 28 người trong đó có 10 lính đặc công nước. Thuyền trưởng là anh Ngọc quê Quảng Ngãi, có 3 thuyền phó là anh Thạch, anh Quốc và tôi. Đã đi nhiều chuyến vào Nam, không biết do linh cảm thế nào, lần này tôi mang hai bộ quần áo sĩ quan, một đồng hồ Pôn-zốt, một chiếc bút kim tinh Trung Quốc mà vợ tôi tặng, nhờ anh Nguyễn Đức Cận, người cùng đơn vị lại đồng hương với tôi, giữ hộ và dặn, bao giờ có giấy báo tử mới được mang đưa cho gia đình tôi. (Đến năm 1975, khi tôi ra Bắc thì anh Cận mới mang những thứ này đến cho gia đình!).

Cũng như lần trước, tàu chúng tôi xuất phát từ cảng K20 Thuỷ Nguyên, Hải Phòng vòng qua đảo Hải Nam – Trung Quốc rồi theo hải phận quốc tế xuôi xuống phía nam. Tối ngày 21 tháng 11 năm 1970, tàu trên đường vào Bến Tre, cách bờ khoảng 40 hải lý, thì địch phát hiện. 12 tàu địch bao vây chúng tôi, trên trời máy bay trực thăng gọi hàng, máy bay C130 thả pháo sáng chỉ điểm. Biết khó có thể qua mặt được chúng, lệnh của thuyền trưởng: Sẵn sàng chiến đấu!

Chiến sĩ lái tàu theo lệnh của thuyền trưởng lúc rẽ phải, lúc ngoặt trái, lúc tiến thẳng với tốc độ cao, mục đích lừa chúng để tàu ta vào gần bờ sẽ có lực lượng du kích hỗ trợ. Địch dựa vào thế áp đảo để vây ráp, bắt sống người và thu tàu vũ khí. Một cuộc hội ý chớp nhoáng của chi bộ, sau đấy là lệnh của thuyền trưởng:

 - Chúng ta sẽ quyết tử! Nhận lệnh, với tư cách người phụ trách hoả lực tôi hô:

  -  Tất cả… bắn!

Ngay từ loạt đạn đầu, chúng tôi đã đánh chìm một tàu của chúng. Biết không thể khuất phục được, trên trời máy bay thả pháo sáng, bắn rốc-két, bỏ bom, dưới biển các tàu tập trung pháo bắn cấp tập. Phải nói các chiến sĩ của ta sử dụng B40, B41, ĐKZ có hiệu quả, vì vậy bọn chúng không dám tới gần, cuộc chiến đấu không cân sức mỗi lúc một quyết liệt hơn, thời gian kéo dài khoảng 30 phút, lúc ấy đã có 16 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có đồng chí Thạch, thuyền phó. Còn lại chỉ có 12 người, trong đó hai người bị thương nặng. Tàu bị nhiều đạn pháo, máy hỏng nặng nên lệnh của thuyền trưởng quyết định huỷ tàu, số thương vong được nhanh chóng đưa vào bờ. Ở lại huỷ tàu chỉ có tôi, đồng chí Nhất và đồng chí Huy. Giữa lúc hiểm nguy nhất thì có một chiến sĩ trẻ nói với tôi:

- Anh để cho em ở lại, anh còn… vợ… con…

- Không được, cậu phải lên bờ ngay. Lệnh đấy. Nhanh lên!

Biết đồng đội đã bơi được khá xa, tôi mới cho cài kíp nổ phá tàu, cài cả ba loại kíp: Kíp hoá học, dây cháy chậm và hẹn giờ. Cài xong, tôi vẫn chưa an tâm phải đi kiểm tra lại, chắc chắn rồi ba chúng tôi mới nhẩy xuống sông để bơi vào bờ. Trên trời máy bay vãi pháo sáng sáng như ban ngày, pháo của chúng vẫn dội về phía con tàu, nhưng chỉ ít phút sau, một tia chớp nhoằng sáng trong trời đêm tiếp theo là một tiếng nổ động trời, 1,5 tấn thuốc nổ tạo ra một quầng lửa bung lên bầu trời hình chiếc nấm, thế là 75 tấn vũ khí cùng con tàu đã hoá thân vào với sóng nước biển khơi nơi quê hương Đồng Khởi. Trên bờ, địch điều một tiểu đoàn dù ngụy và Nam Hàn có xe tăng yểm trợ đổ bộ xuống vùng ven biển Cồn Bưởng, Thạnh Phong, Thạnh Phú nhằm bắt sống những chiến sĩ còn sống sót, nhưng gió và sóng lại đưa chúng tôi trôi dạt về huyện Đại Bình làm lệch địa điểm bao vây của địch. Nghe có tiếng súng, du kích các huyện dọc bờ biển biết tàu ta gặp địch, đã triển khai lực lượng yểm trợ, đến khi nghe thấy tiếng nổ lớn biết đã huỷ tàu, mọi người lại toả đi các nơi đón tìm các cán bộ, chiến sĩ vượt biển lên bờ. Vì thế, ngay khi vào đến bờ, chúng tôi đã được du kích và dân ở trong cứ ra đón cưu mang chạy chữa kịp thời cho những chiến sĩ bị thương và chôn cất các liệt sĩ. Những ngày sau đấy chúng tôi được biên chế vào đơn vị 962 – Một đơn vị chuyên đón nhận hàng và người ngoài Bắc vào. Cho mãi tới tháng 10 năm 1974 tôi mới lội bộ vượt Trường Sơn ra miền Bắc báo cáo cụ thể của chuyến đi…

Kể đến đây tôi thấy giọng ông Suông như lạc đi và đôi mắt ông chơm chớp. Tôi không dám hỏi thêm mà nhìn ra lối dẫn vào nhà ông, ngoài ấy người ta đang chở cát, chở gạch, đập tường hiến đất làm đường trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Biết ý, bà Sinh từ gian nhà trong đi ra nói với tôi:

- Nhà tôi, mỗi khi nhắc lại chuyện xưa là nhớ đến đồng đội vẫn hay xúc động vậy đấy, có lúc ông ấy còn khóc…

Chúng tôi ngồi yên lặng. Mãi một lúc sau mới tiếp tục câu chuyện. Cũng là chuyện Nam tiến, nhưng lần này thì khác…

Thăm chiến trường xưa…

"…Tháng 7-2007, tôi ở trong đoàn cựu chiến binh của đoàn tàu không số vào thăm lại chiến trường xưa. Điểm nào, chỗ nào mà chúng tôi đến cũng mang dấu ấn của những chiến tích anh hùng, những con người anh hùng. Tôi nhớ những cái tên như Phan Vinh, thuyền trưởng tàu 235, cùng thợ máy Ngô Văn Thứ. Sau khi các anh huỷ tàu rồi bơi vào bờ, đơn độc nhưng vẫn kiên cường dũng cảm chiến đấu với địch, hết đạn, kiệt sức hai anh dựa lưng vào nhau đến khi tắt thở. Giặc tìm được lồng lộn tưới xăng vào thi thể hai anh để đốt. Hay thuyền trưởng tàu 165 Nguyễn Chánh Tâm bị 8 tàu chiến Mỹ – Ngụy bủa vây, trên trời máy bay khu trục, trực thăng yểm trợ hòng bắt sống tàu ta. Cuộc chiến quyết tử ấy đã kéo dài gần tiếng. Do lực lượng quá mỏng, cuối cùng 18 cán bộ, chiến sĩ cùng tàu đã hoá thân vào biển cả mênh mông. Biển mênh mông và vĩnh hằng, mộ các anh cũng vĩnh hằng nơi biển cả.

Tất cả họ đã thanh thản ra đi như thế đấy. Mỗi chuyến đi đến tỉnh nào, bến nào du kích ở các bến đều thao thức suốt đêm chờ tàu vào để nhận hàng. Nghe thấy tiếng súng nổ, nhất là khi biết huỷ tàu, là tất cả lại tìm mọi cách ứng cứu kịp thời. Những chuyến đi suôn sẻ, sau khi giao hàng xong tàu chúng tôi lại phải rời bến ngay, những bà má đã cho chúng tôi những trái cây, những đặc sản của vùng quê chúng tôi đã đến, mặc dầu đồng bào ta còn đói khổ lắm, có nơi còn phải ăn củ mài, húp nước cháo mà vẫn một lòng đi theo Đảng. Khi tàu rời bến, các má còn gửi lời thăm hỏi Trung ương Đảng, Bác Hồ và chúc Bác sống lâu muôn tuổi…

Đoàn chúng tôi đi hơn một tháng, điểm đến là các bến bãi các tàu đã đến giao hàng kéo suốt từ sông Gianh và hết các vùng ven biển miền Nam. Bến Tre đây rồi! Sông Hàm Luông, bến Cồn Lợi đây rồi. Như từ trong vô thức, tôi tự thốt ra như thế khi đặt chân lên mảnh đất mà ngày xưa tôi đã đến và đi. Trên bốn mươi năm rồi còn gì. Bây giờ Bến Tre khác xưa nhiều quá, bến Cồn Lợi ngày xưa đã đón những con tàu lặc lè súng đạn đi vào nay dừa đã trùm kín mít. Thời gian hạn hẹp quá, tôi không thể tìm gặp lại các anh Từ Sơn, Nhất Tâm, Tư Chiến, Bẩy Bình… Các anh đều là những người phụ trách bến năm xưa. Ngày ấy và cho tận đến bây giờ, chúng tôi thật khâm phục bà con mình, không có phương tiện bốc dỡ, tất cả bằng tay không, thế mà chỉ trong hai đến ba tiếng, đã vận chuyển hết năm, bẩy chục tấn vũ khí về nơi cất giữ an toàn, trong đó có cả các loại vũ khí hạng nặng.

Lưng chiều.

Trời Bến Tre xanh ngăn ngắt, thoảng mới có một sợi mây lãng đãng trôi theo chiều gió. Một đồng đội kéo tôi hướng ra phía biển rồi giơ tay chỉ về phía xa:

- Tàu 176 của mình nằm ở chỗ kia.

Ấy là đoán thế, chứ biển đã xoá nhoà đi tất cả, chẳng còn gì gọi là phế tích của cuộc chiến năm xưa, con tàu mang số hiệu 176 đã tan chìm nơi đáy biển, có chăng số hiệu ấy chỉ còn lại trong những trang sử của đoàn tàu không số mà thôi. Ven cửa sông Hàm Luông những con sóng lưu riu, kiên nhẫn mài lên bờ cát, những hàng dừa đổ bóng xuống lòng sông, những tàu lá leo reo trong gió chiều như giãi bày những câu chuyện của một thời oanh liệt đã qua. Từ trên bờ nhìn ra phía biển, biển cả mênh mông, nhưng không mênh mông bao la bằng tấm lòng người dân nơi đây, họ đã một thời nhịn đói nuôi giấu chúng tôi, cưu mang đùm bọc chúng tôi, họ đã góp phần làm nên con đường huyền thoại tàu không số, họ không có tên trong bất kỳ cuốn sử nào, họ sống lẫn vào với mọi người trong cuộc sống thường nhật, họ bình dị, mộc mạc như hạt lúa củ khoai, không màng tới danh vị, không mảy may hối tiếc, không bon chen với mọi thứ trên đời, họ chẳng là gì, bởi họ là nhân dân…

Ông Suông giọng như lạc hẳn đi. Có lẽ vì xúc động. Biết thế, tôi không nói gì mà ngước nhìn lên mái nhà. Ngôi nhà ba gian đã xuống cấp, đã có lần Hội Cựu chiến binh đoàn tàu không số đề nghị xây cho ông nhà mới, nhưng ông từ chối và bảo: Nhà này còn tốt chán, nhiều anh em còn khó khăn hơn, nên xây cho họ trước. Tôi nhìn sang bức tường phía bên, ảnh một con tàu không số được phóng to cỡ  50x70cm đang hùng dũng trên đường hành tiến chở vũ khí vào Nam cùng ảnh ông chụp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đoàn tàu không số. Đoán được tâm trạng của tôi ông Đức nói:

- Ông ấy vẫn thường xuyên như thế khi nhớ về đồng đội…

- Không phải đâu – Ông Suông nói – Là tôi đang nhẩm lại bài thơ mà tôi viết lần vào thăm chiến trường xưa để đọc cho anh nghe…

- Hoá ra ông cũng biết làm thơ? – Tôi hỏi.

- Không, tôi chỉ ghi lại những suy nghĩ của mình thôi. Chẳng biết hay dở thế nào.

Và ông đọc cho mọi người cùng nghe bài thơ hồi ấy:

"…Dưới đáy biển sâu/ Đâu là mũi tàu/ Đâu là khoang máy?/ Liệu còn những gì của đồng đội chúng tôi?/ Có cái gì cay cay nơi sống mũi/ Chúng tôi bỏ mũ, lặng  im…".

Gần nửa thế kỷ rồi có ít gì – Ông Suông nói – Thời gian trôi nhanh thật, chẳng mấy chốc chúng tôi đã lên ông lên bà cả, đúng như người xưa nói "Thời gian như bóng câu qua cửa sổ". Đồng đội chúng tôi kẻ mất, người còn; người nào có số phận may mắn, người nào thân phận còn cay đắng, nghiệt ngã, bươn chải trong cuộc sống mưu sinh? Nhớ quá. Muốn gặp lại đồng đội khi xưa, những ngày chia nhau từng mẩu thuốc trước khi tàu rời bến, những ngày bão gió mịt mùng giữa biển khơi, những ngày hết gạo phải ăn quả mắm… Chỉ ước ao nhìn thấy nhau cũng đã thoả những tháng năm xa nhau đằng đẵng. Cứ nghĩ chẳng bao giờ được gặp lại nhau. Ấy thế mà đầu tháng Giêng năm nay vợ chồng tôi làm song thọ tuổi 70, tôi chỉ thông báo qua điện thoại cho một số đồng đội ở gần. Như trong mơ, hơn 100 chiến binh năm xưa của đoàn tàu không số khắp miền đất nước hội tụ về nhà tôi. Hôm ấy nhà tôi chật ních tiếng cười. Hơn bốn mươi năm rồi còn gì, họ chạy lại ôm chầm lấy tôi: Khoa đây, Tỵ đây, Chính đây, Siêu đây… Trời ơi! Mày còn nhớ tao không? Có những người tôi không nhận ra, họ vồ lấy tôi như sợ tôi chạy mất: Anh Suông, anh còn nhớ em không! Em là lính của anh năm xưa đây mà. Ờ… ờ… mày là… Những câu sau tôi không thể nói tiếp được nữa, vì cảm động quá. Nước mắt tôi ứa ra, rồi tràn loang ra hai gò má. Có dịp để gặp nhau, mọi người mừng mừng tủi tủi, nhiều người đã khóc, khóc vì sung sướng, khóc vì những ngày chia nhau bát nước, say sóng đến lả người, chung nhau cái sống, cái chết; họ giành giật cái chết về mình, nhường phần sống cho bạn, những chuyện như thế tưởng không có thật nơi trần thế. Gặp nhau ai cũng đầy ắp những kỷ niệm, họ kể lại với nhau về những chuyến đi. Hỏi chuyến đi nào mà không có những kỷ niệm buồn vui đáng nhớ. Họ gặp lại nhau chuyện trò cứ như ngày nào đi trên tàu tuổi mới mười tám đôi mươi. Đúng như ai đó đã nói: Người thì già chứ kỷ niệm thì trẻ mãi…

Ông không ngờ bạn bè lại về đông vui đến thế. Hôm ấy ông mặc quân phục với quân hàm trung tá, huân huy chương cài kín hai bên ngực, ông mặc như ngày nào diễu binh mừng chiến thắng. Còn bà Sinh vợ ông mặc áo dài, trên gương mặt bà vẫn còn phảng phất những nét trẻ trung của thời con gái. Tác phong của bà vẫn như ngày nào đứng trên diễn đàn đọc báo cáo điển hình về phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người – Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt"…

Nguyễn Tường Minh
(Ghi qua lời kể của người trong cuộc)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét