Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Nghề ươm keo giống ở Hoành Bồ: “Một vốn bốn lời”


Trong những năm gần đây, nghề ươm keo giống đã trở thành một trong những ngành nghề kinh doanh chủ lực của người dân khu 8 – thị trấn Trới (Hoành Bồ), bởi như bà con nói, đây là nghề "một vốn bốn lời"…

Những ngày cuối tháng 11, dọc con đường từ thị trấn Trới vào đến khu 8 – vùng ươm keo giống tập trung lớn nhất trên địa bàn huyện, cảnh xe cộ ra vào hoà lẫn với tiếng người mua bán tất bật càng làm cho không khí những ngày cuối năm thêm phần nhộn nhịp. Bởi dịp này đang vào mùa trồng keo tốt nhất. Theo những người dân sống lâu năm ở khu vực này cho biết, nghề ươm keo giống bắt đầu hình thành ở khu 8, thị trấn Trới đã gần chục năm nay. Ban đầu, số hộ gia đình làm nghề ươm và bán giống ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng một vài năm trở lại đây, con số này đã đông lên nhanh chóng; khu 8 trở thành vùng ươm keo giống nhiều nhất huyện Hoành Bồ, thu hút rất đông khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nhiều gia đình đã khá giả và giàu lên từ nghề này. Đặc biệt năm nay, so với mọi năm, keo giống vừa được mùa lại được giá. Nếu như những năm trước, giá keo giống bán ra thị trường chỉ từ 400-500 đồng/cây, thậm chí có lúc xuống đến 200-300 đồng/cây, thì năm nay giá keo lại lên đến 700-800 đồng/cây.

Người dân khu 8, thị trấn Trới chăm sóc cây keo giống.
Người dân khu 8, thị trấn Trới chăm sóc cây keo giống.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường (tổ 3, khu 8, thị trấn Trới) là một trong những hộ gia đình tiên phong trong phong trào ươm cây keo giống ở khu này. Nhớ lại những ngày mới tập làm nghề, chị Hường tâm sự: "Thấy phong trào trồng rừng trên địa bàn huyện cũng như trong tỉnh đang phát triển mạnh, trong khi đó nguồn cung ứng cây giống lại còn quá ít nên người dân trồng rừng đều phải mua giống về từ các tỉnh khác. Chính vì thế, gia đình tôi đã quyết định ươm thử với số lượng ít. Tuy nhiên, trong mùa đầu thu hoạch, sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, gia đình tôi vẫn còn lãi gấp đôi…".

Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình chị Hường đều ươm 100 vạn hạt keo giống tai tượng trên diện tích hơn 1.400m2. Chị Hường nói: "So với cây lúa, ươm keo giống mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp ba đến bốn lần. Mỗi năm có thể làm từ 2 – 3 vụ keo giống và mỗi vụ bình quân sẽ cho lãi từ 30 – 40 triệu đồng/sào, tuỳ theo từng thời vụ. Hơn nữa, kỹ thuật ươm cũng như chăm sóc cũng không khó…".

Cũng nhờ nghề ươm keo giống tai tượng mà gia đình bà Đỗ Thị Vân (tổ 7, khu 8, thị trấn Trới) đã từ hộ gia đình nghèo vươn lên thành một trong những hộ khá giả, có "của ăn, của để". Mỗi năm gia đình bà Vân thu được hàng trăm triệu đồng từ tiền bán cây keo giống. Chỉ tính riêng vụ keo năm nay, với 720m2 đất ươm keo, gia đình bà Vân đã thu về gần 100 triệu đồng. Bà Vân phấn khởi cho biết: "Mặc dù đầu vụ chúng tôi chỉ bán với giá 500 – 600 đồng/cây nhưng từ giữa vụ trở đi giá lại cao vụt hẳn lên. Cứ bình quân từ 700 – 800 đồng/cây mà cũng không có bán. Hầu hết những nhà ươm keo giống trong khu này đều "cháy" hàng từ những ngày bắt đầu vào vụ trồng keo, nên bà con phấn khởi lắm".

Nghề ươm cây keo giống không những đã giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách có hiệu quả mà còn nâng cao được thu nhập cho hộ gia đình. Tuy nhiên, việc ươm và bán cây keo giống ở đây vẫn chỉ dừng lại ở hình thức tự phát của người dân chứ chưa có định hướng, quy hoạch cụ thể. Đồng chí Hoàng Thị Quý, cán bộ lâm nghiệp của Phòng Nông nghiệp huyện Hoành Bồ, cho biết: "Đến nay huyện vẫn chưa có kế hoạch để phát triển vùng ươm keo giống ở khu 8 thành vùng sản xuất tập trung. Chính vì thế, hầu hết người dân đều làm nghề theo kinh nghiệm cá nhân chứ chưa được trang bị kiến thức đầy đủ. Đây cũng là một hạn chế trong việc phát triển nghề ươm keo giống trên địa bàn huyện"…

Ngô Dịu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét